Philippines, Malaysia và Indonesia: "Nhảy" vào công nghệ vũ trụ

.

Chính phủ các nước này coi ngành công nghiệp vũ trụ mới mẻ của mình là động lực phát triển kinh tế trong thời điểm nền kinh tế có dấu hiệu chững lại.

Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte gần đây ký luật thành lập cơ quan vũ trụ nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế và sự thay đổi địa chính trị. Quyết định này được người đứng đầu Chương trình không gian thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Philippines Joel Marciano nhận định như một bước tiến lớn bởi “chúng ta không thể bỏ lỡ con thuyền này”.

Vệ tinh DIWATA -1 của Philippines
Vệ tinh DIWATA -1 của Philippines

Philippines hiện có 3 vệ tinh trên quỹ đạo được phát triển từ những trường đại học Nhật Bản. Các trường đại học ở Philippines đã áp dụng chương trình đào tạo về công nghệ vũ trụ mà mục tiêu cụ thể là sẽ xây dựng và phát triển 4 hay 5 vệ tinh trong vài năm tới. Ông Marciano cho rằng đó là “mức tối thiểu” để theo kịp sự phát triển công nghệ vũ trụ toàn cầu.

Philippines không hề là quốc gia Đông Nam Á “đơn độc” trong xu thế phát triển công nghệ vũ trụ, bởi Malaysia và Indonesia cũng nhập cuộc hoạt động thương mại vũ trụ như phóng tên lửa và các hoạt động dựa vào vệ tinh đã phát triển trong những năm qua. Điều này cho thấy kế hoạch phát triển kinh tế theo hướng mới cũng như năng lực cạnh tranh địa chính trị mới nổi trong các nước ở châu Á.

Dưới thời cầm quyền của Tổng thống Joko Widodo, trọng tâm phát triển cơ sở hạ tầng ở Indonesia là đường bộ, cảng biển, sân bay chứ không phải hàng không vũ trụ vốn có ngân sách không thay đổi trong nhiều năm qua. Với điều kiện địa lý hơn 17.000 hòn đảo, Indonesia cần nhiều vệ tinh để giám sát biên giới trên biển, cung cấp dịch vụ điện thoại di động vùng xa xôi… Chính vì thế, quốc gia này hy vọng vào khu vực tư nhân sẽ đáp ứng thách thức xây dựng chương trình tên lửa và vệ tinh bản địa trong điều kiện tài chính eo hẹp.

Ngoài ra, Indonesia có thêm động lực là đã chế tạo được các tên lửa có đường kính 45cm và đang phát triển tên lửa có đường kính 55cm. Chủ tịch Viện Hàng không và Vũ trụ quốc gia Indonesia, Thomas Djamaluddin cho biết, viện này cũng đã phát triển một máy bay 19 chỗ ngồi và dự kiến đưa vào sản xuất trong năm tới. Kế hoạch tổng quan của Indonesia là chế tạo, phóng các tên lửa và vệ tinh nhỏ từ một sân bay vũ trụ nội địa vào năm 2040 nhằm tránh phụ thuộc vào nước khác. Ông Djamaluddin cho biết đang tìm kiếm đối tác thương mại chứ không phải thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ về kế hoạch xây dựng sân bay vũ trụ.

Malaysia là quốc gia mới nhất châu Á đặt cược vào sự bùng nổ công nghệ vũ trụ. Quốc gia này chủ yếu mua dữ liệu vệ tinh từ các quốc gia khác nhưng điều đó sắp sửa thay đổi khi họ quyết định theo đuổi chương trình không gian bản địa. “Chúng tôi không thể dựa vào vệ tinh của người khác trên mọi nẻo đường và tới lúc tạo ra một hệ sinh thái tốt cho riêng mình.

Một ngày nào đó sẽ có vệ tinh riêng, lĩnh vực vũ trụ của riêng mình và hướng tới là một trong những quốc gia hàng không vũ trụ vào năm 2030”, Tổng Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Malaysia, Azlikamil Napiah cho biết. Thủ tướng Mahathir Mohamad cố gắng thúc đẩy việc làm cũng như nỗ lực kiềm chế thâm hụt tài khóa nên chọn hướng đi phát triển mối quan hệ đối tác với khu vực tư nhân bởi chính phủ không thể cung cấp mọi chi phí cho công nghệ vũ trụ quá đắt đỏ. 

ANH THƯ (Theo Nikkei Asia Review)

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.