Đà Nẵng cuối tuần

Thương vị lá Tết

08:13, 19/01/2020 (GMT+7)

Tết có nhiều thứ để người ta lưu luyến, nhớ về; trong đó, mùi hương của các loại lá quê góp phần làm nên linh hồn của Tết.

Bà Lệ bảo, chợ vui nhất vào những ngày Tết, và bà cũng bán lẻ được nhất vào những ngày này.
Bà Lệ bảo, chợ vui nhất vào những ngày Tết, và bà cũng bán lẻ được nhất vào những ngày này.

Thương hương lá xông chiều cuối năm

Những ngày giáp Tết, trong muôn vàn những thứ cần mua, bao giờ mẹ tôi cũng nhẩm đi nhắc lại: “Phải nhớ đi mua mớ lá xông kẻo quên”. Với mẹ, mớ lá lộn xộn gồm lá bưởi, ổi, sả, chanh… để làm nên nồi lá xông cho bọn trẻ tắm vào chiều 30 Tết cực kỳ quan trọng. Mẹ bảo, tắm bằng nồi nước lá này vào ngày cuối năm là để xua tan những chuyện không vui, những điều không may mắn của năm cũ, từ đó sẵn sàng đón nhận niềm vui trong năm mới.

Ngày còn nhỏ, chị em tôi chưa hiểu lắm những tâm tư gửi gắm của mẹ. Có điều, đến khi nồi nước xông được nhấc xuống, mẹ mở nắp vung, đổ đầy cho chúng tôi một chậu nước lá ấm sực, cảm giác thật ấm áp và dễ chịu. Tắm xong, cả nhà phảng phất hương thơm đến vài ba ngày Tết mới bay hết mùi. Tóc, người cứ thơm thơm, chị em tôi vùi đầu vào nhau hít hà mái tóc vốn ngày thường nhiều mùi nắng.

Những kỷ niệm ngày còn ở với mẹ cha vẫn theo tôi cho đến khi lấy chồng, ra riêng. Học theo mẹ, năm nào tôi cũng ghé quầy thuốc nam quen thuộc ở chợ Hàng Heo mua mớ lá xông. Tiệm thuốc nam Dũng Xuân bao năm vẫn thế. Những ngày giáp Tết, khách hàng vào ra liên tục; 2, 3 người đứng bán không xuể.

Món hàng đắt nhất vẫn là lá xông, rồi đến các loại trà hoa. Chị Bùi Thị Cúc (trú đường Hải Phòng, quận Thanh Khê) nói: “Tết nhứt tất bật khiến người nội trợ có thể quên mua món này món kia nhưng lá xông nhà, lá tắm là không bao giờ quên. Tm gội bằng mớ lá chanh, ổi, sả… thấy đầu óc thông thoáng, toàn thân được thư giãn, thả lỏng sau những ngày tất tưởi chuẩn bị cho Tết”.

Đứng cạnh đó, bà Trần Thị Mười (60 tuổi, trú đường Lý Thái Tổ) góp lời: “Nói thiệt bây chừ Tết nhứt người ta cũng giản lược nhiều rồi, nhưng phong tục tắm tất niên bằng các loại lá vẫn được giữ gìn. Buổi chiều cuối năm mà bưng lên nồi nước xông là thấy nhà cửa ấm áp hẳn. Tự nhiên thấy lòng mình cũng thanh thản, nhẹ nhàng. Lúc nớ là thấy hạnh phúc nhất với Tết”.

Bên cạnh các loại lá xông, các loại lá uống như lá vối, lá chè vàng, atiso, các loại trà như trà hoa lài, hoa cúc, hoa hòe cũng bán rất chạy ngày Tết. Chị Thanh Tùng (tiệm thuốc nam Dũng Xuân) cho hay, năm nào cũng vậy, từ khoảng 20 Tết trở đi là quầy hàng nhà chị tấp nập khách. Người ta “nhớ gì mua nấy” từ các loại trà đến mấy thang thuốc bắc bồi bổ ngày Tết. Từ 27 đến 29 Tết là rộn ràng với các loại lá xông nhà, lá tắm.

“Trong Đông y, khi các loại lá xông kết hợp sẽ sinh ra tính ấm, không độc, có tác dụng tiêu thực, chống mệt mỏi, lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh, phục hồi sức khỏe. Có lẽ, cũng vì tác dụng như một vị thuốc dân gian, lại thêm hương thơm tinh khiết, nhẹ nhàng, có thể lưu giữ lâu nên bao đời nay, người Việt dùng các loại cây lá thuốc nam để xông nhà cửa, tắm gội vào chiều cuối năm”, chị Tùng nói.

Lá dong, lá chuối kết nối vị Tết xưa

Bánh chưng, bánh tét là vật phẩm ăn Tết có truyền thống ngàn đời của dân tộc. Vì vậy, trong cái Tết của người Việt không thể thiếu bánh chưng, bánh tét thì cũng đồng nghĩa với việc không thể thiếu lá dong, lá chuối trong các phiên chợ cuối năm.

