Du lịch Đà Nẵng ứng phó với Covid - 19

.

Trong những ngày đầu năm mới, khi mà Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), lần lượt các đường bay từ các địa phương của Trung Quốc đi và đến đã tạm ngừng cất cánh. Điều này đã khiến nhiều quốc gia, địa phương bị ảnh hưởng, trong đó có Đà Nẵng, Việt Nam.

Du khách tham quan Di tích thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Ảnh: THU HÀ
Du khách tham quan Di tích thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Ảnh: THU HÀ

Hầu như các đường bay đến từ Trung Quốc bị ngừng ngay lập tức, tiếp sau đó là các đường bay trực tiếp từ Hong Kong, Ma Cao, Singapore cũng bắt đầu ngừng vì dịch bệnh lan rộng qua các quốc gia khác. Trong vòng một tuần sau thì các đường bay Hàn Quốc, Nhật Bản cũng sụt giảm do du khách lo sợ và ngại đi du lịch trong mùa dịch.

Nguồn khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng đang giảm mạnh. Lãnh đạo thành phố và các cấp, các ngành vừa quyết liệt phòng chống Covid-19, vừa tìm các biện pháp hỗ trợ cho ngành du lịch của thành phố phục hồi.

Du lịch Đà Nẵng trước và sau Covid-19

Trước khi Covid-19 xảy ra, theo các con số thống kê từ Sở Du lịch Đà Nẵng, số lượng phòng lưu trú trống còn rất lớn. Hai nguồn khách từ Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm thị phần khá cao so với các quốc tịch khác, đã cho thấy sự mất cân đối trong tỷ trọng khách du lịch và tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra trong môi trường thế giới có nhiều biến động như hiện nay.

Thông thường, dịp Tết Nguyên đán là mùa bội thu của các điểm du lịch tại các nước đón các dòng khách du lịch nghỉ Tết đến từ Trung Hoa. Đó là dòng khách nói tiếng Trung từ các quốc gia  và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Hồng Kông, Đài Loan, Macao (Trung Quốc)... Theo ghi nhận đến thời điểm này, hầu hết các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch Trung Quốc, Hong Kong, Macao, Đài Loan tại Đà Nẵng đều giảm, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch cho khách Hàn Quốc và các dòng khách khác cũng giảm. Nếu tình hình này kéo dài, dự báo các thị trường khách khác cũng sẽ giảm mạnh vào tháng 3 và 4-2020.  

Giải pháp nào cho du lịch trong tương lai

Hiện nay, nhiều chương trình hành động quốc gia và địa phương triển khai quyết liệt để xử lý khủng hoảng, trấn an du khách, ổn định tình hình, kiểm soát và dập dịch. Tuy nhiên, để khôi phục tình hình hoạt động du lịch trong tương lai, cần xây dựng các giải pháp ngắn hạn và dài hạn trong thời gian đến.

Bên cạnh các giải pháp ngắn hạn như kích cầu du lịch nội địa, miễn visa rộng rãi cho nhiều quốc tịch tiềm năng, cần có các giải pháp dài hạn như cần kiến tạo sản phẩm du lịch mới, phù hợp với các thị trường mục tiêu trong thời gian đến.

Lâu nay chúng ta cứ mải miết đi xúc tiến thị trường mà quên mất xây dựng sản phẩm dịch vụ. Cái cần là xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù cho từng thị trường thay vì đưa họ đến sử dụng những cái đã có mà không biết có phù hợp với khách hay không.

Đơn cử, muốn thu hút thị trường khách Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, điều kiện cơ bản là phải phát triển hệ thống nhà hàng Muslim, Halal, phòng cầu nguyện tại các sân bay, nơi công cộng hoặc hệ thống khách sạn; đẩy mạnh thu hút khách tàu biển (vài nghìn khách/ngày) bên cạnh phát triển hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các điểm tham quan.

Muốn thu hút khách Nhật Bản thì cần tư vấn, chia sẻ, khuyến cáo cho các cơ sở lưu trú về hệ thống nước nóng phải bảo đảm lớn, nhiều, bồn tắm nằm, bảo đảm cho sinh hoạt của người Nhật tại khách sạn. Tương lai, nếu muốn thu hút nguồn khách từ Trung Đông, một thị trường đặc thù và có nhiều yêu cầu đặc biệt khác thì cần tìm hiểu kỹ thói quen, tâm lý và chuẩn bị đồng bộ.

Song song với đó, cần nới rộng không gian du lịch ra các vùng nông thôn, phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, farmstay, khôi phục các làng nghề truyền thống đưa vào phục vụ khách du lịch. Các vùng Cẩm Lệ, Hòa Vang của thành phố Đà Nẵng còn rất nhiều tài nguyên, dư địa để phát triển các hệ sinh thái du lịch bền vững, phong phú phục vụ cho khách chi tiêu cao, thu hút nhiều đối tượng khách trong và ngoài nước, kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại Đà Nẵng.

Đa dạng hóa thị trường, phát triển các đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng tại các nước tiềm năng, chi tiêu cao, tốc độ phát triển nguồn khách du lịch lớn và nhanh thì mới lấp đầy 50% công suất phòng dư thừa còn lại của khối lưu trú như hiện nay.

Nâng cấp sân bay, xây mới thêm nhà ga quốc tế trong tương lai để thu hút nhiều nguồn khách mới vào Đà Nẵng. Khuyến khích Cục Hàng không cấp phép bay cho các hãng hàng không có thị trường du lịch phát triển tiềm năng, chi tiêu cao, ổn định. Miễn phí visa cho nhiều thị trường khách lớn như Ấn Độ, châu Âu, Úc.

Ngoài ra, cần áp dụng công nghệ cao vào dự báo nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại thành phố để các nhà sử dụng lao động dự đoán được nhu cầu nhân lực, có những đánh giá và nắm bắt tốt nhu cầu lao động trong ngành du lịch tại địa phương; khuyến cáo các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường du lịch cần có tránh nhiệm với điểm đến, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực du lịch bền vững, bảo vệ môi trường; phải xác định, mỗi công trình xây dựng mới là một tác phẩm nghệ thuật đẹp, để làm đô thị thêm xinh đẹp và thông minh hơn…

Theo thống kê từ Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2019, tổng cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố là 943 khách sạn, với 40.074 phòng.

Trong đó, các cơ sở lưu trú phân khúc dưới 3 sao, đặc biệt là phân khúc khách sạn 2 sao có số lượng lớn nhất, với hơn 800 khách sạn 1-3 sao hoặc tương đương. Trong khi đó, khách sạn 4-5 sao chỉ có 89 cơ sở hoặc tương đương. Năm 2019, công suất sử dụng phòng lưu trú dưới 3 sao chỉ đạt 50%, tương đương cùng kỳ năm 2018; riêng khối lưu trú 4-5 sao đạt 60%.

Thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng đa số là Hàn Quốc và Trung Quốc, chiếm hơn 70%  trong tổng nguồn khách đến, các thị trường mới nổi tiếp theo đứng thứ 3 trong 2 năm gần đây là Thái Lan chiếm 6,11%, Mỹ 2,73%, Đài Loan 2,22%, Úc 1,34%,...

PGS.TS Lê Văn Huy - Nguyễn Sơn Thủy

;
;
.
.
.
.
.