Chuột trong ngôn ngữ và văn hóa

Nhân sắp đón năm Canh Tý, ngẫm nghĩ về biểu tượng chuột trong ngôn ngữ và văn hóa để hiểu đúng hơn, sâu hơn các ý niệm về con vật này trong tâm thức người Việt. Đó là quá trình giải mã mang tính biểu trưng hóa, thiêng hóa về biểu tượng mà nó được ký thác qua mỗi câu nói dân gian trong đời sống văn hóa Việt, nhằm lưu giữ những “bảo vật”, những “trầm tích”  văn hóa lâu đời của cha ông.

Chuột nhìn từ mã ngôn ngữ và chữ viết

Để định danh, tiếng Việt hiện đại có nhiều từ được dùng để gọi tên loài vật này: chuột, thử, tý…, với hàng loạt tổ hợp từ phái sinh từ chuột chù, chuột cống, chuột nhà, chuột đồng, chuột khuy, chuột bạch, chuột nhắt, chuột chũi,…

Theo học giả An Chi, ở góc độ từ nguyên, chuột là một từ Việt gốc Hán, mà âm Hán Việt là đột. Hán điển (zdic.net) giảng về chữ đột rằng đó là một loài chuột “giống như chuột nhà mà nhỏ, lông màu vàng, đuôi ngắn, lông đuôi xù ra”(1). Tiếng Hán gọi chuột là thử và chữ Hán viết là 鼠. Cách đặt vấn đề này của ông muốn khẳng định rằng tên chuột/tý có nguồn gốc Trung Hoa.

Tìm về nguồn gốc Việt Nam của 12 con giáp, Nguyễn Cung Thông(2) đã có những lý giải khá thú vị khi cho rằng, tìm hiểu về gốc của tên mười hai con giáp là một cơ hội để ta tìm về cội nguồn tiếng Việt. Chẳng hạn, ông cho rằng, chuột/tý có thể thành lập tương quan ngữ âm giữa Tý /Tử (子) và chút *chuột, không những thế tiếng Việt còn duy trì nhiều liên hệ như huyết thống cũng như các vết tích Hán cổ hỗ trợ cho khả năng Tý/tử (子 ) là một dạng ký âm của một tiếng nước ngoài, và dĩ nhiên người Hán không hiểu Tý/Tử từng là tên gọi loài chuột khi nhập vào tiếng Hán cổ. Tác giả dẫn bằng chứng là, một dạng âm cổ phục nguyên của Tý/Tử là rất gần với âm *chơkh (chơc) tiếng Việt hiện đại; tiếng Khmer dùng dạng *ju:t (chuột) để chỉ chi Tý /Tử và chuột; tiếng Môn (chăk là chắt) và dạng tuch (Khmer) là chút.

Viên Như cũng cho rằng, Tý hay Tử 子 đọc là Chốt hay Chút. Từ khi Chốt đổi thành Tý, người Việt xưa sợ mất âm của mình nên đọc ghép vào thành Tý Chút = Chốt = Chột = Nhỏ. Chốt đọc hoán vị thành Chuột là do tính cận âm Chốt - Chột - Chuột; còn vì sao Chốt thành Tý? Chữ Tý hay Chốt có chữ giáp cốt gần giống với chữ Tỵ là rắn, nên khi dùng chữ Tỵ thay chữ Đà rồi người dùng ngay chữ Tỵ đổi thanh nặng sang sắc thành Tý, ở đây chỉ đổi âm chữ không đổi chữ và nghĩa (3).

Quả thật, Tý có mối quan hệ như thế nào với thử, chuột, tử, đột, chốt, chuột,… Để xác định nguồn gốc Trung Hoa hay nguồn gốc Việt Nam vẫn còn là câu chuyện chưa có được câu giải đáp cuối cùng.

Chuột trong tâm thức văn hóa

Trong văn hóa Hán, chuột được xem là biểu tượng của sự trung thực, lòng vị tha, óc cầu tiến, tính cách dễ dãi và sự hào phóng. Trong tiếng Trung Hoa, chỉ có chuột và hổ mới được gọi tên một cách kính cẩn bằng cách gắn thêm từ “lão” phía trước: lão thử tức cụ chuột và lão hổ tức cụ hổ. Còn trong văn hóa phương Tây, chuột gắn liền với những ý nghĩa xấu xa: kẻ phá hoại, kẻ cướp, kẻ gieo rắc tai họa, bệnh tật. Tiếng Anh cũng có 2 từ cơ bản chỉ chuột: “mouse” (dạng thức số nhiều là “mice”) và “rat”. Nghĩa biểu trưng của hai từ này thường hàm ý tiêu cực như chỉ điều bất ổn (“smell a rat” - ngửi thấy chuột, điều bất thường); chỉ tình trạng xập xệ, cũ nát (“The house’s ratty” – nhà ổ chuột).

