Phát triển kinh tế ban đêm đúng hướng

.

Xu hướng trải nghiệm của khách du lịch hiện nay không chỉ dừng ở việc tham quan, nghỉ dưỡng mà còn cả khám phá các dịch vụ, tiện ích của địa phương. Vì thế, điểm đến càng đa dạng, các dịch vụ càng thu hút khách. Những người làm du lịch tại Đà Nẵng đã nhìn thấy “điểm yếu” là thành phố chưa có các sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm, trong khi hướng phát triển kinh tế đêm cũng chưa rõ ràng, đúng hướng.

Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng, phát triển kinh tế đêm là xây dựng, hình thành nên các chợ đêm. Thực tế, chợ đêm chỉ là một phần trong tổng thể chung của ngành dịch vụ đêm, bao gồm cả ăn uống, vui chơi, giải trí, mua sắm...

Những người làm du lịch nhìn nhận, kinh tế đêm là “mỏ vàng” để tăng chi tiêu của khách. Ban ngày khách du lịch đi tham quan tại các di tích, danh thắng theo tour sắp đặt sẵn, ban đêm mới là khoảng thời gian để tiêu tiền qua việc ăn uống, mua sắm, massage… Vậy, yêu cầu đặt ra là một thành phố du lịch cần có những dịch vụ phục vụ du khách vào ban đêm gồm các cửa hàng tiện ích mở cửa 24/7, các khu vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe...

Tuy nhiên, nếu khai thác các dịch vụ dành cho du khách về đêm không hợp lý, hay hình thành các khu, điểm du lịch đêm một cách ồ ạt sẽ dẫn đến tác dụng ngược. Muốn phát triển kinh tế đêm bền vững phải dựa trên nhu cầu của người dân địa phương và du khách. Không phải người dân nào cũng có nhu cầu làm kinh tế đêm vì họ đã đi làm cả ngày, đêm về cần được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Thói quen của người dân miền Trung là thích cuộc sống bình dị, không quá ồn ào, xô bồ.

Và đặc biệt, không phải du khách nào cũng muốn chơi đêm mà nhiều người chỉ có nhu cầu tìm chỗ ăn uống, thư giãn sau một ngày rong ruổi khắp các khu, điểm du lịch… Cần phải nghiên cứu, điều tra nhu cầu thực tế của người dân địa phương và du khách về các dịch vụ hoạt động sau 12 giờ đêm. Và thành phố cần quy hoạch tổng thể khu, điểm ăn chơi, giải trí này nằm ở khu vực tương đối tách biệt, độc lập để không ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của người dân địa phương, cộng đồng thì mới có thể phát triển.

Mới đây, ngành du lịch Đà Nẵng đề xuất phát triển sản phẩm du lịch phục vụ du khách, trong đó có các giải pháp phát triển vui chơi, giải trí đêm như: hình thành trải nghiệm bãi biển “không ngủ” với đa dạng các dịch vụ (phố đêm 24/7 giờ; cắm trại đêm; chiếu phim trên biển; các trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, ngắm cảnh đêm kết hợp vui chơi, giải trí); thí điểm một số cụm dịch vụ là các quán bar, pub, cà-phê… hoạt động đến 2 giờ sáng; hình thành và quảng bá Đà Nẵng theo chủ đề “thành phố mua sắm đêm” với các cửa hàng miễn thuế, phát triển các chuỗi cửa hàng tiện lợi mở của 24 giờ và các trung tâm mua sắm mở cửa đến 24 giờ…

Lãnh đạo thành phố và ngành du lịch cũng đã nhìn thấy những điểm được và chưa được của việc phát triển kinh tế đêm. Tại kỳ họp thứ 12, khóa IX, HĐND thành phố mới đây, lãnh đạo ngành du lịch thành phố đã trả lời băn khoăn về việc phát triển kinh tế đêm của các đại biểu rằng, ngành sẽ tính toán, phối hợp với các ngành liên quan, đề xuất quỹ đất và quy hoạch riêng biệt cho các hoạt động vui chơi, giải trí quy mô lớn. Khi chính quyền địa phương đã nhìn đúng và trúng vấn đề thì người dân địa phương và du khách có quyền hy vọng về một nền kinh tế đêm đi đúng hướng và phát triển bền vững.

SONG KHUÊ

;
;
.
.
.
.
.