Đà Nẵng cuối tuần

Tết về trên phố

Mặc đẹp đón Tết

15:05, 12/01/2020 (GMT+7)

Mới đầu tháng 11 âm lịch, những người đàn ông trong nhà đã chộn rộn bàn chuyện đi mua vải may đồ Tết. Thì ra, dù hàng may sẵn ngày càng chất lượng, mẫu mã đẹp, người ta vẫn thích tìm đến những tiệm may để có được những bộ đồ do người thợ tỉ mẩn làm thủ công cho riêng mình.

Nguyễn Hứa Vũ nổi tiếng cắt dáng quần tây đẹp.  Ảnh: Q.T
Nguyễn Hứa Vũ nổi tiếng cắt dáng quần tây đẹp. Ảnh: Q.T

“Mặc đẹp đón Tết” là một trong những truyền thống của người Việt. Người ta thường không tiếc tiền sắm sanh để có cái Tết no đủ, ấm áp, đẹp đẽ với mong ước may mắn và sung túc cho cả một năm mới. Đi ngang các tiệm may thời gian này, nhìn những bộ âu phục được treo ngay ngắn, lại bâng khuâng nghĩ về Tết. Tết đến với tôi như thế nào nhỉ? Những cái Tết đầu tiên của tôi, cứ khi nào thấy mẹ không ngủ trưa, đem gừng, kiệu ra gọt là biết “À, Tết sắp về”.

Tết về là có quần áo mới. Ba sẽ đem tiền lương về rồi bảo mẹ: “Mẹ coi lo mua vải đi may đồ cho sớm nghe. May sớm họ mới có thời gian làm kỹ cho mình. Để cận Tết là cập rập, người ta may không đẹp đâu”. Ba tôi có thể trạng gầy.

Ông thường phải mặc đồ may đo mới vừa vặn. Những bộ quần áo may sẵn với số đo S, M, L ông từng thử nhưng không vừa ý. Chẳng phải là người chuộng hình thức, nhưng ông bảo, mặc bộ đồ được đo ni cẩn thận, ông thấy tự tin hơn. Tôi nghĩ, đó cũng là lý do mà dù bao nhiêu hãng thời trang âu phục may sẵn ra đời, những người đàn ông vẫn thích đến tiệm may để có bộ quần áo mới mỗi độ xuân về.

Việt Hoàng (sinh năm 1989), chủ nhà may Hoàng (đường Lê Hữu Trác, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) chia sẻ: “Có những nghề cảm nhận cái Tết đến rất sớm như người nông dân trồng hoa; công nhân ở các xí nghiệp may mặc, thực phẩm; giới văn nghệ sĩ viết báo Tết…, và trong đó phải kể đến nghề may. Cứ vào đầu tháng 11 âm lịch là các tiệm may tất bật với vải vóc, kim chỉ, thước kẻ. Có những ngày miệt mài bên bàn may đến quên ăn trưa, tối mịt mới đứng dậy. Guồng quay đó sẽ kéo dài đến giữa tháng Chạp. Cực nhưng vui lắm”.

Là một thợ may trẻ có tiếng về cắt dáng quần đẹp, Nguyễn Hứa Vũ (sinh năm 1988), chủ nhà may Vũ Tailor (đường Đặng Thai Mai, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) chia sẻ, trong một năm có hai dịp tiệm may đông đúc khách vào ra là lúc học sinh tựu trường và Tết Nguyên đán. Mặc gì trong dịp Tết luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Dù trên thị trường, các hãng thời trang “tung” ra nhiều bộ sưu tập nhưng các tiệm may vẫn có “đất” sống. Bởi người thợ khi may đồ là may sao cho che khuyết điểm và làm nổi bật ưu điểm hình thể của khách hàng.

“Khách hàng đến tiệm may thường đã có sẵn ý tưởng và trao đổi với người thợ về ý tưởng đó. Người thợ phải nắm bắt được số đo của khách để tư vấn kiểu dáng phù hợp. Có những người chân thon nhưng bắp chân lại to, người đùi to nhưng gối nhỏ. Để che khuyết điểm của khách hàng, đòi hỏi người thợ phải khéo léo. Sự trao đổi qua lại giữa thợ may và khách hàng là điều mà cách may công nghiệp không làm được”, anh Vũ nói.

