Năm nay mùa mưa bão dường như đến trễ hơn mọi năm. Đã bước sang tháng mười âm lịch, mới nghe dự báo thời tiết miền Trung chuẩn bị đón bão. Chỉ mong bão vào đến đất liền rồi chuyển qua áp thấp nhiệt đới, mưa vài hôm thì tạnh. Dẫu có lụt cũng đỡ hơn bị bão tàn phá. Đã là dân nhà nông ai cũng mong năm nào cũng có vài cơn lụt nhỏ. Lụt về quét bớt sâu bọ phá hại mùa màng, đem phù sa bồi đắp ruộng đồng, cho vụ mùa sang năm bội thu.
Phố cổ Hội An mùa lụt. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG ĐỆ |
Với lũ con nít chúng tôi ngày xưa, mùa lụt là mùa vui. Ngày còn học tiểu học ở trường làng, trường sát bờ sông, nên hễ mưa lớn kéo dài chừng vài ngày, gió chướng làm nước sông Thu Bồn dâng mấp mé tràn bờ là chúng tôi được nghỉ học. Trong khi người lớn lo dọn dẹp nhà cửa, kê giường tủ, bàn ghế lên cao thì đám con nít chúng tôi tụ tập ngoài bờ sông chờ nước tràn bờ lên đường là hò reo, nhảy múa. Nói thì sợ bị ba đánh đòn chớ tôi chỉ mong nước lụt vô nhà. Mà đứa con nít nào cũng vậy, không chỉ riêng tôi. Nước lụt được nghỉ học, được lội nước, được leo lên cây nhà hàng xóm vặt trái rồi bày đủ trò nghịch phá mà không bị người lớn la mắng.
Nước lớn mấp mé hiên nhà thì chúng tôi theo người lớn chặt thân chuối kết bè rồi lùng sục đi bắt dế. Những con dế cơm to gần bằng ngón tay cái, mập ú, bị nước ngập hang phải chui ra. Khi cánh đồng sau lưng nhà bác tôi lênh láng nước thì cũng là lúc bọn dế bị ngộp nước nổi đầy trên mặt ruộng và bám vào mé cây hàng rào.
Bè chuối của chúng tôi cứ men theo hàng rào, mà bắt dế bỏ vào giỏ tre đem về cho mẹ chiên giòn làm thức ăn. Dế chiên giòn là món ăn ngon nhất vào những cơn lụt đầu mùa ở quê tôi. Dế đem về, mẹ đổ ra rổ rồi ngắt phần gai chân, giữ lại phần đùi, bỏ cánh, bỏ ruột, rửa sạch để ráo. Xong mẹ bắc chảo dầu phụng lên bếp khử chút hành cho thơm rồi cho dế vào đảo đều cho ngấm dầu. Mẹ cho vào chảo dế một chút nước mắm, chút tiêu, chút ớt bột rồi chụm lửa to hơn chút nữa để dế mau giòn.
Chị em tôi ngồi xúm quanh cái bếp dã chiến làm bằng cái thau nhôm to với cái kiềng ba chân mà ba vừa đưa lên gác để nấu trong mấy ngày bếp bị ngập lụt, nhìn hau háu vào chảo dế đang chín giòn mà nuốt nước miếng chờ đợi. Khi những con dế mập ú ngậm dầu và gia vị đã bóng lưỡng trong nồi và bốc mùi thơm ngào ngạt thì mẹ tôi bắc chảo xuống, đổ đám dế chiên giòn vào chiếc đĩa to đặt giữa mâm và xới cơm ra chén cho cả nhà. Chúng tôi ăn mê mải vì ngon. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ không thôi vị béo và mùi thơm ngon lạ lùng của dế chiên giòn những mùa lụt ngày còn bé.
Lụt đầu mùa còn có lạch nguồn theo con nước từ thượng nguồn sông Thu Bồn, Vu Gia đổ về xuôi. Tôi vẫn nhớ ba tôi luôn mong đợi mùa lạch này, nên hễ nước sông bắt đầu dâng cao, nước từ thượng nguồn đổ về nhiều là ba nhắc mẹ tôi đi chợ mua lạch. Lạch mua về, ba tôi giành phần chế biến.
Những con lạch bụng đầy trứng ngoe nguẩy trong cái chậu được ba tôi cho vào một nắm tro bếp rồi tuốt từng con cho hết nhớt, sau đó cho vào nồi luộc chín. Trong khi chờ nồi lạch nguội để dễ tách thịt, ba sai tôi giã hành củ, thêm chút muối, chút tiêu, chút nước mắm rồi tách thịt lạch cho vào bát để ướp cho thấm. Lúc ba tôi ướp lạch thì mẹ vo gạo nấu cháo, cho thêm nắm đậu xanh. Cháo vừa chín tới, ba cho hết bát thịt lạch ướp đẫm gia vị vào nồi cháo đang sôi và nấu thêm chừng năm phút nữa cho cháo nhừ.
Cháo múc ra bát, mùi thơm ngào ngạt bốc lên. Nếm muỗng cháo đầu tiên trên lưỡi, tôi như cảm thấy vị ngon và béo của lạch đầu mùa quyện với vị cay và thơm nồng của tiêu, bùi bùi của đậu xanh chín tới lẫn trong vị ngọt của gạo mùa thành một vị ngon không thể tả được. Cả nhà ngồi xúm xít bên mâm cháo lạch, ngoài kia nước vẫn đang tràn đồng, gió thổi ràn rạt mấy bụi lá chuối sau hè. Và vị ngon của cháo lạch đầu mùa ăn từ thời thơ ấu như vẫn theo tôi đến tận bây giờ. “Miếng ngon nhớ lâu” là vậy.
Lạch nấu cháo đậu xanh đã ngon, nấu canh chua càng ngon gấp bội. Thịt lạch luộc chín ướp như ướp nấu cháo. Chuối chát, khế xắt mỏng vắt ráo nước. Có thêm ít măng chua càng ngon. Xương và đầu lạch mẹ cho nước sôi và ít muối vào nấu để lấy nước nấu canh cho ngọt. Chuẩn bị xong mấy thứ. Mẹ bắc chảo dầu phụng, khử mấy tép hành cho thơm rồi cho thịt lạch đã ướp vào um cho thấm rồi cho măng chua vào cùng.
Chừng hai phút sau mẹ gạn nước luộc xương và đầu lạch vào nồi vừa đủ hai bát canh và cho chuối chát, khế vào nấu. Nêm nếm vừa miệng, mẹ nhắc nồi canh xuống cho mấy lá ngò gai vào rồi múc ra bát. Canh chua lạch nguồn là một trong những món ngon mà tôi thường được ăn vào những mùa lụt ngày còn thơ ấu. Lâu rồi chưa được nếm lại món canh chua lạch nguồn. Không biết cơn lụt đầu mùa này, lạch nguồn có còn trôi về xuôi?
KIM EM