Lo lắng dịch bệnh do virus Corona tại Olympic Tokyo

.

Còn gần 6 tháng nữa sẽ diễn ra Olympic tại Tokyo (Nhật Bản) nhưng chừng ấy thời gian khiến các nhà tổ chức lo lắng về khả năng Thế vận hội sẽ phải trì hoãn vì dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (nCoV) đang lây lan từ Trung Quốc.

Du khách chụp ảnh trước biểu tượng Olympic ở Tokyo.
Du khách chụp ảnh trước biểu tượng Olympic ở Tokyo.

Câu hỏi trên website Buzzap “Olympic Tokyo có phải hoãn lại không vì Corona?” làm cho thị trưởng Tokyo, Yuriko Koike băn khoăn bởi vì người Nhật Bản đang rất lạc quan về giải đấu này với lượng khán giả lớn. Quá nhiều câu hỏi được đặt ra. Khán giả sẽ ngồi sát nhau trong sân vận động như bình thường? Cảm giác như thế nào khi khán đài toàn người đeo khẩu trang? Liệu có tiếp đón khán giả từ Trung Quốc? “Chỉ còn hơn 170 ngày nữa sẽ tới ngày khai mạc Olympic, trong lúc công tác chuẩn bị đang diễn ra rất tốt. Chúng ta phải làm hết sức để ngăn chặn dịch bệnh do nCoV bởi không muốn phải đo thân nhiệt tất cả vận động viên và khán giả”, Thị trưởng Yuriko Koike nói.

Dịch bệnh do nCoV được cho là hao hao giống dịch SARS hồi năm 2002 và 2003. Khi đó phải mất tới 6 tháng để tìm ra thuốc điều trị. Số lượng người nhiễm nCoV đã vượt qua con số 28.276 người mắc (số liệu được cập nhật lúc 10 giờ ngày 6-2-2020, giờ Việt Nam), tức nhiều hơn tổng số bệnh nhân dịch SARS trước đây, trong khi thời gian còn chưa đầy 6 tháng. Hy vọng lớn nhất cho Olympic Tokyo là các loại virus cúm thường không sống nổi trong điều kiện thời tiết nắng nóng như tháng 7 ở thủ đô Nhật Bản. Chuyên gia về SARS, Yuen Kwok-yung thuộc đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho biết virus hô hấp chết đi khi nhiệt độ môi trường cao. Nhật Bản xác nhận có 20 trường hợp nhiễm virus, phần lớn là du khách từ Vũ Hán (Trung Quốc).

Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe phát biểu với Quốc hội rằng chính phủ đã nâng mức tư vấn du lịch với Trung Quốc lên mức độ 2, khuyến cáo công dân tránh tới Trung Quốc nếu không cần thiết và nhất là tỉnh Hồ Bắc. Tình hình ở Trung Quốc có vẻ căng thẳng khi mà các sự kiện thể thao tại nước này đành phải tạm dừng. Vòng loại Olympic với môn bóng rổ và bóng đá dự kiến diễn ra tại Trung Quốc trong tháng 2 này đã phải chuyển qua Serbia và Úc. Một giải đấu quyền Anh khu vực châu Á - châu Đại Dương diễn ra tại Vũ Hán đã chuyển tới Jordan. Giải vô địch điền kinh thế giới ở Nam Kinh vào tháng 3 tới được hoãn lại 1 năm sau…

Lịch sử Olympic chưa từng phải tạm dừng hay hoãn vì dịch bệnh. Olympic Rio 2016 từng lo lắng về Zika nhưng không hề có trường hợp nào dính bệnh. Có 200 người nhiễm virus Noro tại Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 nhưng chủ yếu là nhân viên an ninh và nhân viên của Olympic cùng hai vận động viên trượt tuyết người Thụy Sỹ. Virus cúm lớn làm lu mờ Thế vận hội mùa đông Vancouver 2010 nhưng không làm gián đoạn Olympic này.

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho biết các biện pháp chống nhiễm trùng là một phần quan trọng trong các chế phẩm của Tokyo. Thành phố đăng cai hợp tác với tất cả các tổ chức liên quan, theo dõi chặt chẽ mọi trường hợp mắc bệnh để điều trị. Giáo sư Koji Wada, chuyên về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Y tế và Phúc lợi quốc tế ở Tokyo, đồng tác giả một bài báo hồi năm 2018 về rủi ro sức khỏe cho dòng khách tham dự Olympic Tokyo 2020, nhận định không đủ thời gian để phát triển một loại vaccine cho chủng nCoV nhưng các biện pháp phòng ngừa có thể thực hiện tốt nhằm tránh lây lan do dựa trên các phân tích về cách thức lây lan của loại virus này. Điều quan trọng là cần sự hợp tác của vận động viên và khán giả trong quá trình kiểm soát dịch bệnh.

Hiện tại, Ban tổ chức đã bán hơn 4,5 triệu vé cho người dân bản xứ thông qua vé số nhưng thực tế nhu cầu lên tới 80 triệu vé cho toàn Thế vận hội sắp tới.

TỊNH BẢO (theo Washington Post)

;
;
.
.
.
.
.