Ảnh báo chí thế giới về trẻ em

.

1.  Ban giám khảo cuộc thi Ảnh báo chí thế giới năm 2019 đã chọn bức ảnh “Bé gái khóc bên biên giới” của John Moore đoạt giải thưởng cao nhất. Bức ảnh chụp bé Yanela Sanchez, con của bà Sandra Sanchez, người bị các quan chức biên giới Hoa Kỳ tại McAllen, Texas giam giữ vào ngày 12-6-2018.

“Bé gái khóc bên biên giới”. Ảnh: John Moore
“Bé gái khóc bên biên giới”. Ảnh: John Moore

Sau khi bức ảnh này được xuất bản trên toàn thế giới, lực lượng Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ xác nhận rằng bé gái Yanela và mẹ cô không nằm trong số hàng ngàn người bị các quan chức Mỹ thực hành luật “ngăn cách người thân”. Tuy nhiên, sự phản đối của công chúng đã dẫn đến việc Tổng thống Donald Trump đảo ngược chính sách này vào ngày 20-6.

Bức ảnh được John Moore, người Mỹ chụp vào tháng 6-2018. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng hình ảnh này đã chạm đến trái tim của nhiều người, giống như sự thương cảm đầy xúc động của tôi, bởi vì nó tạo ra một câu chuyện lớn hơn sự tưởng tượng. Khi bạn nhìn thấy khuôn mặt của Yanela và cháu gái ấy chỉ hơn hai tuổi, chịu đựng nỗi sợ hãi khi thực hiện một hành trình dài: vượt qua một biên giới trong đêm khuya”.
John Moore là nhiếp ảnh gia cấp cao và phóng viên đặc biệt cho Getty Images. Ông đã chụp ảnh ở 65 quốc gia trên 6 lục địa và được đăng tải ở tầm quốc tế trong 17 năm, đầu tiên là Nicaragua, sau đó là Ấn Độ, Nam Phi, Mexico, Ai Cập và Pakistan. Kể từ khi trở về Hoa Kỳ vào năm 2008, chủ đề ảnh của ông tập trung vào vấn đề nhập cư và biên giới.

Nhiếp ảnh gia báo chí John Moore và bìa sách “Không giấy tờ pháp lý”.
Nhiếp ảnh gia báo chí John Moore và bìa sách “Không giấy tờ pháp lý”.

John Moore đã giành được các giải thưởng hàng đầu trong suốt sự nghiệp của mình, bao gồm: giải thưởng Pulitzer năm 2005 cho Tin tức Nhiếp ảnh mới nhất, danh hiệu Ảnh báo chí thế giới, giải thưởng John Faber và huy chương vàng Robert Capa từ Câu lạc bộ Báo chí nước ngoài, Nhiếp ảnh gia quốc tế của năm, Tổ chức Nhiếp ảnh Thế giới NPPA (National Press Photographers Association) và Tổ chức Nhiếp ảnh Quốc tế SONY.

2. Bức ảnh cháu trai nhỏ có tên Aylan Kurdi nằm bất động, úp mặt trên mép nước biển của nữ nhiếp ảnh gia người Thổ Nhĩ Kỳ Nilüfer Demir. Cơ thể Aylan Kurdi dạt vào bờ, một nửa trên cát và một nửa dưới nước. Giày thể thao của em vẫn còn trên chân.

Những bức ảnh của Demir được Peter Bouckaert của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội, đã lan truyền gần như ngay lập tức. Qua cái chết, cháu nhỏ Aylan Kurdi trở thành một biểu tượng của tất cả những đứa trẻ mất mạng khi cố gắng tìm kiếm sự an toàn ở châu Âu và phương Tây, câu chuyện gây thương tâm nhất năm 2015.

Phóng viên Nilüfer Demir đã được vinh danh huy chương vàng cho giải thưởng UNCA (The United Nations Correspondents Association) của Hiệp hội Phóng viên Liên Hợp Quốc. Khi bức ảnh được chia sẻ rộng rãi khắp các nước đã thúc đẩy phản ứng trên toàn thế giới, hàng triệu người phản đối, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo phải hành động để ngăn chặn những cái chết bằng cách đưa ra các giải pháp cụ thể cho cuộc khủng hoảng tị nạn, thực hiện hành động và sáng kiến ​​táo bạo hơn để xóa bỏ thảm kịch tương tự.

3. Ảnh của Catalina Martin-Chico ghi lại hình ảnh một phụ nữ cho con bú trước căn lều vải kaki, giữa con đường rừng lầy lội. Đây là ước mơ được sinh con của khá đông phụ nữ thuộc cựu chiến binh FARC (Lực lượng Vũ trang Cách mạng Quân đội Nhân dân Colombia - The Revolutionary Armed Forces of Colombia - People’s Army). Bức ảnh người phụ nữ du kích sinh con trong rừng của Catalina Martin-Chico chiến thắng Giải thưởng Phóng viên ảnh Phụ nữ Canon 2017 (Canon Female Photojournalist Award, 2017), bức ảnh trong dự án của cô về các cựu chiến binh FARC ở Colombia.

Catalina Martin-Chico và bức ảnh “Sinh và nuôi con trong rừng”.
Catalina Martin-Chico và bức ảnh “Sinh và nuôi con trong rừng”.

Catalina Martin-Chico là nhiếp ảnh gia Tây Ban Nha, sống ở Paris. Cô được đào tạo tại Trung tâm Nhiếp ảnh quốc tế (ICP) ở New York, nơi cô sống nhiều năm. Công việc của cô là một phần của truyền thống nhiếp ảnh nhân văn, phóng sự ảnh tài liệu và điều tra. Cô là một trong những phóng viên ảnh hiếm hoi làm việc thường xuyên ở Yemen, nơi cô đã làm việc từ năm 2007, cho các bản tường thuật được công bố trên tờ Le Monde.

Catalina Martin-Chico đã giành được giải Visa Nhân đạo năm 2011 của ICRC (Iternational Committee of the Red Cross-Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế) vì sự tham gia của cô trong việc bao quát cuộc cách mạng Yemen. Catalina Martin Chico xuất bản ảnh của mình trên báo chí Pháp và nước ngoài (Le Monde, Geo, Der Spiegel, New York Times, Le Figaro Magazine, L ‘Obs, VSD, Marie-Claire, ELLE ...) và triển lãm tác phẩm ảnh ở các nơi như: Paris, Brusel, New York, Canada, Madrid, Rome, Milan, và một số  quốc gia khác.

HOÀNG ĐẶNG (Theo Worldpressphoto)

;
;
.
.
.
.
.