Niềm tin và cái tâm người thầy

Việc gắn camera trong trường, lớp học cho đến bây giờ không còn là chuyện mới. Nhưng camera dùng để phục vụ mục đích bảo đảm an ninh, an toàn cho trường học và để theo dõi… giáo viên đứng lớp lại là một cậu chuyện dài. Ở môi trường giáo dục, niềm tin của phụ huynh và cái tâm của người thầy mới là chiếc camera sáng tỏ nhất.

Tôi nhớ có một lần cách đây vài năm, khi phụ huynh và các trường học bắt đầu câu chuyện về gắn camera, trong một lần tiếp đón đoàn công tác của Bộ GD&ĐT về kiểm tra cơ sở vật chất của nhà trường, một vị hiệu trưởng trường mầm non ở quận Hải Châu từng nói rằng, chiếc camera gắn trên tường có hay không thật sự không quan trọng bằng cái tâm người thầy. Bữa ấy, tôi ngầm hiểu rằng, căn cơ của sự việc nằm ở trái tim, trách nhiệm và niềm tin.

Chiếc camera gắn trong trường học có quan trọng hay không? Đương nhiên có! Trong khi đâu đó mỗi ngày vẫn xảy ra chuyện những kẻ xấu trà trộn vào trường học để lấy đi những thứ giá trị trên người học sinh hoặc trong những giờ ra chơi, đầu buổi học… khi mọi hoạt động của học sinh vượt tầm quan sát của giáo viên chủ nhiệm thì chiếc camera là công cụ đắc lực như một “con mắt” để cùng lực lượng bảo vệ và Ban giám hiệu nhà trường bảo đảm an ninh trật tự trường học, ngăn chặn bạo lực học đường. Dưới góc độ nhà quản lý, không chỉ riêng trường học, camera là công cụ cần thiết.

Nhưng camera gắn trong lớp học để theo dõi hoạt động của giáo viên và học sinh đến từng phút, từng giây trong giờ giảng dạy cần thiết đến mức nào? Ở góc quay này, camera lại hướng về cái tâm của người thầy và niềm tin của phụ huynh. Người giáo viên đứng lớp hẳn sẽ ít nhiều bỡ ngỡ khi mọi hoạt động, hành động của mình đều bị “theo dõi” sát sao. Nhưng tĩnh lại để thấy, chiếc camera ấy chỉ làm nhiệm vụ truyền tải hình ảnh chân thực. Nếu dạy trẻ bằng cái tâm của người thầy, bằng trái tim yêu thương con trẻ thì hẳn những hình ảnh ấy sẽ mang lại cho giáo viên nhiều hơn những yêu thương, không chỉ từ con trẻ mà từ cả phía phụ huynh.

Hẳn ai cũng rất xót xa khi bắt gặp hình ảnh cô giáo tất bật chấm bài rồi thẳng tay vứt vở học sinh xuống sàn nhà một cách vô cảm, mặc học sinh lần lượt tiến lên bục giảng để nhặt vở của mình về; hay càng đau lòng hơn khi bắt gặp hình ảnh thầy cô giáo liên tục đánh học sinh vì những lỗi lầm học trò theo cách hành hạ hơn là dạy dỗ… Người giáo viên trước khi đứng trên bục giảng ai cũng từng trải qua thời học sinh với những trò nghịch được xếp hạng “thứ ba”, sau “nhất quỷ”, “nhì ma”. Ai cũng từng đôi lần ham chơi quên làm bài tập về nhà, thậm chí đôi lần “trái tính” làm ngược lại những điều người lớn chỉ bảo… Sự vị tha của một trái tim, cư xử đúng mực của mô phạm một nhà giáo là những bài học quý giá nhất và sẽ theo học trò ghi nhớ suốt đời. Xin hãy nhớ rằng, những mầm non được uốn nắn bằng tình yêu ấy sẽ trở thành những nhân cách lớn.

Mới đây, trên mạng Internet chia sẻ câu chuyện về một nhà giáo già gặp lại cậu học trò từng phạm tội ăn cắp sau mấy mươi năm. Trong khi cậu học trò nhớ rất rõ việc thầy giáo đã tìm cách lấy lại vật bị mất cắp mà không chỉ mặt đặt tên cậu học trò lỡ dại lấy cắp đồ vật. Nghe trò nhắc chuyện cũ, người thầy giáo ấy thú nhận rằng lúc cho học trò xếp hàng để kiểm tra, tìm kiếm đồ bị mất cắp, thầy nhắm mắt nên không biết ai là thủ phạm. Tôi đồ rằng, hôm ấy người thầy giáo không hề nhắm mắt mà thầy đã mở rộng trái tim mình.

Hơn một lần tôi từng chứng kiến bạn bè mình dăm bảy lần trong giờ làm việc bật kết nối camera từ nhà trường đến điện thoại trong trạng thái tắt âm thanh, lặng lẽ quan sát lớp học và tìm xem con mình đang ở đâu, góc nào… thông qua những hình ảnh lờ mờ mà cách nhận diện duy nhất có lẽ là thông qua bộ quần áo của con. Tâm lý chung của những bậc làm cha làm mẹ, điều đó không có gì lạ khi họ muốn biết xem con mình trong những ngày đầu đến lớp sẽ hòa nhập ra sao. Hình ảnh ấy mang đến cho họ sự an tâm. Nhưng có một góc khác, người xem đôi khi lại “soi dò” hành động của thầy cô giáo đứng lớp.

Nhiều người khi thấy con vượt ra khỏi tầm quét của camera, ngay lập tức gọi điện đến cô giáo, thậm chí là đánh động cả Ban giám hiệu, mà sự thật, lúc ấy con họ đang đi… vệ sinh. Niềm tin dành cho giáo viên mỏng manh và đôi khi những hình ảnh vô thanh qua chiếc camera ấy vô tình mang đến nhiều ý nghĩ khác.
Nhiều người quên mất rằng, bên dưới chiếc camera liên tục hoạt động gửi dữ liệu hình ảnh đi, có một “camera” khác còn đáng sợ hơn nhiều lần. Đó là sự phớt lờ và quên lãng. Phụ huynh sẽ nghĩ gì khi luôn thấy hình ảnh con mình ngoan ngoãn ngồi trong lớp học, không hề bị cô giáo nhắc nhở hay trách phạt và kết quả học tập cũng tỷ lệ thuận theo sự lãng quên ấy?

Suy cho cùng, chiếc camera tân tiến của thời đại 4.0 dù góc quét rộng tới đâu cũng chỉ làm nhiệm vụ ghi nhận những hình ảnh trực quan. Trái tim của người thầy và niềm tin của phụ huynh mới là những chiếc camera sáng tỏ nhất. Hãy yêu thương và uốn nắn con trẻ bằng cái tâm yêu thương, trách nhiệm và niềm tin!

Thiên Lam
 

;
;
.
.
.
.
.