Những ngày cuối năm trời trở lạnh, nhưng ở nơi miền núi cách Đà Nẵng trên 80 cây số ấy dường như ấm lên với những tiếng hò hét đến khản cả giọng, những tràng pháo tay dài hơi tán thưởng của khán giả sau những pha bóng hấp dẫn, những tiết mục văn nghệ đầy sắc màu...
Một pha tranh bóng quyết liệt giữa hai đội Lữ đoàn 575 và Tà Bhing. Ảnh: V.T.L |
Tiếng còi khai cuộc vang lên, hai đội bóng chuyền Lữ đoàn Thông tin 575 - Quân khu 5 (Đội 575) và xã Tà Bhing (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu bước vào trận đấu giao hữu. Tuy cũng mặc trang phục thể thao nhưng nhiều cầu thủ áo và quần không cùng số. Đội 575 có cầu thủ A Ti Ve người Cơ tu, huyện Tây Giang mang quần số 11, áo số 10; cầu thủ Dương Công Thống nhưng lại mặc áo có tên Trần Trọng Nghĩa. Đội Tà Bhing hiệp 2 thay vào một cầu thủ có dáng rất… cầu thủ, cao to, dềnh dàng, áo số 10 nhưng quần số 7. Đội bóng địa phương này cũng có 2 cầu thủ ra thi đấu không chịu mang giày, cứ chân đất mà “thi triển khinh công” khắp sân bóng. Dù vậy, cả hai đội đều cảm thấy thật thoải mái, vui là chính.
Chưa kể những trận cầu dưới phố, chỉ tính ở xã miền núi này thì từ năm 2012 đến nay, năm nào Lữ 575 cũng tổ chức giao lưu khi thì bóng chuyền, khi bóng đá. Riết một hồi, Đại úy Phạm Văn Hiệp, phụ trách Trợ lý Tuyên huấn Lữ đoàn nhưng lại kiêm luôn “nghề” bình luận viên. Hôm đó, cả cầu thủ lẫn khán giả đều “chết mê chết mệt” bởi những câu đùa vui dí dỏm, hóm hỉnh của anh.
Cầu thủ lớn tuổi nhất tham gia trận đấu là Briu Biên, 37 tuổi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tà Bhing. Anh cười, nụ cười chân chất có màu ngăm đen của nắng gió miền sơn cước: “Mình còn sức thì còn chơi thể thao để làm gương cho tụi trẻ”.
Chiều xuống, học sinh đi học về, ghé qua xem các chú, các anh chơi bóng, thỉnh thoảng trầm trồ bằng tiếng mẹ đẻ. Hai đội hòa nhau 2-2, bước vào trận chung kết và đội 575 thắng. Khán giả vùng cao hiếm khi được xem một trận bóng đầy kịch tính như thế.
Lữ đoàn Thông tin 575 chuyên ngành thông tin nên có nhiều chiến sĩ nữ, rất thuận lợi cho phong trào văn hóa – văn nghệ của đơn vị. Hôm đó có 6 chị lên Tà Bhing cùng với các đồng đội nam trong Đội Văn nghệ xung kích của Lữ đoàn. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị hầu hết giỏi một “nghề” nhưng biết nhiều “nghề” khác.
Phan Công Hoàng, chơi đàn organ giỏi, hát hay, làm phong trào nhiệt tình mà chơi bóng chuyền cũng chẳng thua ai. Chuẩn bị cho đêm văn nghệ “Thắm tình quân dân” tối đó, hầu hết các kỹ thuật viên lắp đặt hệ thống âm thanh, ánh sáng cũng là các diễn viên. Trung tá Nguyễn Quang Hùng, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn cũng là đạo diễn chương trình, anh mày mò tự học với sự hỗ trợ chuyên môn của đạo diễn Lê Thành.
Thượng tá Lê Xuân Đông, Chính ủy Lữ đoàn, ví von: “Đơn vị lên Tà Bhing hôm đó gần 50 người, nhưng nếu tính hiệu quả công việc mang lại thì phải hơn trăm”. Đoàn gần 50 người, trong đó trên 30 người hiện sống ở Đà Nẵng. Đại úy Hoàng Thị Phúc quê Thanh Hóa có chồng Đà Nẵng, hiện là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Lữ đoàn 575. Con gái chị vừa mổ mắt xong còn chưa cắt chỉ, chị nhờ người em chăm sóc rồi lên đường đi Tà Bhing. Chị bước ra sân khấu, vừa làm người dẫn chương trình, vừa diễn tốp ca, đơn ca.
Không thể biết trước thời tiết vùng cao như thế nào nên đêm ấy ban tổ chức quyết định diễn văn nghệ trong hội trường UBND xã. Trong không gian có phần hạn chế, bà con Cơ tu kéo về chật ních, có mấy phụ nữ cao tuổi nửa đứng nửa ngồi nơi khoảng trống giữa hai hàng ghế, chăm chú nhìn vào điện thoại di động để quay phim cho được các tiết mục của con em xã mình.
Tà Bhing trước có 7 thôn, nay nhập lại còn 3, với gần 700 hộ đồng bào Cơ tu. Trụ sở UBND xã đóng trên địa bàn thôn Galêê, nguyên là 3 thôn nhập lại, nên có tất cả 3 nhà Gươl. Anh Tí cho biết, phụ nữ Tà Bhing phần lớn không có điều kiện đi học, chỉ tới hết phổ thông là về. Ban ngày các chị làm nông, tối về tập trung tại nhà văn hóa thôn tập hát, múa. Nhiều người hát tuy không đúng tông nhưng có chất giọng ngọt ngào, nhất là những âm sắc cao; gần đây nhờ hát karaoke nhiều nên giọng hát tốt hơn. Mỗi dịp lễ lạt, xã tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao giữa các thôn, nhờ đó, phong trào thể thao – văn hóa ngày một phát triển, nhất là từ khi Lữ đoàn 575 lên giúp dân.
Sau buổi giao lưu văn nghệ, khách và chủ ngồi lại với nhau tâm tình, thưởng thức các món ăn dân dã của người Cơ tu. Phó Bí thư Đảng ủy xã A Viết Thị Bông tặng cặp bánh sừng trâu cho Thượng tá Đông, không quên giới thiệu với khách về loại bánh có hình sừng trâu được gói bằng lá đót, người Cơ tu gọi Avị Acuốt hoặc C’cót, hoặc bánh Đót. Chủ tịch xã Zơ Râm Thực thỉnh thoảng lại đi quanh bàn, mời khách bằng loại rượu nấu ngay tại làng mình.
Thượng tá Đông tỏ lời cảm ơn, đáp lại thịnh tình chủ nhà qua bài hát “Sông DakRong mùa xuân về”. Giọng anh vút cao: “Ta nối tấm lòng dân bằng tình yêu cách mạng, đi suốt Trường Sơn xanh nghe dòng sông chảy mãi...”.
Đêm tàn dần. Men rượu ấm nồng. Câu hát luyến lưu. Giọng Đại úy Phúc âm vang giữa đại ngàn: “Có hiểu được lòng nhau, mới tới bờ tới bến/ Có hiểu được lòng nhau mới thấu hết nghĩa tình”. Khách và chủ hẹn nhau viết tiếp câu chuyện tình nghĩa trong năm mới 2020. Hôm 22-12 vừa rồi đoàn công tác xã Tà Bhing xuống phố gặp gỡ với Lữ đoàn 575. Đầu năm mới 2020, những người lính thông tin sẽ quay lại vùng cao, hẹn gặp nhau ở Tà Bhing…
VĂN THÀNH LÊ