Ở Đà Nẵng, những ngày giáp Tết, hầu như chợ nào cũng bán lá dong, lá chuối. Những tấm lá xanh mơn mởn cùng màu trắng ngà của dây lạt trở thành một nét chân quê, điểm xuyết nét đẹp cho các chợ nơi phố thị.

Được mệnh danh là khu chợ quê kiểng nằm giữa lòng thành phố, chợ Hàng Heo hẳn là một trong những “đầu mối” cung cấp lá chuối, lá dong bỏ sỉ cho các chợ lớn nhỏ hoặc các lò nấu bánh. Nếu như những chiếc lá dong dùng để gói bánh chưng thì lá chuối được dùng để gói bánh tét, bánh nậm, bánh gói, bánh ít, bánh lọc, chả…

Theo những người bán lá chuối ở chợ Hàng Heo, lá ngon nhất là lá ở các vùng quê của tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là địa phương cung cấp chủ đạo lá chuối cho Đà Nẵng. Chuối có nhiều loại nhưng chỉ có lá từ cây chuối sứ và chuối hột mới dùng để gói bánh.

Mua mớ lá xông chiều cuối năm là nét đẹp trong đón Tết của người Việt.
Mua mớ lá xông chiều cuối năm là nét đẹp trong đón Tết của người Việt.

Bởi lẽ, lá của các loại chuối khác gói bánh sẽ giòn, dễ rách, khi nấu nước dễ thấm vào, ăn bánh thường có vị hơi chát, màu bánh hơi đỏ không đẹp mắt. Những người bán lá và cả những người mua lá nhiều kinh nghiệm nhìn màu lá, độ dày của thớ lá có thể biết loại nào, trồng ở đâu.

Ngồi ngay đầu chợ Hàng Heo, bà Ngô Thị Lệ (người xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đã có hơn 30 năm bán lá chuối tại đây cho biết, từ sau rằm tháng Chạp trở đi, khách mua đa phần là các lò bánh chưng, chả. Từ khoảng 25 tháng chạp, khi người dân bắt đầu được nghỉ Tết thì khách mua lẻ về gói bánh cho gia đình mới nhiều.

Thường họ chỉ nấu chừng mươi cái, phần để cúng, để ăn, phần đi biếu thơm thảo họ hàng. Khách lẻ mua từ 2-3 ký lá. Có những ngày khách đông tới nỗi bà hết cân lại gói đến mỏi nhừ cả tay. Những ngày đó, lượng lá bán ra có khi lên đến 600-700 ký/ngày. “Người người cứ thế tấp xe vào lựa lá, lựa dây, thiệt đúng là vui như Tết”, bà Lệ cười nói.

Trong khi đó, ở góc đường Hải Phòng-Ông Ích Khiêm, nhiều năm nay đã tồn tại phiên chợ lá dong, lá chuối chỉ hội họp vào dịp Tết cổ truyền. Phiên chợ đặc biệt này mở từ sau 23 và khép lại vào trưa 29 tháng Chạp. Kéo dài chưa đến mươi ngày nhưng phiên chợ lá nhộn nhịp từ sáng đến trưa.

Bà Thúy, 50 tuổi, đã có 30 năm bán lá ở khu vực này cho biết, bà là hộ duy nhất ở đây bán lá quanh năm chứ không riêng dịp Tết. Ngày thường bà bán lá chuối cho các cơ sở bánh nậm, ít, bột lọc; riêng ngày Tết, bà bán thêm lá dong và sợi lạt.

Lá dong được bán theo bó, trung bình 50.000 đồng/bó. Lá chuối thì cân ký. Lá to đẹp bán 10.000 đồng/ký, lá xấu hơn chỉ 7.000 đồng/ký. Sau 23 tháng Chạp là những người ở quê đổ về thành phố bán lá rất nhiều. Ai nấy đều bán đến trưa 29 thì vãn chợ. Riêng lá dong chỉ bán đến 28 thôi vì sau đó cũng không còn ai mua gói bánh nữa.

Bà Trần Thị Xuyên (54 tuổi, trú đường Phạm Cự Lượng, quận Sơn Trà) chia sẻ, năm nào mấy chị em nhà bà cũng tề tựu đông đủ nấu bánh chưng. Thực tế, việc mua lá, nếp, thịt, củi… rồi thức đêm để gói, canh nồi bánh vất vả và tốn kém hơn mua bánh làm sẵn.

Dù vậy, người lớn trong nhà cho rằng, việc gói bánh, nấu bánh tại nhà là cơ hội để con cháu sum vầy. Trong năm tụi nhỏ đứa đi học, đứa đi làm, dễ gì tụ tập đông đủ. Hơn nữa, việc gói bánh chưng, bánh tét còn truyền lại cho tụi nhỏ văn hóa Tết Việt. Nồi bánh chính vì thế mà giữ được không khí Tết.

Quỳnh Trang

.