Thương phận lục bình

.

Hồi nhỏ, trước nhà tôi có con kênh, lục bình hay tấp đầy. Mỗi dịp nghỉ hè, những đứa trẻ như tôi hay ra kênh ngắt ngó lục bình đem về cho má chế biến các món ăn dân dã. Thời đó, ngó lục bình hầu như hiện diện thường xuyên trong mâm cơm gia đình của người dân nghèo ở vùng quê sông nước.

 

Tôi nhớ má hay lấy ngó lục bình muối dưa rồi chấm với mắm kho, cá kho; đặc biệt chấm với cá kèo kho lạt thì ngon hết chỗ chê.

Thỉnh thoảng những ngày mưa, má hay kêu tôi ra kênh cắt ngó lục bình về xào với mớ tép đồng mà tía tôi đi cất về. Cách làm món ngó lục bình xào tép đồng đúng kiểu miệt vườn cũng không quá cầu kỳ. Má nói, để món ăn thật ngon, khâu chọn ngó rất quan trọng, phải chọn những ngó non tơ xanh mơn mởn, cắt thành từng khúc ngắn, rửa sạch với nước muối pha loãng, sau đó bóp cho ráo nước. Mớ tép đồng còn tươi rói, má ướp chút tiêu, hành, tỏi, nước mắm ngon rồi cho vào chảo nóng xào đến săn lại. Sau đó, cho tất cả lục bình vào tiếp tục xào thật đều và nêm nếm vừa miệng trước khi đặt xuống bếp, bày ra dĩa. Món ăn này kèm thêm chén nước mắm cá linh, dầm chút ớt hiểm xanh cay tê đầu lưỡi. Sẽ trở nên hoàn hảo khi ăn cùng cơm trắng nóng hổi, hương thơm quyến rũ cùng vị ngọt đồng quê hòa quyện khiến món ăn dân dã trở thành đặc sản, rất thi vị. Vì vậy, dân quê tôi có câu: Lục bình trôi dọc triền sông/ Hái vào xào tép ngọt lòng dân quê.

Dân thị thành còn khá xa lạ với những món ngon làm từ lục bình. Tuy nhiên, giờ đây, các món ăn từ ngó lục bình cũng đã xuất hiện trong thực đơn của một số nhà hàng với nhiều cách chế biến đa dạng như: ngó lục bình luộc chấm mắm kho, cá kèo kho lạt; làm gỏi ốc gạo; nấu canh chua lươn, canh chua cá lóc... Nhưng dù chế biến theo cách nào thì chính sự dân dã, mộc mạc cùng hương vị tinh túy của hương đồng cỏ nội đủ làm lưu luyến, say lòng bất kỳ ai thưởng thức.

Cứ mỗi độ hoa phượng, hoa bằng lăng, hoa sưa dần báo hiệu chuyển sang thu, những đứa trẻ như tôi hay tụ họp lại rủ nhau ra con sông cái lớn ngắt lục bình chơi trò làm bánh mì thịt. Trò này thú vị lắm. Với lục bình, chúng tôi chia ra thành nhiều nguyên liệu khác nhau như cọng có thân phình to để làm bánh mì; còn cọng nối giữa hai nhánh lục bình làm lạp xưởng; những chiếc lá xanh rờn sẽ dùng để gói từng ổ bánh mì. Đó hẳn sẽ là kỷ niệm, khoảnh khắc vô cùng hạnh phúc, không thể nào quên suốt những năm tháng tuổi thơ của trẻ em ở vùng quê sông nước.

Lục bình giống như một hình ảnh đặc trưng nhất khi nghĩ về những kiếp người trên sóng nước phương Nam bươn chải với cuộc đời. Dẫu lênh đênh, mặc gió giông mưa nắng, vất vả lo toan, họ vẫn thủy chung cùng dòng nước với tình người chân chất ấm nồng.

Ngày nay, nghề đan lục bình ngày càng phát triển, lục bình trở thành “vị thần hộ mệnh” cho người dân quê tôi sau việc đồng áng. Khi cây lục bình bước vào giai đoạn trưởng thành, thân cây đạt độ dài 60cm là lúc thích hợp để thu hoạch. Người ta cắt cây lục bình sát gốc, vạt bỏ lá, rồi đem phơi nắng vài ba hôm cho héo khô, thế là thành cây nguyên liệu để đan các sản phẩm. Những người đan lục bình trong xóm tôi phần đông là phụ nữ. Ngoài công việc đồng áng và nội trợ, các chị thường tranh thủ những giờ nhàn rỗi để đan lục bình. Tuy chỉ là nghề phụ, nhưng nhờ khéo tay và chịu thương chịu khó, khi đã quen việc thì thu nhập từ đan lục bình lại cao hơn thu nhập chính là nghề nông. Cái hay nữa là công việc này luôn có quanh năm. Nhờ sản vật trời ban, cuộc sống người dân quê tôi mang những màu sắc mới trong niềm hân hoan.

Giờ đây, được trở về quê sau bao ngày tha phương, nhìn từng đám lục bình trôi bên sông hòa cùng đất trời, màu xanh của lục bình như tiếp thêm sức mạnh và hy vọng cho tôi, cho người dân quê vào một tương lai tươi sáng phía trước.

Nguyễn Thị Mỹ Châu

 

;
;
.
.
.
.
.