Nơi cái đẹp thăng hoa

.

Cứ mỗi lần Tết đến là các hội viên Hội Nghệ thuật hoa viên thành phố Đà Nẵng lại tung ra những tác phẩm tràn đầy hương sắc để làm đẹp mùa xuân cuộc đời. Đó là một bức tranh xuân được tạo nên bởi đa dạng về kiểu dáng và phong phú về sắc màu từ các bộ môn nghệ thuật.

Sộp cổ thụ, tác phẩm tiểu cảnh đoạt huy chương vàng tại Hội Hoa xuân Canh Tý 2020. Ảnh: V.T.L
Sộp cổ thụ, tác phẩm tiểu cảnh đoạt huy chương vàng tại Hội Hoa xuân Canh Tý 2020. Ảnh: V.T.L

Sáng mồng 2 Tết, trong số khách đến tham quan Hội Hoa xuân Canh Tý 2020 tại Công viên 29-3 có không ít người ghé lại xem các tác phẩm đoạt giải và trưng bày của các hội viên Hội Nghệ thuật hoa viên (NTHV) Đà Nẵng và các hội bạn. Nhiều người dừng chân trước tác phẩm Sộp cổ thụ (tác giả Lê Nguyễn Anh Tuấn, quận Hải Châu) thuộc thể loại tiểu cảnh lớn có dáng theo thế thác đổ. Nếu người lớn trầm trồ trước cổ thụ bám rễ và xòe tán trên ngọn đồi được tạo dáng bằng những tảng đá nhỏ nhắn thì trẻ con lại thích thú bởi những con giống mô tả cảnh thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh đứng chênh vênh bên những vực thẳm.

Nói về tác phẩm đoạt huy chương vàng này, ông Nguyễn Lương Bồn, Phó Chủ tịch Hội NTHV Đà Nẵng, cho biết cây sộp này trên trăm tuổi, có bộ rễ chắc chắn trải đều trên nền đồi, các chi (nhánh) được phân bổ đều với độ lớn giảm dần từ gốc lên đến ngọn. Tác giả đã phối tác phẩm lên đá cùng với con giống rất hài hòa, nội cái việc đi tìm và chọn đá để làm đế cũng đã là một kỳ công rồi. Ban giám khảo năm nay lấy làm tiếc một điều là tác phẩm này có một nhược điểm: tán bay (tiếng trong nghề, chỉ nhánh cuối cùng) còn mỏng quá, chưa đủ độ chín để có thể thoát ra ngoài tổng thể của tác phẩm.

Thường thì cây trong tiểu cảnh dự thi dễ đoạt giải hơn, chứ cây trồng trong chậu (dù chậu có đẹp đến mấy) cũng khó “ăn” giải. Thêm vào đó, cách đặt tên cũng góp phần làm cho tác phẩm dễ lọt vào “mắt xanh” của ban giám khảo. Ông Bồn đơn cử như năm nay có tiểu cảnh Một sáng mùa xuân gồm một cây cần thăng nghiêng mình trên sườn núi với đàn cò trắng đậu trên cành. Ban giám khảo đã chỉ ra lỗi đặt tên: Cò chỉ đậu vào buổi chiều, buổi sáng thì tung cánh bay đi kiếm mồi. Nếu đặt tên Chiều xuân thì tác phẩm này đã được cộng thêm 5 điểm và thứ hạng chắc chắc sẽ cao hơn chứ không phải huy chương Đồng.

Nghề chơi cũng lắm công phu, điều này không ai tranh cãi. Có điều, “công phu” ngày nay được hiểu là có điều kiện kinh tế. Trong các kỳ Hội Hoa xuân ở Đà Nẵng, phần lớn tác phẩm đoạt giải rơi vào các “tay chơi”, các nhà sưu tập ở quận Hải Châu. Vì sao? Ông Bồn lý giải rất đơn giản, vì họ mới có “đủ lực” để mua các tác phẩm thuộc loại “thượng thừa”. Nhìn rộng ra cả nước, các tác phẩm lừng danh trong lĩnh vực nghệ thuật hoa viên hay sinh vật cảnh hầu hết đều tập trung ở Hà Nội và Sài Gòn với cùng một lý do.

