Đi lao động nước ngoài - được và mất

Đi lao động nước ngoài - được hay mất? Đó là câu hỏi của rất nhiều người – những người đang mong mỏi đến “miền đất hứa”, kể cả những người đã đặt chân tới nơi cần tới, thậm chí với người ít nhiều đang thành công trong quá trình lao động ở nước ngoài. Là người trong cuộc, tôi cũng từng băn khoăn với chính câu hỏi này, nhưng rồi tôi nghĩ, không cần mất quá nhiều thời gian đi tìm câu trả lời xác đáng cho trăn trở ấy, càng không nên ảo tưởng với giấc mơ màu hồng, mà phải dành sự chuẩn bị tâm thế rằng, phía trước có cả được lẫn mất.

Tôi từng là một cô sinh viên vừa tốt nghiệp loay hoay tìm hướng đi cho tương lai của mình. Thật ra, trong quãng thời gian sinh viên, tôi đã làm thêm các công việc khác nhau, nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn thấy điều gì đó chưa đủ. Tôi còn trẻ, tôi thật sự muốn có một trải nghiệm mới mẻ hơn. Và cơ duyên với Nhật Bản đã đến thật bất ngờ. Mặc dù học chuyên ngành tiếng Anh nhưng tôi lại có niềm đam mê đối với đất nước Nhật Bản, bởi văn hóa và con người nơi đây. Vì thế, khi thấy chương trình tuyển thực tập sinh miễn phí làm việc tại Nhật Bản 3 năm, tôi đã không chần chừ đăng ký. Được khám phá, trải nghiệm, lại còn có thể tiết kiệm một khoản lương nhiều hơn so với vị trí công việc đó ở trong nước quả là điều quý giá đối với tuổi trẻ của tôi. Vì thế, khi được tin đậu phỏng vấn, tôi rất vui và đem theo bao nhiêu hoài bão vào “chuyến đi thanh xuân” của mình.

Và rồi tôi cảm nhận cuộc đời mình rẽ sang một bước ngoặt kể từ ngày tôi bắt đầu sang Nhật. Một môi trường hoàn toàn mới lạ so với những gì tôi từng học qua sách vở. Người bản xứ nói chuyện nhanh khiến tôi không tài nào nghe kịp. Khi vào guồng công việc, cuộc sống cũng hối hả với cả người Nhật lẫn người nước ngoài làm việc tại đây. Đi tàu, mọi người cũng tranh thủ ngồi ngủ hoặc đứng chợp mắt một tí để lấy sức, nếu không sẽ không kịp với yêu cầu làm việc ở quốc gia này.

Một tháng đầu tôi chỉ đi học tiếng Nhật và kỹ năng, nó rất vui và trôi qua thật nhanh. Qua tháng thứ hai, tôi chính thức xuống xưởng làm việc. Đây là công việc tay chân khá vất vả đối với những ai từng ít vận động như tôi. Công việc đòi hỏi phải đứng suốt 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày, bưng bê vật nặng. Những ngày đầu chưa quen, tôi thậm chí còn không đủ sức để đạp xe từ công ty về tới nhà, chân tay rã rời, đau nhức toàn thân; nhớ nhà, thèm đồ ăn Việt Nam muốn khóc.

Ấy vậy mà 1 tháng sau tôi đã thích nghi dần công việc lẫn biết tự chăm sóc bản thân từ việc ăn uống, sinh hoạt. Cả chuyện đi ngủ sớm trước đây là một điều khó khăn với tôi, thì qua đây, đi làm về, tôi cố gắng xong hết công việc nhanh chóng nhất có thể để được ngủ. Nhật Bản còn giúp tôi biết sống có kỷ luật và trách nhiệm với bản thân hơn. Khi cảm giác buồn, chán, mệt mỏi, nhớ nhà ùa về, tôi không dám kêu rên với mẹ vì đây chính là con đường tôi đã chọn. Tôi cũng ý thức được việc mình đã đánh đổi quá nhiều khi đến đây nên không dám tiêu pha phung phí như trước.

Nhưng có một nỗi băn khoăn là mình đi như vậy thì đúng hay sai? Qua đây rồi tôi mới thấy cuộc sống không màu hồng như mình tưởng tượng. Tôi đã không hề nghĩ tới những khó khăn sẽ gặp phải khi sống xa vòng tay của gia đình. Hơn nữa, tôi phải làm việc cắm cúi như một cái máy, hết giờ thì về, có cố gắng cũng không ai công nhận. Đồng nghiệp chỉ biết nói tiếng Nhật nhưng tôi lại không giỏi tiếng Nhật cho lắm. Và cũng chẳng ai biết tiếng Anh để có thể giao tiếp với tôi. Đó lại thêm là những thách thức nữa.

hường công việc chiếm hết thời gian và sức khỏe, làm về tôi chỉ muốn ngủ và không học hành gì nổi. Nếu cứ đi làm 3 năm như vậy, tôi thấy kỹ năng và trình độ của mình sẽ thui chột. Ngôn ngữ - vốn kiến thức quý giá tôi học được suốt bao năm đại học, nếu không sử dụng sẽ dần bị lãng quên, như vậy thật uổng phí. Nhìn lại bạn bè mình, tuy tiền kiếm ra không bằng tôi nhưng họ đang từng bước phát triển hơn trong công việc, tôi lại thấy lo lắng cho bản thân. Không biết sau này về nước, với kiến thức đã phần nào bị mai một do quá kiệt sức với công việc, liệu tôi có thể cạnh tranh xin việc với những sinh viên mới ra trường tràn đầy sức khỏe, nhiệt huyết và được giáo dục bài bản hơn tôi ngày trước hay không? Vì nỗi lo đó mà tôi tự nhủ mình không được lười biếng nữa mà phải cố gắng trau dồi kiến thức, tự học tiếng Nhật và ôn luyện tiếng Anh để chuẩn bị cho ngày trở về.

Tôi nhận ra rằng, khi về nước, chắc chắn tôi sẽ biết quý trọng hơn những gì mình đã có; sẽ biết giá trị của gia đình và yêu công việc trong tương lai của mình hơn. Tôi cũng sẽ rất trân trọng thời gian đã trải qua tại nơi đây, mặc dù buồn nhiều hơn vui nhưng đó chính là trải nghiệm quý giá trong tuổi trẻ của mình.

Vậy đi lao động nước ngoài – được hay mất? Câu trả lời theo tôi có lẽ là cả hai.

TRẦN THỊ TRÀ VY
 

;
;
.
.
.
.
.