Trầm cảm sau sinh: Xin đừng thờ ơ!

.

Nhiều người vẫn thường nói hoặc nghe về trầm cảm sau sinh; tuy nhiên, việc làm thế nào để phòng ngừa, giảm thiểu hậu quả của vấn đề này vẫn đang là bài toán được cả xã hội đặc biệt quan tâm.

Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Đà Nẵng tập huấn kỹ năng nhận biết, phòng ngừa rối loạn tâm thần sau sinh cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi cho công nhân khu công nghiệp Hòa Khánh vào tháng 6-2019. Ảnh: Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội
Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Đà Nẵng tập huấn kỹ năng nhận biết, phòng ngừa rối loạn tâm thần sau sinh cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi cho công nhân khu công nghiệp Hòa Khánh vào tháng 6-2019. Ảnh: Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội

Sau khi sinh con được 5 tháng, chị N. có biểu hiện ít ngủ, cảm giác mệt mỏi, buồn chán, bi quan và… muốn chết nên được người nhà đưa vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Tại đây, chị N. được chẩn đoán bị trầm cảm nặng, không có loạn thần. Sau 2 ngày dùng thuốc, có chế độ dinh dưỡng phù hợp kết hợp việc được động viên, chị an tâm điều trị. Bác sĩ cũng khuyên chị đọc sách, xem ti-vi, nói chuyện với ai đó khi không ngủ được, từ đó sức khỏe và tinh thần của chị N. dần ổn định và được gia đình xin xuất viện.

Một bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho hay, trầm cảm sau sinh (TCSS) là một dạng rối loạn về cảm xúc với biểu hiện thường gặp là buồn quá mức, kéo dài, khóc nhiều, ảnh hưởng đến việc chăm sóc con cái. Tuy nhiên, có trường hợp bệnh nhân ngoài việc bị rối loạn cảm xúc còn bị rối loạn tâm thần sau sinh, có thể dẫn đến hoang tưởng như tưởng bị hại, bị theo dõi… TCSS thường xảy ra vài ngày đến vài tháng sau sinh và có thể kéo dài. Phụ nữ bị TCSS thường là những người có tiền sử bị bệnh này ở lần sinh trước, có các sang chấn trong cuộc sống, con sinh ra phát triển không tốt, không có sự hỗ trợ tinh thần từ người thân.

Theo định hướng của Đề án “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần (NTT), người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2010”, từ năm 2014, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố ban hành đề án “Cơ sở phòng trị liệu rối nhiễu tâm trí, hỗ trợ NTT hòa nhập cộng đồng”, do Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội (CTXH) thành phố trực tiếp thực hiện.

Đã có 450 phụ nữ nuôi con nhỏ được khảo sát thông qua chương trình này. Theo Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH, đây là nhóm đối tượng có nguy cơ rất cao rơi vào trạng thái sang chấn, khủng hoảng tâm lý; do đó, cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần đối với phụ nữ. Đề xuất các biện pháp phòng ngừa sang chấn và rối nhiễu tâm trí sau sinh là việc làm cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay, góp phần chăm sóc sức khỏe phụ nữ và vì sự phát triển của thế hệ tương lai của đất nước. Từ năm 2016, trong khuôn khổ thực hiện đề án “Cơ sở phòng trị liệu rối nhiễu tâm trí, hỗ trợ NTT hòa nhập cộng đồng”, Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH xây dựng chương trình tập huấn kỹ năng nhận biết, phòng ngừa rối loạn tâm thần sau sinh cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi.

Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH Trương Thị Như Hoa cho biết: “Thực tế hiện nay vấn đề rối loạn tâm thần sau sinh của phụ nữ có xu hướng gia tăng. Chính những rối loạn này ảnh hưởng đến việc chăm sóc bản thân, chăm sóc con cái và gia đình, làm giảm chất lượng cuộc sống. Vì vậy, việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho đối tượng này là điều cần thiết”. Đến nay, Trung tâm đã tổ chức được hơn 20 lớp tập huấn cho trên 1.000 phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại các phường, xã, quận, huyện và công nhân nữ ở các khu công nghiệp Hòa Khánh, Hòa Cầm.

Nội dung tập huấn xoay quanh việc chia sẻ kiến thức liên quan đến rối loạn tâm thần sau sinh, các triệu chứng nhận biết cũng như các yếu tố, nguy cơ có thể dẫn đến những rối loạn. Đặc biệt, thông qua các lớp tập huấn, báo cáo viên còn hướng dẫn một số kỹ thuật giúp chị em có thể tự phòng ngừa nguy cơ như: kỹ thuật kiểm soát suy nghĩ, cách cân bằng cảm xúc, phương pháp kích hoạt hành vi…

Là một trong số những phụ nữ từng tham gia tập huấn, chị Lê Thị L. (sinh năm 1984, ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), hiện có một bé gái gần 5 tuổi, chia sẻ: “Có lẽ hơi muộn khi đến tận bây giờ tôi mới được tập huấn những kiến thức, kỹ năng nhận biết, phòng ngừa rối loạn tâm thần sau sinh, hay TCSS, nhưng sau khi được tập huấn, tôi đã tự tin hơn để chuẩn bị cho việc chào đón đứa con thứ hai”. Chị L. cũng cho hay, giai đoạn sau khi sinh, con khó nên chị thường xuyên mất ngủ. Lâu dần, tâm lý trở nên cộc cằn, dễ nổi nóng, gặp ai chị cũng có thể buông ra những lời khó chịu. Vì có tìm hiểu về tâm lý của phụ nữ sau sinh nên chồng chị L. hiểu và thông cảm cho vợ, thường xuyên động viên, chia sẻ cùng chị. Đợi con được 2 tuổi, cai sữa, chồng chị L. đưa vợ đến Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng điều trị và chị dần bình thường trở lại.

Bà Trương Thị Như Hoa cho hay: “Trong thời gian triển khai các dịch vụ phòng ngừa rối loạn tâm thần sau sinh cho phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, chúng tôi đã nhận được những tín hiệu tích cực từ cộng đồng. Sau khi triển khai đồng loạt các hoạt động phòng ngừa, chúng tôi sẽ tập trung triển khai sàng lọc để phát hiện sớm những phụ nữ bị TCSS, từ đó có biện pháp can thiệp sớm, hỗ trợ kịp thời”.

Cũng theo vị bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, môi trường gia đình là yếu tố quan trọng nhất giúp phòng ngừa TCSS. Gia đình và bản thân phụ nữ nên có kiến thức về vấn đề này để phát hiện sớm và can thiệp sớm. Sau sinh, thông thường phụ nữ sẽ hạn chế công việc, không đi ra ngoài nhiều; tuy nhiên đây là việc làm không có lợi để phòng trầm cảm vì việc vận động và ánh sáng mặt trời rất có lợi cho sức khỏe tâm thần. Để phòng ngừa, phụ nữ sau sinh nên chia sẻ những vấn đề của bản thân với gia đình và người có uy tín; đồng thời nên tìm hiểu những địa điểm tư vấn tốt”.

MAI HIỀN
 

;
;
.
.
.
.
.