Ví như bộ môn Đá nghệ thuật (còn gọi là Đá kiểng, Đá cảnh), năm nay không có tác phẩm nào nổi bật. Hóa công đã bí mật để lại một ẩn ngữ vô thanh khi tạo lập ra đá, nhiệm vụ của người nghệ sĩ là phải chiêm nghiệm nó, giải mã nó bằng cái tâm chân thành của mình rồi đặt lên vị trí mà nó xứng đáng được hưởng. Năm nay huy chương vàng vào tay tác giả Nguyễn Anh Việt đến từ Tam Kỳ với tác phẩm Cá hóa long ở thể loại Đá thể hình. Huy chương bạc được trao cho tác phẩm Thưởng nguyệt của Lê Bảo (Quảng Nam) thể loại đá hoa văn. Nếu Cá hóa long gợi cho người xem về hình tượng một chú cá sắp sửa hóa thành rồng thì Thưởng nguyệt là những đường nét hoa văn có hình dáng một mặt trăng nổi trên nền đá trắng.

Đá nghệ thuật (gồm Đá thể hình và Đá hoa văn) là một trong 4 thể loại tham gia Hội Hoa xuân năm nay, cùng với Bonsai (lớn và vừa); Tiểu cảnh; Chim (vành khuyên và chào mào). Chủ tịch Hội NTHV Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quý, cho biết có một tác phẩm đá hoa văn ở Đà Nẵng đã vượt hàng nghìn cây số vào tham gia Hội Hoa xuân Canh Tý 2020 tại Công viên Tao Đàn (TP. Hồ Chí Minh) và vinh dự mang về huy chương vàng. Đó là tác phẩm Phi tiên (Tiên bay lên trời) của anh Võ Thanh Học, ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu.

Anh Học kể, hè năm 2019 anh cùng bạn chạy xe lên thôn Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Lên đến nơi cách Đà Nẵng 165km thì trời đã tối, cả hai ở lại nhà dân để sáng sớm hôm sau vào suối tìm đá cảnh. Mãi đến trưa vẫn chưa tìm thấy cục đá nào ưng ý, cả hai ngồi lại nghỉ trưa thì bất ngờ nhìn thấy một hang đá rất lớn. Học vô ý làm rơi một chiếc dép xuống hang nên mò mẫm đi xuống để nhặt, đến nơi anh thấy một hòn đá nằm trong hốc liền đem về. Sau khi lau chùi sạch sẽ thì anh phát hiện đây là một tác phẩm đẹp nhưng chưa biết đặt tên như thế nào.

Anh Trần Văn Phú, Chi hội trưởng Chi hội Đá nghệ thuật (Hội NTHV Đà Nẵng), gần như năm nào cũng được mời tham gia Ban giám khảo Hội Hoa xuân TP. Hồ Chí Minh tại Công viên Tao Đàn. Khi nhìn qua tác phẩm của anh Học, anh nhận định đây là loại đá hoa văn kết hợp giữa đá thạch anh và đá mác-ma (tiếng Anh: magma - đá núi lửa) tạo thành đá vân thạch như một bức tranh có hình ông tiên đứng trên rồng bay lên trời. Anh đặt tên là Phi tiên và gợi ý cho anh Học mang vào TP. Hồ Chí Minh dự thi. Tác phẩm đã làm ngạc nhiên ban giám khảo bởi đây là một hòn đá độc đáo thuộc loại “xưa nay hiếm” với hoa văn, đường nét rõ ràng. Giới sành đá kiểng ở Sài Gòn trả giá khá cao nhưng Học mang về, bởi anh tham gia cho biết, cho vui chứ không phải để kinh doanh. Anh chủ yếu trồng bonsai chứ không rành về đá, có tác phẩm nổi tiếng về đá chỉ nhờ được tổ đãi chứ mình không phải giỏi giang gì.

Theo quy định, những tác phẩm đoạt giải Hội Hoa xuân năm này thì phải cách một năm nữa mới được “tái xuất giang hồ”. Nếu ai đó bỏ tiền ra mua tác phẩm đoạt giải ở các nơi về cũng chỉ được tham gia trưng bày, muốn dự thi thì cũng phải cách một năm sau nữa. Phi tiên của anh Học cũng không ngoài quy định đó.

Nhìn chung, những tác phẩm đoạt giải ở các Hội Hoa viên Đà Nẵng hằng năm có khi không là gì cả so với một số tác phẩm của ai đó chỉ để trưng bày ở nhà riêng. Mùa Xuân là ngày hội của cái Đẹp, ở đây là sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người; anh hay, anh giỏi, anh có tác phẩm quá đỉnh nhưng không chịu đưa ra trưng bày cho công chúng thưởng lãm thì kể ra làm gì!

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.