Thành Danh (sinh năm 1990, trú đường Lê Trọng Tấn, quận Cẩm Lệ) bộc bạch, đã thành lệ, năm nào cũng vậy, cứ đầu tháng Chạp là vợ chồng anh cùng đi lựa vải rồi may 2 bộ đồ tây. Dù đồ may sẵn đẹp, đa dạng kiểu dáng nhưng theo anh chúng chỉ dành cho những người có số đo chuẩn, không quá mập hay quá gầy.

Với người có thân hình “quá khổ” như anh, một bộ đồ được người thợ tỉ mỉ đo sẽ vừa vặn hơn. Vả lại, anh cũng thích mặc quần tây theo phong cách “body” (ôm cơ thể-PV) của Hàn Quốc, mà phong cách này thì quần may sẵn không có. “Hơn hết, đó là bộ đồ được thiết kế theo ý thích của mình và không “đụng hàng””, Danh nói.

Nghề chọn người

Hầu hết những người thợ may tôi gặp đều có chung đặc điểm: đằm tính, nhẹ nhàng. Anh Mừng (sinh năm 1990), chủ nhà may Nguyễn Mừng (đường Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ, có những nghề do người chọn nhưng với nghề may thì dường như ngược lại. Chẳng ai tính tình nóng nảy, vội vàng mà chọn theo nghề này. Cái nghề mà chỉ cần không cẩn thận một chút thôi là những sợi chỉ sẽ rối như tơ vò, nếu không bình tĩnh thì sai sẽ càng thêm sai, rồi bực dọc mà bỏ luôn cái áo, cái quần.

Mới 30 tuổi nhưng anh Mừng đã có thâm niên “đứng tiệm” được 9 năm. Trước đó, anh có 4 năm học nghề và 2 năm đi làm công nhân may tại một xí nghiệp. Chia sẻ về giai đoạn này, anh Mừng bảo: “Tôi xin vào làm công nhân may mặc để tìm hiểu giữa may dân dụng (may đo ở tiệm) và may công nghiệp (may dây chuyền) khác nhau như thế nào.

Khi vào nhà máy, mình mới biết, quy trình may rất chuẩn xác, mỗi người làm một khâu, mỗi ngày có thể sản xuất hàng trăm bộ đồ giống nhau. Với may dân dụng, tất cả các khâu đều từ bàn tay người thợ, đường chỉ may có sự mướt, tự nhiên. Tuy nhiên, đồ thủ công thì cũng dễ bị sai sót hơn”.

Tiêu chí làm nghề của anh là phải hạn chế sửa đến mức tối đa. Khi khách hàng mặc một cái quần, cái áo không vừa ý, khách bực mình thì người thợ cũng ngại ngùng. Vì vậy, thêm một đặc tính của nghề thợ may là phải cực kỳ kỹ tính. Kỹ từ khâu đo đến cắt, may. Nếu có đưa cho thợ ráp thì sau đó thợ may cũng phải kiểm tra lại từng đường kim mũi chỉ rồi mới giao cho khách hàng.

“Tâm lý ai đi may đồ cũng thích mặc đẹp, vừa ý. Nếu khách đến thử mà không ưng ý, tôi sẽ nhận lại đồ rồi may cho khách bộ khác. Vì thực tế, sửa đồ mệt hơn may mới. Mình còn trẻ, tiệm cũng ra đời sau những nhà may lớn nên cần lấy chất lượng làm uy tín. Chậm mà chắc là phương châm làm nghề của tôi”, anh Mừng nói.

Cũng như anh Mừng, Nguyễn Hứa Vũ có đến 4 năm học nghề, 1 năm đi làm ở xí nghiệp dệt may và 9 năm làm thợ cho các tiệm may lớn. Vũ bảo, thời gian học nghề để mở tiệm của anh tuy dài nhưng xứng đáng. Đó là quãng thời gian cần để anh tôi luyện tay nghề. Hiện tại, anh chỉ mất đúng 30 phút để cắt một bộ vest, 15 phút để cắt quần tây. “Những khách hàng kỹ tính sẽ luôn tìm đến tiệm may. Nghề thợ may chỉ cần chịu khó là sẽ “sống” được vì càng ngày người ta lại quay trở về với những gì thuộc về thủ công truyền thống”, Vũ nói.

QUỲNH TRANG

.