Trong ngôn ngữ và văn hóa Việt, chuột thường mang những hàm ý biểu trưng nào?

Chuột biểu trưng cho những kẻ thấp cổ bé họng trong cuộc sống. Từ chuột liên tưởng đến người cùng đường nên Chuột chạy cùng sào; họ không thể là Chuột chù lại có xạ hương, nhìn “bộ dạng chậm chạp, ngơ ngác, ngờ nghệch lúng túng không biết đường nào mà lần”(4) kiểu Lù rù như chuột chù phải khói, nên khó mong một điều gì tốt đẹp. Hình ảnh chuột con luôn được dùng để biểu trưng cho ý niệm nhỏ nhoi, vô giá trị như Mèo mẹ bắt chuột con. Trong thực tế hiếm khi mà Chuột sa chỉnh gạo vì đó là tình cảnh “rất may mắn, gặp được nơi sung sướng, đầy đủ, nhàn hạ” (5). Sự cùng quẫn của những kẻ thấp cổ bé họng trong cuộc sống giống tình cảnh Chuột chạy cùng sào là chuyện thường thấy.

Chuột biểu trưng cho những kẻ chuyên phá hoại, đục khoét công quỹ. Trong cuộc sống, chuột thường được dùng làm một ẩn dụ hết sức quen thuộc để chỉ “lũ chuột” - những người chuyên đục khoét công quỹ. Ở đây, đặc tính của loài chuột cũng được liên tưởng với chính đặc tính của hạng người này trong xã hội.

Về ngoại hình, chúng là những kẻ Đầu dơi mặt chuột; về hành động, chúng thường Làm dơi làm chuột, “ngấm ngầm, tùy tiện làm những việc  bậy bạ, thiếu đạo đức”(6); chỉ biết Bày đường chuột chạy, luôn “bày vẽ, bao che, tạo điều kiện cho kẻ khác làm điều xấu”(7); làm kiểu Đầu voi đuôi chuột, tức “lúc khởi đầu có vẻ to tát, quy mô nhưng khi kết thúc lại không ra gì” (8); về tư tưởng thì luôn luồn lách, lươn lẹo kiểu Chuột gặm chân mèo, “hành động liều lĩnh, dại dột”(9); vì luôn muốn lập lờ kiểu Chuột đội vỏ trứng, “mượn hình ảnh của kẻ khác để che dấu bản chất”(10).

Do vậy, không dễ gì bẫy được chuột, nhất là hàng chuột cống. Bởi lẽ, Ném chuột còn ghê chạn bát, vì “muốn trách phạt lũ quấy nhiễu nhưng lại sợ làm mất lòng kẻ đang cai quản bọn ấy”(11). Lẽ đời là vậy, Ném chuột vỡ chum. Với những hạng người này, chỉ khi Cháy nhà ra mặt chuột thì “mọi mưu mô của lũ chủ mưu ắt sẽ bị phơi bày ra cả”(12).

Chuột biểu trưng cho sự không đứng đắn, đàng điếm. Trong tiếng Việt, những từ như chim chuột, chuột rút… biểu trưng cho sự không đứng đắn, đàng điếm, tán tỉnh, ve vãn trai gái. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu An Chi cho rằng cách nói “chim chuột” chỉ “là kết quả của một sự dịch nghĩa từ các thành tố của một địa danh Trung Hoa: Điểu Thử Đồng Huyệt (chim chuột cùng hang), cũng gọi tắt là Điểu Thử (chim chuột)(13) chứ không phải chuyện trai gái, trống mái. Về sau, nhiều người thường được giải thích “chim chuột” là chuyện ve vãn, tán tỉnh gái trai trong quan hệ tình cảm.

Quả thật, ngẫm nghĩ về biểu tượng chuột trong ngôn ngữ và văn hóa chính là dịp để hiểu đúng hơn, sâu hơn các ý niệm về con vật này trong tâm thức người Việt. Đó là quá trình giải mã mang tính biểu trưng hóa, thiêng hóa về biểu tượng mà nó được ký thác qua mỗi câu nói dân gian trong đời sống văn hóa Việt, nhằm lưu giữ những “bảo vật”, những “trầm tích” văn hóa lâu đời của cha ông.

PGS.TS Trần Văn Sáng

(1) An Chi, Từ thập nhi chi đến 12 con giáp, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr.32

(2)Xem thêm: Nguyễn Cung Thông, Nguồn gốc Việt Nam của 12 con giáp: Tý/Tử/*chút/chuột (phần 10A), nguồn: https://ngonnguhoc.org

(3) Viên Như, Người Việt, chủ nhân của Kinh dịch và chữ vuông, NXB Hồng Đức, 2014, tr.165-166.

(4-10) Vũ Dung, Vũ Quang Hào, Vũ Thúy Anh.

(11-12) Nguyễn Đức Dương.

(13) An Chi, sđd, tr.31.

;
;
.
.
.
.
.