Nạn buôn người ở châu Á

.

Nạn buôn người bùng phát mạnh mẽ trong nhiều năm qua ở các nước châu Á mà đối tượng chủ yếu là nữ giới để phục vụ nhu cầu tình dục và lao động cưỡng bức.

Một nạn nhân người Myanmar được giải thoát.
Một nạn nhân người Myanmar được giải thoát.

Cảnh sát Thái Lan hồi tháng 5-2015 phát hiện 28 trại buôn người bị bỏ hoang và nhiều ngôi mộ tập thể trong rừng rậm Wang Kelian ở gần biên giới Thái Lan – Malaysia. Gần 800 nạn nhân có khả năng bị nhốt trong điều kiện tồi tệ với những chiếc cọc gỗ nhỏ và dây thép gai. Ngoài ra, cảnh sát còn phát hiện cả gấu bông, vật dụng của trẻ con cho thấy có thể trẻ em cũng bị buôn bán và tra tấn. Có hơn 150 nạn nhân được khai quật tử thi cho thấy những cái chết đau lòng vì đói và bệnh tật trong lúc chờ tiền chuộc từ gia đình hoặc trong thời gian chờ bị bán sang nước khác.

Hơn 2 năm sau phát hiện làm chấn động cả thế giới đó, một tòa án Thái Lan kết tội 62/100 bị cáo thuộc các mạng lưới tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia vì tội giam giữ dẫn tới tử vong, buôn bán, hiếp dâm. Bản cáo trạng dài tới 500 trang khiến thẩm phán đọc mất 12 tiếng đồng hồ và các bị cáo bị kết án từ 27 tới 78 năm, đồng thời phải trả 132.000 USD cho 58 nạn nhân. Phiên tòa được cho là nỗ lực chưa từng có của Thái Lan trong việc bắt giữ tội phạm buôn người.

Văn phòng về ma túy và tội phạm thuộc Liên Hợp Quốc (UNODC) mới đây cho biết có 63.251 nạn nhân được xác định ở 106 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong giai đoạn từ 2012-2014 bị rơi vào thảm kịch buôn người. Có một mối quan hệ rất lớn giữa buôn người với bất ổn dân sự và xung đột vũ trang hay sắc tộc. Ngoài ra, còn có sự chồng chéo, lẫn lộn giữa người tị nạn, di cư và nạn nhân của nạn buôn người bởi có tới 42% số nạn nhân nói trên không hề vượt qua biên giới nước khác. Đối tượng dễ rơi vào vòng xoáy này nhất là những người buộc phải đưa ra quyết định di cư mạo hiểm vì tuyệt vọng trong những vùng chiến tranh hay đàn áp.

Hình thức buôn người nhiều nhất là khai thác tình dục và lao động cưỡng bức. Phụ nữ dễ bị buôn bán vì hôn nhân cưỡng ép ở một số nước Đông Nam Á, hôn nhân giả tạo ở các nước giàu có. Số khác được buôn bán để làm ăn xin, sản xuất phim nội dung khiêu dâm, lao động cưỡng bức trong ngành đánh bắt cá ở Campuchia, Indonesia và Thái Lan. Các khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương có khoảng 2.700 nạn nhân được phát hiện từ năm 2012 tới 2014, mà phần lớn là phụ nữ còn trẻ tuổi. Các cuộc hôn nhân cưỡng bức ở các nước dọc sông Mekong là hình thức tuyển dụng phụ nữ hoặc bé gái để bán làm vợ ra nước ngoài.

Hơn 85% vụ buôn người được phát hiện tại Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó có 5% là những người thuộc dân tộc thiểu số ở Đông Nam Á mà không có quốc tịch. Các quốc gia đích tới của nạn buôn người là Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan. Malaysia chủ yếu tiếp nhận nạn nhân từ Indonesia, Philippines. Trong khi đó, Thái Lan nhận nạn nhân từ Campuchia, Lào và Myanmar. Cái khó của nạn buôn người là chính các nạn nhân sa vào bẫy vì muốn được sự giúp đỡ, thoạt đầu còn có cả sự đồng ý nên vấn nạn này có thể tồn tại ngay trong cộng đồng của chúng ta.

ANH THƯ (Theo ASEAN Post)

;
;
.
.
.
.
.