Đà Nẵng cuối tuần

Tết về trên phố

Ước mơ mai vàng

11:54, 12/01/2020 (GMT+7)

Mỗi khi tiết đông giá quay về - thời điểm những cành mai khẳng khiu trụi lá chuẩn bị cho một mùa hoa mới, người “nghiện” chơi mai lại đứng ngồi không yên. Có năm người ta lao đao vì trời lạnh mai nở chậm, có năm lại lo sốt vó vì nắng nóng khiến mai “bung vỏ trấu” quá nhanh.

Một cây mai nở sớm trong vườn “Đặng Gia viên” của ông Đặng Văn Hường.  Ảnh: V.T.L
Một cây mai nở sớm trong vườn “Đặng Gia viên” của ông Đặng Văn Hường. Ảnh: V.T.L

Có lẽ ông Đặng Văn Hường là một trong những người chơi mai “bất đắc dĩ” ở Đà Nẵng. Nói thế bởi ông tìm đến thú chơi cây cảnh nói chung, mai Tết nói riêng không phải như một nghề dễ “hái ra tiền” mà là một phương thuốc lấy lại thăng bằng cho sức khỏe của mình sau cơn tai biến gần 10 năm trước. Qua cơn nguy kịch lần đó, từ thầy thuốc đến bạn bè, và ngay cả con cái cũng khuyên ông sớm chiều bầu bạn với cỏ cây, hoa lá, gần lại thiên nhiên để được dung dưỡng từ đất trời những tinh ba tú khí.

Từng lăn lộn chiến trường, ông về mở doanh nghiệp, tham gia Hội Doanh nhân cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng họ Đặng Việt Nam... Chừng đó chức danh cũng đủ để ông đi nhiều nơi, học hỏi nhiều điều. Trong lĩnh vực cây cảnh, ông học từ bạn bè, sách vở, “chơi cho vui, chứ chẳng biết làm chi”. Năm đầu tiên kỹ thuật chưa vững, kinh nghiệm còn non, đợt mai Tết chỉ lèo tèo vài bông, nói chung là không đạt. Dần dà ông “lên tay”, cho dù thời tiết có “đỏng đảnh” đến mấy.

Ông có 3 vườn cây cảnh “Đặng Gia viên” với tổng giá trị tầm 10 tỷ đồng, một ở đường Lê Thanh Nghị, hai ở đường Phạm Hùng với hơn 200 cây các loại, trong đó có 60 cây mai thuộc loại tầm cỡ. Cây mai đắt nhất ông cho giá tới 400 triệu đồng, vừa rồi có người đến trả 260 triệu đồng, ông cười: “Bán chi được anh, chừng đó chỉ mới cái cây thôi, còn cái công tui bỏ vô đó chưa có”. Năm 2019, ông bán được cây mai giá 150 triệu đồng cho một doanh nhân mua về nhà chưng Tết.

Trong vườn đường Phạm Hùng, ông có cây mai vàng hôm 10 tháng Chạp đã nở bông khoảng 10%, ông bấm đốt tay, nói đến sau rằm tháng Giêng vẫn còn hoa nở trên cành. Loại mai này nếu chăm đúng cách sẽ cho bông hơn tháng, từ bông 1 đến bông 3 - tiếng trong nghề chỉ bông nở từ đợt 1 đến đợt 3. Một số cây mai trong vườn của ông nở bông hơi sớm, do thời tiết năm nay quá thất thường, các tay chơi mai Tết không biết thế nào mà lường.

Ông hướng dẫn cho anh phụ việc tưới nước trong vườn, rồi quay qua nói với tôi: “Thường thì mai lá đỏ, tức hồng diệp mai, lặt lá 30 ngày trước Tết. Mai ta, tức mai lá xanh, thanh diệp mai, lặt lá 45 ngày. Năm ni biến đổi khí hậu nên rất khó dự đoán. Anh mô lặt lá 45 ngày trước Tết theo kinh nghiệm lâu nay là “bể” hết. Anh mô lặt lá 30 ngày thì “ok”. Hè rồi có sương muối, lại thêm nước thủy cục nhiễm mặn, trồng mai mà không để ý đến mấy cái trên trời rơi xuống như rứa thì còn chi là mai là mốt!”. “Nuôi” mai cả năm trời mà chơi có mỗi cái Tết. Nếu không am hiểu thời tiết, không dày dặn kinh nghiệm thì Tết cũng không có mai mà chơi!

