Mưu sinh trên phố

Nhọc nhằn… "vé số đây"

.

Chỉ ngồi uống một ly cà-phê ở vỉa hè dăm chục phút là đã có gần chục người bán vé số đến mời mua. Người đi bộ, người đi xe đạp, già có, trẻ có, phụ nữ, trung niên, thanh niên… Họ đến từ các tỉnh, thành khác nhau nhưng cứ nhìn nét mặt, dáng đi thì biết, phía sau những bước chân lang thang sớm hôm ấy, cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn biết chừng nào.

Ông Hùng bảo, ông ăn nói “có duyên” hơn từ ngày theo nghề vé số.
Ông Hùng bảo, ông ăn nói “có duyên” hơn từ ngày theo nghề vé số.

Trong gần chục người đến mời mọc mua vé số, tôi dành cái gật đầu cho chị Thảo. Ở người phụ nữ này có cách bán mua điềm đạm, chỉ mời một lần rồi đi, không chèo kéo, phiền lụy ai.

- Sao chị đi bán vé số?

- Không có học thì đi bán vé số chớ biết làm chi cô.

- Chị người Quảng Ngãi à?

- Ừ, người bán vé số toàn dân Quảng Ngãi thôi. Mang tiếng xa quê lam lũ nơi đất khách chớ toàn gặp người quen không à.

- Chồng con ở quê hết à chị?

- Ừ, ổng ở nhà nuôi bò, làm ruộng. 4 đứa nhỏ đi học. Đứa lớn chăm đứa nhỏ. Có công chuyện chi thì tui về. 1 năm về cũng 3, 4 lần…

- Sao chị không mời nhiệt tình thêm chút nữa? Thấy chị mới mời một lần, khách lắc đầu là chị đi…

- Tui không muốn làm họ khó chịu. Họ muốn thì đã mua, không muốn mà mình cứ nài ép, họ bực…
Chị Thảo (sinh năm 1975) tính ra là người mới trong “căn nhà vé số” (đường Lê Hữu Trác, quận Sơn Trà).

Chị ra Đà Nẵng theo người dì - đã bám trụ ở đất này ngót chục năm, cũng bằng nghề bán vé số. Hồi mới ra, chị đi bán cùng dì mấy tháng trời mới dám tách riêng. Vậy mà, có hôm, lạc giữa những con đường thảm nhựa, những tòa nhà cao tầng đóng cửa im ỉm đến 3 tiếng đồng hồ mới tìm được đường về nhà. Mấy người trong “căn nhà vé số” bảo chị Thảo giỏi đi, “lạ nước lạ cái” mà băng băng đi cả chục cây số mỗi ngày, đi qua trưa, đến tối mịt mới về. Nghe vậy, chị cười gượng: “4 đứa con đang tuổi học hành ở nhà biểu sao không đi?”.

Thôi tranh cãi ai trong căn nhà này là người đi nhiều nhất, chỉ thấy nơi kệ dép ở góc phòng, đôi dép nào cũng mòn vẹt. Chủ nhân của nó hẳn đã cày rạc chân mỗi ngày. Mấy người bảo, bán vé số là nghề dễ làm nhất. Không đòi hỏi bằng cấp, kỹ năng, vốn liếng gì cả. Chỉ cần chịu khó là được.

Chị Thảo nhẩm tính: Mỗi ngày nhận của đại lý 150 tờ. Bán hết thì “lời” được 150.000 đồng. Bán không hết thì trả lại. Tính ra, so với làm ruộng ở quê đỡ hơn nhiều. Vì tính vậy mà đàn ông, phụ nữ tuổi trung niên ở quê cứ lũ lượt kéo ra các thành phố lớn bán vé số. Sau mùa gặt, mùa đậu, mướp, cà, rau lại càng đông đảo. Họ tranh thủ lúc nông nhàn ra bán vài ba tháng rồi lại trở về. Vòng xoáy mưu sinh cứ tiếp diễn năm này qua tháng nọ.

Giữa âm thanh giọng Quảng trong quán cà-phê, thấp thoáng giọng rặt Bắc mời gọi. Trông người bán có vẻ rất quen, tôi hỏi: “Hình như chị bán ở khu vực này lâu lắm rồi phải không?

- Quen chứ sao không. Tôi bán ở đây từ hồi năm 1997 đến giờ.

- Hình như cả chồng chị cũng bán vé số?

- Ổng cũng bán nhưng không chuyên nghiệp như tôi. Ổng là phụ hồ nên khi nào có nhà thì ổng đi làm, khi nào hết công trình thì ổng lại đi bán. 2 năm nay ổng nghỉ hẳn, chuyển sang chạy Grab rồi.

- Vậy vợ chồng chị còn ở căn phòng thuê của đại lý không?

Đến đây thì chị hạ giọng thì thầm “khoe”: “Hai vợ chồng tôi có nhà rồi. Ông bà nội để lại. Nhà trên ngã ba Huế ấy”. Nói rồi, chị đưa ngón tay lên nhẩm đếm: “Tính đến nay là 6 tháng ở nhà mới. Có nhà riêng nên khí thế lắm. Tết vừa rồi mua cặp cúc về chưng. Chao ôi là mừng”. Chị tên Trần Thị Thắm (sinh năm 1973, quê ở vùng lúa Thái Bình).

