Ứng xử với giáo viên hợp đồng

.

Bộ Nội vụ vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tuyển dụng đặc cách giáo viên (GV) đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ năm 2015 trở về trước. Chủ trương này được những người trong ngành giáo dục đặc biệt hoan nghênh. Nhiều người gọi là “món quà” với thầy, cô giáo trước Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11; và là giải pháp gỡ “nút thắt” khi thời gian qua, một số địa phương trở thành “điểm nóng” khi đồng loạt chấm dứt hợp đồng lao động với hàng trăm GV.

Đà Nẵng có nhiều chủ trương phù hợp cũng như minh bạch thông tin trong tuyển dụng, giúp người lao động chủ động khi lựa chọn làm việc trong ngành giáo dục. Ảnh minh họa: THU HÀ
Đà Nẵng có nhiều chủ trương phù hợp cũng như minh bạch thông tin trong tuyển dụng, giúp người lao động chủ động khi lựa chọn làm việc trong ngành giáo dục. Ảnh minh họa: THU HÀ

Trong khi đó, Đà Nẵng có nhiều chủ trương phù hợp cũng như minh bạch thông tin trong tuyển dụng, giúp người lao động chủ động khi lựa chọn làm việc trong ngành giáo dục. Năm 2009, Đà Nẵng đã tổ chức một đợt thi tuyển viên chức ngành giáo dục cho tất cả GV hợp đồng với cách thức tương tự tinh thần xét tuyển đặc cách mà Bộ Nội vụ vừa hướng dẫn các địa phương.

Theo một cán bộ phụ trách công tác tổ chức của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, kể từ thời điểm năm 2009 đến nay, số GV hợp đồng có đóng BHXH không trúng tuyển ở đợt thi năm 2009 cũng đã tham gia thi tuyển viên chức ở những kỳ thi đó nên hiện Đà Nẵng chỉ còn chưa đến chục trường hợp GV thuộc diện tuyển dụng đặc cách theo chủ trương của Bộ Nội vụ.

Sự minh bạch thông tin đối với GV hợp đồng về thời gian ký hợp đồng cũng như các quyền lợi đi kèm, ký hợp đồng lao động theo đúng chỉ tiêu biên chế được giao nhưng chưa tuyển dụng đủ đã giúp Đà Nẵng không rơi vào tình trạng tạo “điểm nóng” như một số địa phương khác khi chấm dứt hợp đồng với GV.

Kỳ thi tuyển dụng viên chức để bổ sung GV cho năm học 2019 – 2020 của các quận, huyện ở Đà Nẵng vừa rồi, Sở Nội vụ Đà Nẵng đã có văn bản đồng ý hạ tiêu chí tuyển dụng GV mầm non từ trình độ đại học xuống cao đẳng. Trước đó, Sở Nội vụ yêu cầu các ứng viên dự tuyển vào vị trí công việc này phải có trình độ đại học trở lên. Theo lý giải của ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ, việc đưa ra chuẩn GV cao hơn so với quy định của Bộ GD&ĐT là để không phải đào tạo lại GV khi Bộ GD&ĐT nâng chuẩn.

Ông Võ Ngọc Đồng cũng khẳng định, nguồn tuyển GV của Đà Nẵng không thiếu vì thành phố mở rộng đối tượng tuyển dụng đối với tất cả các tỉnh, thành khác trên cả nước. “Yêu cầu chuẩn GV của Đà Nẵng không phải là cao và quan điểm của thành phố là chuẩn càng cao thì chất lượng giáo dục mới nâng cao lên được”, ông Đồng nêu quan điểm.

Tuy nhiên, Đà Nẵng chỉ “nâng chuẩn” đối với tiêu chí tuyển dụng nhưng vẫn trả lương cho GV mầm non theo trình độ trung cấp. Chính vì vậy, mấy năm qua, Đà Nẵng liên tục thiếu GV ở bậc học mầm non và tiểu học, buộc các trường phải hợp đồng GV để đủ tỷ lệ GV/lớp.  

Cũng theo ông Võ Ngọc Đồng, dù Đà Nẵng vẫn đang thực hiện việc tinh giản biên chế nhưng riêng ngành GD&ĐT, Sở Nội vụ vẫn bố trí đủ chỉ tiêu biên chế. Trong khi các ngành khác đang thực hiện giảm chỉ tiêu biên chế thì biên chế của ngành GD&ĐT vẫn tăng trên 1.000 GV.

Về mặt chỉ tiêu tuyển dụng là không hề thiếu, thậm chí bảo đảm ở mức tối đa như một số trường của huyện Hòa Vang, sĩ số học sinh chỉ 15-20 em/lớp nhưng Sở Nội vụ vẫn duyệt đủ để bố trí GV như một lớp có 40-45 học sinh.

Do có sự điều tiết và kiểm tra nên độ lệch không nhiều, vẫn bảo đảm cân đối giữa các môn học và bậc học. Quan điểm của Sở Nội vụ Đà Nẵng đưa ra trong vấn đề hợp đồng GV là các trường hạn chế tối đa việc hợp đồng lao động thời vụ đối với các vị trí chuyên môn, dù là hợp đồng trong chỉ tiêu ngân sách. Như năm 2019, sau kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục tại các địa phương trước thềm năm học mới 2019 - 2020, Đà Nẵng vẫn còn thiếu khoảng 300 chỉ tiêu và dự kiến sẽ tổ chức một đợt thi tuyển bổ sung.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, đối với các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu biên chế hoặc có trường hợp nghỉ thai sản, nghỉ hưu trong khoảng thời gian giữa hai kỳ thi tuyển viên chức, ngành GD&ĐT chỉ hợp đồng GV trong năm học và kết thúc năm học thì hết thời gian hợp đồng; khi đó, Sở GD&ĐT thu chỉ tiêu hợp đồng để đưa chỉ tiêu này vào kỳ thi tuyển viên chức của năm sau. Chính vì có sự minh bạch thông tin, người lao động sẽ chủ động trong lựa chọn, không tạo thành “điểm nóng” khi chấm dứt hợp đồng lao động.

An Khang
 

;
;
.
.
.
.
.