Mai nở đúng Tết luôn có giá. Thế nhưng, có nơi lại lùng mua mai nở hoa từ 20 tháng Chạp. Ông Phùng Tấn Linh, một người chuyên chăm mai Tết ở tổ 16 phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) kể rằng, mấy năm trước ông vừa bán, vừa cho thuê một số chậu mai cho Sân bay quốc tế Đà Nẵng, họ chỉ chọn toàn mai nở tầm 20 tháng Chạp trở đi. Lý do thật đơn giản: Từ hạ tuần tháng Chạp, dọc các tuyến đường chính trong sân bay phải có sắc vàng của hoa mai để khách đến và đi đều cảm nhận được không khí Tết của đất nước đang đến dần.

Nhờ dịch vụ “Tết sớm” này ông được nhiều người biết tiếng tìm đến, phần mua mai, phần nhờ chăm sóc mai sau Tết. Hơn 20 năm chuyên nhận chăm mai, năm nhiều nhất lên đến 200 cây, ông hiện có 100 chậu mai, trong đó một nửa của ông, một nửa khách gửi. “Nhiều người kỹ thuật, kinh nghiệm đầy mình nhưng không biết “có số” hay răng mà ít người có mai đúng Tết. Chơi mai giống như đi câu, có bữa đầy bầu, có bữa tay trắng”, ông Linh thủng thẳng.

Thường thì người chơi mai nhắm tiết trời đêm Noel hằng năm mà suy đoán. Noel năm nay trời không lạnh, dân chơi mai nắm chắc phần thua. Trước đó, nắng nóng dài ngày nên bọ trĩ phát triển vô thiên lủng, anh nào lơ mơ là mai suy ngay.

Loài sâu hại rất nhỏ màu trắng này chỉ nhìn thấy rõ nhất nhờ kính lúp, nhiều lúc chúng bu bám làm cháy lá non mà không phát hiện được.

Nhắc đến bọ trĩ, ông Linh kể, một anh công tác ở một cơ quan báo chí điện thoại nói có chậu mai bị “suy nhược”, qua mô tả, ông nghi có thể bị bọ trĩ tấn công. Đến khi tới nhà anh này dưới phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu), ông “bắt mạch” và biết ngay cây mai bị tưới nước thủy cục nhiễm mặn hè rồi. Ông cắt ngay những cành khô không đâm đọt non, cho thuốc, bón phân, tưới nước. Giờ thì chậu mai đã qua “cơn nguy kịch”, sức yếu quá nên chỉ cho đúng... 2 nụ hoa cho Tết này!

Có năm người trồng mai lao đao vì trời lạnh mai nở chậm, nhưng cũng có năm lại đứng ngồi không yên vì nắng nóng mai “bung vỏ trấu” quá nhanh. Ông Phùng Thanh Hồng, hàng xóm với ông Linh, sáng 10 tháng Chạp vừa rồi ra xem 3 cây mai của mình, 2 cây đã lấm tấm hoa, cây còn lại hy vọng đúng Tết. Đó là ông đã lui thời gian lặt lá lại 5 ngày mà cây vẫn ra hoa sớm. Trời tháng Chạp im vậy đó, nhưng chỉ cần nhích lên chút nắng là mai lá xanh, lá đỏ rủ nhau bung hoa hết.

Trong vườn mai ông Linh sáng hôm đó, một anh đứng nhìn cây mai cúc - loại mai cho hoa xếp thành nhiều tầng như hoa cúc - có hoa vàng rực từ ngọn tới gốc, giọng buồn buồn pha chút hài hước: “Phải chi bữa ni là 30 Tết thì cây mai ni hốt bạc”.

Rục rịch từ sau rằm tháng Chạp, khách gần xa bắt đầu lui tới các vườn mai. Ông Linh cho tưới thật nhiều nước để tăng độ lạnh, kéo lùi thời gian nở hoa được ngày nào hay ngày đó.

Ông Hường chuẩn bị đón khách chơi mai từ Huế vô giao lưu. Ông ban đầu trồng mai để chơi, không bán, riết hồi nhìn mãi một tác phẩm cho dù có độc đáo đến mấy cũng nhàm chán, đành phải giao lưu, thay cây mới. Ngoài mai, ông có nhiều loại cây “độc” khác, vừa cho phong phú loại hình, vừa làm “của để dành” cho khách nào muốn trao đổi tác phẩm. Lộc vừng, tùng La Hán, xơ ri, sanh, nhãn, nguyệt quế, ổi... thiên nhiên được đưa vào chậu, tuy mỗi cây một vẻ nhưng tất cả toát lên thần thái, tư tưởng của người chơi. Cây lộc vừng hơn 10 năm tuổi, ông cho vô chậu bonsai, cao 50cm mà ra hoa chi chít...

Ông dừng lại bên cây mai nở sớm, ao ước trời làm một bữa lạnh, chừng đó cũng đủ kéo lùi hoa nở được 5 ngày...

Viên Phúc Quân

.