Chị Thắm kể, chị theo người bà con vào Đà Nẵng từ năm 1990. Khi ấy, chị cũng phụ bán vé số, nhưng là bán tại bàn chứ không đi. Đến năm 1997, chị lấy chồng mới tách ra bán riêng, theo nghiệp vé số đến tận bây giờ. Xa mẹ, xa quê từ hồi tuổi còn con gái, thiếu bàn tay chăm sóc, những lời dạy bảo của mẹ dành cho con gái tuổi cập kê nhưng chị bảo, dường như cuộc đời tự dạy chị những điều hay lẽ phải.

Việc có được căn nhà khiến cuộc sống của chị Thắm khí thế hơn rất nhiều.
Việc có được căn nhà khiến cuộc sống của chị Thắm khí thế hơn rất nhiều.

Chị đưa ra “quy định” cho chồng, làm gì thì làm, đúng 3 năm 1 lần phải về thăm cố hương, thăm mẹ. Để có được những chuyến trở về ấy, chị chắt bóp từng đồng tiền lẻ, vuốt thẳng thớm, gói riêng vào một cái túi, dù cần đến mấy cũng không đụng vào. “Tôi không đặt nặng chuyện phải dành dụm đủ tiền để mua quà cáp về biếu họ hàng. Miễn đủ tiền cho chuyến xe về quê nhìn thấy mặt mẹ là tôi vui rồi.

Những chuyến trở về ấy là động lực để tôi sống tiếp, sống tốt nơi đất khách”, chị Thắm trầm giọng nói.
Tự nhiên thấy lòng rộn vui sau lời chia sẻ của một người xa lạ. Những lời nói có tình quá. Những người bán vé số ấy, được xem là người nghèo ở đô thị. Công việc kiếm sống của họ đầy nhọc nhằn, cả những đắng cay, rủi may. Nay, họ có nhà, có nơi ăn chốn ở ổn định, vui lắm chứ.

Mới đó mà đã đến 4 giờ chiều, xấp vé số trên tay ông Phan Thanh Hùng (sinh năm 1972, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) vẫn còn dày. Nét lo âu hiện rõ trên khuôn mặt người đàn ông vốn đã khắc khổ nay thêm nhàu nhĩ. Một người trong quán cà-phê gọi mua vé số, ông chạy đến thật nhanh, cuộc bán-mua diễn ra nhanh chóng rồi ông quày quả trở ra xe đạp, đạp quáng quàng đi trả số cho kịp giờ. Chiếc xe đạp liêu xiêu theo bước đạp vội vàng của chủ nhân. Ông Hùng bảo, hôm nay ông còn nhiều vé quá. Đến giờ trả số rồi mà còn đến 2 chục tờ.

Theo ông Hùng, cái nghề bán vé số tưởng “dễ ăn”, nhưng thực ra cũng cay cực lắm. Với chiếc xe đạp cà tàng, mỗi ngày ông phải chạy vòng vòng cả chục cây số. Ngày nắng thì da cháy sạm, mặt mày đen nhẻm, nhưng cực nhất là những ngày mưa gió dầm dề, ông vẫn phải khoác tấm áo mưa mỏng manh, rẽ màn mưa mà đi bán.

“Cực thì rất cực nhưng từ hồi đi bán vé số tui vui lắm. Thấy mình sống có ích. Từng đồng tiền lẻ chắt chiu thêm thắt vô cho vợ nuôi con. Tui vốn bị tim bẩm sinh. Từ nhỏ chừ không làm được việc nặng. Cách đây 13 năm, tui mổ tim. Từ hồi nớ chừ thì chọn nghề bán vé số ni. Hắn hợp với tui nhứt”, ông trải lòng.

Ông Hùng “may mắn” hơn những người bán vé số khác ở chỗ, ông là người gốc Đà Nẵng. Ông thông thạo đường đi lối lại ở thành phố này. May mắn hơn nữa là ông có căn nhà khá kiên cố do ba mẹ để lại làm nơi chốn ra vào. Mỗi ngày, ông ghé về nhà ăn bữa cơm trưa do vợ chuẩn bị rồi đến chiều mới đi bán lại. “Vậy là nhứt rồi hỉ”, ông cười xòa nói.

Không thể thống kê được số người bán vé số trên địa bàn thành phố, chỉ biết rằng, cứ ngồi uống cà-phê ở một quán vỉa hè thì cách vài phút lại có người đến mời mua. Những người bán vé số mà chúng tôi gặp, họ đều có chung hoàn cảnh khó khăn. Ai cũng hy vọng một ngày nào đó cuộc sống của mình sẽ tốt hơn. Số tiền kiếm được từ công việc bán vé số được họ chắt chiu với mong muốn có tiền lo cho con cái ăn học, lo thuốc thang tuổi xế chiều.

Quỳnh Trang

;
;
.
.
.
.
.