Bánh mì xóm cũ

.

Hồi nhỏ, cứ mỗi sáng tôi được me cho tiền mua đồ ăn là có thể đủ mua ổ bánh mì của bà. Cứ sáng ra đi vòng ngả sau xóm, qua cái giếng nước Cô Tiên là đến tiệm bánh mì của bà. Hồi đó bà luôn có một cái lò than nhỏ để hơ nóng ổ bánh mì. Phụ bán quán là cô con gái và đứa cháu ngoại, thỉnh thoảng mang tô hành hay tô pa-tê lên cho bà.

Món bánh mì gây thương nhớ cho những người xa quê. (Ảnh: Internet)
Món bánh mì gây thương nhớ cho những người xa quê. (Ảnh: Internet)

Mọi thứ bà làm hết, bánh mì cũng đơn giản, có chút pa-tê, vài lát thịt xíu, nước chan từ thịt xíu, vài cộng hành và ớt. Nhưng bà có một thói quen mà không tiệm bán bánh mì nào có được là chan thêm vào hai đầu nhọn của ổ bánh một chút nước và pa-tê ở công đoạn cuối cùng. Có lần tôi hỏi bà sao lại có công đoạn này, bà nói ổ bánh mì quan trọng nhất là miếng đầu và miếng cuối.

Cách đây hơn chục năm, hồi còn ở Thụy Điển, tôi có ghé về mua lại ổ bánh mì. Bà vẫn nhớ tôi rõ mồn một. Bà hỏi về ngoại tôi mặc dù ngoại mất trước đó đã vài năm. Bà cũng nhớ rõ nhà tôi có hai anh em, ba me tôi làm gì.

Bà bán bánh mì không biết bao nhiêu năm nhưng tôi nhớ rõ là lúc tôi bảy tuổi đã ăn bánh mì của bà rồi. Như vậy, quán bánh mì của bà cũng không ít hơn bốn mươi tuổi.

Thực khách chính của bà là người dân xóm lao động gần đó, học trò, dân buôn gánh bán bưng, không có ai là người thân với bà giống như tôi vậy, nhưng mỗi khi được trao ổ bánh mì là cảm thấy như mình được trao một món quà ngon và hấp dẫn, để rồi cảm nhận mùi vị ở hai đầu cùi, cắn vào nước chan tràn ra miệng, xuýt xoa đã lắm.

Sau này có vài anh “Tây ba lô” du lịch ngang qua thấy quán lạ có bà già trên 80 tuổi đứng bán bánh mì ăn ngon quá mới chụp hình rồi viết trên Internet là madam này madam nọ. Nhiều người biết tiếng ghé mua nhiều hơn, nhưng cái quán bánh mì vẫn không thay đổi mấy.

Mỗi lần về nhà, tôi lên ngoại thắp hương, lần nào cũng dòm cái tiệm bánh mì của bà và thấy không có gì thay đổi, chỉ có dán thêm vài cái hình “madam” mà con cháu bà in từ Internet.

Cái xóm cây da kèn nổi tiếng hồi xưa, từ nhà tôi đi vòng ra hẻm chưa đến 200 mét đã tới tiệm bánh mì. Cứ mỗi buổi sáng tôi lại được một ổ bánh giòn rụm, ăn xong vẫn còn thèm, sáng nào cũng như sáng nào. Sau này ở Belfast (thành phố lớn của Vương quốc Anh-BT) khi làm ổ bánh mì Hội An, tôi vẫn luôn chú ý ở hai đầu cùi như lời bà từng giải thích với tôi: “Hai đầu bánh mì thường cứng và khô, nên người ta không muốn ăn. Chỉ cần thêm xíu nước chan kỹ chút thì hai phần tưởng dở nhất đó lại trở thành phần ngon nhất của ổ bánh mì”. Điều bà làm thật tinh tế mà không phải người bán nào cũng để ý làm cho khách.

Bà đã trên tuổi 80, tóc bạc trắng, có lẽ giờ bà cũng chẳng còn đứng nhiều để bán như ngày xưa. Nhưng chắc những kỹ thuật ướp thịt qua đêm, nướng bánh sao cho đừng cháy, làm pa-tê sao cho ngon vẫn không thể ai thay thế được. Hy vọng những thứ tưởng chừng như đơn giản nhất thế này sẽ không bao giờ mất đi, những thứ tạo nên một Hội An đặc biệt như thế sẽ mãi mãi trường tồn. Ít ra nó sẽ không bao giờ mờ đi trong tâm trí những người xa quê như tôi.

DƯƠNG QUANG TRUNG
 

;
;
.
.
.
.
.