Đà Nẵng cuối tuần

Trách nhiệm xã hội của trường đại học

09:09, 03/11/2019 (GMT+7)

Theo Luật bổ sung sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục đại học thì tự chủ và trách nhiệm xã hội là hai mặt thống nhất để bảo đảm hiệu quả của nhà trường cũng như hiệu lực quản lý của Nhà nước. Trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học không chỉ dừng lại ở trách nhiệm giải trình mà còn phải hướng đến ngày càng gắn kết và phục vụ hiệu quả vì lợi ích cộng đồng.

Trường Đại học Duy Tân phối hợp với Báo Đà Nẵng trao tặng xe lăn điện cho người khuyết tật tháng 1-2019. Ảnh: H.T
Trường Đại học Duy Tân phối hợp với Báo Đà Nẵng trao tặng xe lăn điện cho người khuyết tật tháng 1-2019. Ảnh: H.T

Sau thành công của dự án Cánh tay Robot cho người khuyết tật với việc lắp ráp thành công cánh tay Robot giúp cho việc sinh hoạt và học tập của 2 em học sinh (HS) Phan Trọng Hiếu và Trần Đăng Khoa (tỉnh Quảng Nam) trở nên thuận lợi hơn, Trung tâm Điện - Điện tử Trường ĐH Duy Tân đã sáng chế và sản xuất thành công xe lăn điện cho người khuyết tật.

Ngay trước Tết Nguyên đán 2019, 10 chiếc xe lăn điện đã được Trường ĐH Duy Tân trao tặng cho người khuyết tật đang sinh sống trên địa bàn Đà Nẵng. Giải pháp “cơ cấu đầu kéo cho xe lăn” được sử dụng để lắp ghép với xe lăn nhằm hỗ trợ cho những người khuyết tật thuận tiện trong việc di chuyển trên quãng đường dài hay đi vào các khu thương mại, nhà hàng, khách sạn (đầu kéo có tác dụng trợ lực - PV). Người sử dụng có thể tháo lắp thuận tiện giữa đầu kéo chạy bằng điện và xe lăn thông thường dành cho người khuyết tật.

Với cơ cấu lắp ghép đơn giản, tiện dụng, bảo đảm độ chắc chắn và an toàn, người sử dụng có thể tháo đầu kéo ra khi đi vào các địa điểm chỉ cần sử dụng xe lăn thông thường và lắp đầu kéo trở lại vào xe lăn khi di chuyển sang địa điểm khác. Trị giá của mỗi chiếc xe lăn được Trung tâm Điện - Điện tử Trường ĐH Duy Tân sản xuất là khoảng 20 triệu đồng.

Trong số những người được Trường ĐH Duy Tân trao tặng xe lăn có một nhân vật đặc biệt của Đà Nẵng, đó là nhà cách mạng Trần Thận. Sau 53 năm cống hiến, khi về hưu, một phần do di chứng của chiến tranh, một phần tuổi tác đã cao và biến chứng của căn bệnh tai biến nên việc đi lại của ông ngày càng trở nên khó khăn. Khi nhận được chiếc xe lăn điện, ông Trần Thận rất xúc động. Ông bày tỏ: “Căn bệnh bại liệt cứ “bám” đằng đẵng suốt mấy năm trời, chiếc xe lăn ở nhà thì đã cũ. Với chiếc xe lăn điện này, tôi có thể dễ dàng đi tiến, đi lùi hay rẽ sang đường mà không cần người nhà trợ giúp. Không biết nói gì hơn, tôi vô cùng cảm ơn Trường ĐH Duy Tân đã thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng và dành tặng cho tôi một món quà quý giá. Đây là một nghĩa cử cao đẹp của nhà trường giúp tôi cũng như nhiều người khác đồng cảnh ngộ có thêm cơ hội được đi lại mọi nơi”.

Cùng với quá trình triển khai tự chủ đại học, trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục (CSGD) đại học được nhắc đến nhiều hơn bên cạnh các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH). PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: “Các trường ĐH trên thế giới có xu hướng phát triển trở thành những ĐH đổi mới sáng tạo (innovative university).

Các CSGD đại học Việt Nam muốn phát triển và hội nhập quốc tế thành công thì càng phải nâng cao trách nhiệm xã hội về mọi mặt và không đứng ngoài xu thế đó. Ngoài trách nhiệm giải trình với xã hội thì trách nhiệm cộng đồng của các trường ĐH là vô cùng quan trọng vì ở đây tập hợp một đội ngũ SV năng động, sáng tạo, trẻ trung và một đội ngũ các nhà khoa học có chuyên môn sâu có thể tham gia đóng góp nòng cốt trong các dự án phục vụ cộng đồng bằng tri thức chuyên môn, khoa học công nghệ của mình”.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, ngoài việc tổ chức cho SV tham gia các hoạt động tình nguyện, các đội nhóm công tác xã hội, việc các trường ĐH triển khai nhiều phương pháp dạy học thông qua hoạt động thực tiễn, phục vụ cộng đồng là một cách tích hợp giáo dục trách nhiệm xã hội cho SV. Như với chương trình Learning Express mà ĐH Đà Nẵng hợp tác với ĐH Polytechnic (Singapore) đã giúp SV được huấn luyện tư duy thiết kế và nhiều kỹ năng từ các dự án cộng đồng.

Thông qua hoạt động trải nghiệm tại nhà dân, SV tự nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu địa phương và cộng đồng, trực tiếp phỏng vấn, phân tích dữ liệu và khảo sát thực tế, qua đó phát hiện những khó khăn mà người dân hay một quy trình sản xuất tại địa phương, doanh nghiệp đang gặp phải để đề xuất, lựa chọn, đưa ra giải pháp cải tiến. Rất nhiều dự án, mô hình, sản phẩm của SV ra đời và đã được triển khai hiệu quả tại địa phương từ chương trình Learning Express. Đơn cử như dự án tổ chức các lớp học nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho HS các trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng do Đoàn trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng thực hiện.

UBND thành phố Đà Nẵng cùng với ĐH Đà Nẵng đã phối hợp triển khai chương trình hợp tác xây dựng chương trình phản biện đối với các chủ trương, chính sách phát triển của thành phố. Để việc hợp tác này có hiệu quả, ĐH Đà Nẵng đang xây dựng cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học theo chuyên ngành nhằm tạo kênh liên lạc giữa chính quyền địa phương với các giảng viên nhằm cung cấp những vấn đề của địa phương, doanh nghiệp quan tâm.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ thừa nhận một thực tế rằng, hiện nay chưa có nhiều cơ chế, chính sách, môi trường và cách thức phù hợp để huy động hiệu quả nguồn lực trí tuệ của các trường ĐH phát huy vai trò “hiến kế” và phản biện khoa học, phản biện xã hội. “Và không phải giảng viên nào cũng có sự gắn kết với các sở, ban, ngành của địa phương, trong khi muốn phản biện một vấn đề nào đó cần phải được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ nhận xét. Chính vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu để giảng viên tham gia phản biện là cần thiết. Tuy nhiên, theo Giám đốc ĐH Đà Nẵng thì chính quyền các địa phương cần có sự trân trọng thật sự đối với những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học thì mới có thể “lôi kéo” được họ tham gia phản biện.

Hà Trần

.