Muốn về học lại với thầy một tiết

.

Chiều dần buông xuống cảnh vật dễ khiến tâm hồn con người xao động, nhớ nhung mông lung một điều gì đó. Buổi hoàng hôn chưa kịp ngắm thì trời đổ mưa. Cái nắng bỏng rát miền Nam đã được cơn mưa bất chợt xoa dịu. Bỗng chốc chênh chao nhớ… Lời đầu tiên thầy dạy, “Nếu bạn đã bỏ lỡ một ánh bình minh thì đừng để lỡ buổi hoàng hôn”. Chiều nay bầu trời không đẹp như con đã từng ngắm cùng thầy.
Biết đến bút danh Trương Vũ Thiên An qua một truyện ngắn rất tâm đắc từ lớp 9, đến khi vào học trường chuyên của tỉnh thì con mới được gặp thầy.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ấn tượng ban đầu của con về thầy là câu nói “không can chi” mỗi khi tụi con làm bài không đạt yêu cầu. Để rồi vô hình con nhận ra, bản thân hay thốt lên câu ấy với chính mình mỗi khi gặp khó khăn. Mùa Olympic năm đó, thầy đưa đội tuyển sáu đứa tụi con vào Cần Thơ thi thố cùng người ta. Cả trường bảy khối chuyên chỉ mỗi chuyên Văn của mình không có giải.

Trên suốt chặng đường về lại đất Quảng, con thấy thầy âm thầm lặng lẽ khóc. Tuy giọt nước mắt không rơi trên khuôn mặt thân thương ấy, nhưng có lẽ nỗi buồn của thầy chẳng ít hơn tụi con là bao. Cũng giống như một người cha, có ai có thể không buồn khi những đứa con của mình thất bại? Nghe thầy bảo “Thầy không trách tụi con đâu. Thầy thương tụi con lắm”, mà con thấy sao có lỗi. Bởi những chiếc huy chương ấy không chỉ đem lại vinh dự cho tụi con mà còn cho cả thầy và nhà trường.

Mười bảy tuổi, con gặp một cú sốc đầu đời. Trong một kỳ thi quan trọng mà con đã đặt vào đó tất cả kỳ vọng, niềm tin và khả năng, con trượt. Chưa bao giờ con đối mặt với thất bại bằng một cảm giác suy sụp như thế. Thầy đã bên cạnh con, dù không an ủi con nhiều. Nụ cười của thầy vào cái ngày con lại đến học lớp bồi dưỡng là một sự động viên lớn dành cho con. Thật ra lúc ấy con đã muốn dừng lại rồi thầy ơi. Nhưng có lẽ cái duyên giữa con và văn chương chưa dứt. Chỉ cần học với thầy một tiết thôi, cũng đủ để niềm đam mê trong con trỗi dậy. Nhiệt huyết trong thầy cứ cháy mạnh mẽ đã truyền “lửa” sang con. Cứ mỗi tiết học, thầy lại dạy về những thành công thất bại trong đời, về việc “chọn đường đi chẳng ai dừng ở giữa”. Khi con nói tiếng cảm ơn thì thầy ngắn gọn: “Thầy tin con”. Có lẽ niềm tin ấy cả đời con không dám rũ bỏ, bởi đơn giản, con biết con cần bước tiếp.

Thầy nghiêm khắc và yêu cầu rất cao. Những câu đại loại như “Thầy cho các con hai phút để suy nghĩ” luôn làm tụi con lo sợ. Hầu như ba mươi hai cô nhóc tụi con chẳng thiếu đứa nào không bị thầy la. Thầy lớn tiếng đó rồi thầy lại nhỏ nhẹ: “Thầy xin lỗi, thầy hơi nóng tính. Thầy chấp nhận bị tụi con ghét, miễn sao các con đậu đại học cho thầy”. Chúng con còn khờ dại lắm, nhưng chắc hẳn không đứa nào thiếu suy nghĩ đến nỗi trách những lời la mắng của thầy.

Có những bài học thầy dạy mà không quyển sách giáo khoa nào ghi lại. Về những cách ứng xử như thế nào để phù hợp với hai chữ “con gái”, ăn uống nói năng như thế nào… Thầy bảo con gái sinh ra vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, nên các con phải tự yêu thương bản thân trước đã. Thầy rèn cho tụi con tính tự tin, sống hết mình vì ước mơ. Con nhớ những lúc thầy giận lớp là học mà sao quá im lặng, không phát biểu, cũng không hỏi. Con nhớ những lúc con đứng trước lớp tranh luận với thầy về một vấn đề gì đó của bài học. Trong lớp, dường như chỉ có con “cả gan” dám làm cái việc ấy. Con nhớ giọng giảng bài ấm và rõ của thầy.

Kỷ niệm, khi đã được gọi bằng cái tên ấy thì tất cả đã thuộc về quá khứ. Con vội vàng tìm về ký ức, chợt nhận ra tất cả đã xa. Đông về nơi xứ người với từng cơn gió hanh hao và những cơn mưa nặng hạt. Qua mất rồi hai mùa mưa nắng thầy trò cùng đến trường. Mà sao lòng người cứ tiếc hoài không thôi một dáng hình quen thuộc đứng trên bục giảng hôm nào. Quê mình lúc này đang vào mùa lạnh. Bệnh gút của thầy có tái phát không hả thầy? Biết bao dấu yêu lặng thầm thầy trao đi suốt cuộc đời nhà giáo, liệu chăng những đứa học trò thấu hiểu và nhớ về? Hay chỉ là những lời chúc sáo rỗng và món quà vô tri mỗi độ 20-11.

Con biết thầy từng chua xót nhiều lắm khi có đứa trò cũ ngay cả tên thầy cũng viết nhầm. Tha lỗi cho những người đã sang sông như tụi con thầy nhé. Như một lẽ hiển nhiên, chẳng ai có thể lội ngược dòng quay về làm trò ngoan của thầy được. Có chăng sự biết ơn vô vàn thì cũng bị cuốn trôi theo những toan tính hối hả của cuộc sống thường nhật. Chỉ có thể cố gắng sống thật tốt thay cho lời cảm ơn mà không ít đứa trong tụi con chẳng bao giờ dám nói ra.

Dẫu biết không thể, nhưng, thầy ơi! Đứa học trò này ngàn lần muốn được về học lại với thầy một tiết…

Ny An


 

;
;
.
.
.
.
.