Học trực tuyến: Được nhưng chưa đủ

.

Thông qua mạng internet để học trực tuyến hoặc tải các bài tập để ôn tập trong thời gian nghỉ học phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra được xem là giải pháp kịp thời giúp học sinh không quên kiến thức. Nhưng có một câu chuyện khác phía sau phương pháp học này là không phải học sinh nào cũng có thể tự học, đó là chưa kể học sinh ở các miền quê nghèo, địa hình hiểm trở không thể có được chiếc máy tính để học bài…

Những ngày này, khi Covid-19 diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan rất lớn thì câu chuyện học hành của con cái trong kỳ nghỉ kéo dài trở thành đề tài “nóng” ở khắp nơi. Giáo viên không được nghỉ giống như kỳ nghỉ hè chính thức thường niên. Thay vào đó, họ đến trường để xây dựng bài giảng qua video hoặc thông qua các ứng dụng vnEduTeacher và vnEduConnect (VNPT), ViettelStudy (Viettel), vioedu (FPT) nhằm tải bài tập hỗ trợ cho học sinh ôn ở nhà đối với cấp tiểu học. Giáo viên cũng sẵn sàng hỗ trợ xem lại bài hoặc giải đáp những thắc mắc trong quá trình ôn tập của học sinh và phụ huynh. Ở các cấp học cao hơn, vài trường đại học đã bắt tay vào việc dạy trực tuyến, thậm chí có điểm danh. Mối liên hệ giữa nhà trường - phụ huynh và học sinh được thắt chặt hơn bao giờ hết thông qua các kênh như: Zalo, Facebook, SMS…

Không thể phủ nhận sự hỗ trợ của hình thức học tập này. Tuy nhiên, thực tế xác suất của phương pháp học trên lại cho ra nhiều kết quả khác nhau. Sẽ rất tốt cho những học sinh có tính tự giác, tự kiểm soát được thời gian học tập của mình khi ngồi trước chiếc máy tính được nối mạng internet với rất nhiều trò chơi hấp dẫn lôi kéo. Đó là chưa kể ở các cấp học nhỏ, một bộ phận phụ huynh bận rộn với công việc, không có thời gian cùng con ngồi trước máy tính học, ôn bài. Hẳn nhiên sẽ có đôi chút lo lắng nhưng không còn giải pháp tốt hơn.

Dạy học trực tuyến ở một góc độ nào đó không thể sánh bằng việc giáo viên giảng dạy trực tiếp, bởi bài học trực tuyến áp dụng cho tất cả học sinh trong khi trình độ và khả năng tiếp nhận của mỗi em khác nhau. Điều này ở lớp, giáo viên chính là người hiểu rõ từng em và có phương pháp giảng phù hợp để học sinh tiếp nhận, bảo đảm chất lượng học tập được đồng đều.

Nhìn xa hơn một chút, dễ thấy rằng những em nhà nghèo hoặc ở các trường miền núi cách trở, khi mà với gia đình các em, cuộc mưu sinh đã quá nặng nhọc, việc sắm được chiếc máy tính hay điện thoại thông minh là điều xa xỉ, sóng internet không thể phủ đến nơi… thì học hay ôn tập trực tuyến trở nên khái niệm mơ hồ. Thiết nghĩ, góc khuất này chiếm phần không nhỏ trong tổng số học sinh đang được đến trường.

Nhiều người làm công tác quản lý giáo dục nói rằng, trong kỳ nghỉ, nếu phụ huynh hỗ trợ và học sinh tự giác thì giáo viên đỡ vất vả hơn khi học sinh trở lại trường sau đó. Đến lúc việc học trở lại bình thường, các tổ bộ môn sẽ thực hiện kế hoạch giảng dạy đầy đủ chương trình theo sách giáo khoa mà không bỏ qua bài nào, vẫn bảo đảm số lượng 34 tuần/năm học và chất lượng học tập của học sinh được đánh giá một cách chính xác. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, để ứng phó với tình hình dịch bệnh, ngành giáo dục sẽ xem xét, đề xuất lùi mốc thời gian năm học cho phù hợp, bảo đảm chương trình học.

Hiểu được điều đó để thấy an tâm hơn. Nên chăng, cùng với việc ôn tập, học bài thông qua các phương tiện công nghệ thông tin (nếu đủ điều kiện), thay vì lo lắng con quên kiến thức vì kỳ nghỉ kéo dài, mỗi phụ huynh có thể hướng dẫn học sinh đọc sách, cùng bố mẹ làm việc nhà, sáng tạo các món ăn… như một cách rèn luyện kỹ năng sống. Đó cũng là một cách học!

Phan Vĩnh Yên

;
;
.
.
.
.
.