Phòng, chống dịch bệnh do nCoV: Những việc cần làm

.

Kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên bị sốt khi nhập cảnh Đà Nẵng (ngày 13-1), đến nay, ngành y tế thành phố đã tiếp nhận hơn 100 người nghi nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona  (nCoV) gây ra. Điều may mắn đối với Đà Nẵng là đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với nCoV. Tuy nhiên, cần hiểu rõ, đúng về bệnh này cũng như cách phòng, chống hiệu quả để ngăn chặn  nCoV lây lan trong cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trả lời báo chí trong buổi làm việc với ngành chức năng Đà Nẵng về công tác phòng, chống dịch do nCoV. Ảnh: P.C
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trả lời báo chí trong buổi làm việc với ngành chức năng Đà Nẵng về công tác phòng, chống dịch do nCoV. Ảnh: P.C

Hiểu đúng về chủng mới của virus Corona

Theo Bộ Y tế, nCoV là một loại virus đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người. Virus này được xác định trong một cuộc điều tra ổ dịch bắt nguồn từ khu chợ lớn chuyên bán hải sản và động vật ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Đây là chủng virus mới chưa được xác định trước đó, ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục.

Ở người, nCoV lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh và tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.

Ngay sau khi dịch bệnh bùng phát ở nhiều quốc gia và số người có dấu hiệu cảm, sốt, ho nhập viện ngày một tăng cao, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn, ban hành kế hoạch hành động. Lãnh đạo thành phố đề nghị các sở, ngành, địa phương cùng tập trung cao độ, sẵn sàng mọi phương án trong trường hợp xuất hiện dịch và có thể bùng phát dịch.

Du khách làm thủ tục và kiểm tra thân nhiệt tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: P.C
Du khách làm thủ tục và kiểm tra thân nhiệt tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: P.C

Tại cuộc họp diễn ra ngày 31-1, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh: “Thời điểm Đà Nẵng chưa ghi nhận dịch, đề nghị các đơn vị được phân công nhiệm vụ đẩy mạnh công tác chuẩn bị, tuyên truyền; đặc biệt là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ những thói quen hằng ngày”.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm do… dùng khẩu trang không đúng cách! “Điều đáng lo ngại nhất hiện nay chính là người người đổ xô đi mua khẩu trang để phòng bệnh nhưng lại chưa biết cách sử dụng. Nếu mang khẩu trang sai cách thì nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn, khi đó công tác phòng, chống dịch bệnh do nCoV sẽ càng khó khăn và vất vả hơn”, bà Yến cho biết.

Thay đổi thói quen để ngăn ngừa bệnh

Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - đơn vị tiếp nhận, thu dung những bệnh nhân sốt nghi nhiễm nCoV, sau khi số lượng bệnh nhân bị sốt nghi nhiễm nCoV nhập viện ngày càng nhiều, bệnh viện đã tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho nhân viên y tế cách sử dụng khẩu trang đúng cách.

“Khẩu trang phòng, chống bệnh do nCoV chỉ sử dụng 1 lần rồi vứt vào thùng rác an toàn, có nắp đậy, không tái sử dụng. Khi đeo khẩu trang phải để mặt xanh/nâu ra ngoài do mặt màu xanh có tính chống nước, các giọt nước bọt lớn bắn vào sẽ không thấm vào trong. Mặt màu trắng có tính hút ẩm, nên quay vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang. Khẩu trang phải che kín cả mũi lẫn miệng.

Nguồn: Bộ Y tế
Nguồn: Bộ Y tế

Đặc biệt, khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào, vì động tác sờ tay, thậm chí chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh. Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn. Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra, thói quen lấy tay vò khẩu trang lại sẽ gây lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay”, bác sĩ Nhân cho biết.

Hiện nay, bệnh viêm phổi do nCoV gây ra rất nghiêm trọng nhưng lại chưa có thuốc đặc trị đối với virus, không có vaccine phòng ngừa. Trong trường hợp bệnh nhân bị nhiễm do nCoV thì phương pháp chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng, phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác. Một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả được các nhân viên ngành y tế thành phố đề cập chính là thay đổi những thói quen xấu làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.

Về vấn đề này, bác sĩ Phùng Đình Thạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chia sẻ: “Trong số các giải pháp hạn chế lây nhiễm hiện nay, việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng là rất thiết thực và hiệu quả. Trong quá trình sinh hoạt, tay chúng ta thường xuyên tiếp xúc với những nơi có nguy cơ cao như: tiền, tay nắm cửa, chỗ vịn trên xe, ly tách, chén bát, đũa, muỗng, thìa ở quán ăn, quán nước… Điều này kết hợp với những thói quen tưởng chừng vô hại như: dụi mắt, ngoáy mũi đã vô tình đưa virus vào trong chính cơ thể mình lúc nào không biết”.

Trong các khuyến cáo phòng lây nhiễm nCoV, Bộ Y tế đều khuyên người dân thường xuyên rửa tay thật kỹ bằng xà phòng, nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Theo đó, bàn tay là nơi trực tiếp tiếp xúc dịch tiết cơ thể. Khi dịch tiết dính vào tay, chúng ta có thể vô tình đưa lên mắt, mũi, miệng. Ngoài ra, khi cầm nắm, đụng chạm vào các vật khác, virus gây bệnh có thể theo dịch tiết lan rộng ngoài cộng đồng. Bên cạnh đó, cần bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt nâng cao sức đề kháng của cơ thể để có thể tiêu diệt virus lạ này ngay từ khi mới xâm nhập vào cơ thể cũng như khi đã gây bệnh. Người dân có thể tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn uống các thực phẩm có chứa hàm lượng vitamin C cao bằng các loại thực phẩm như: cam, quýt, gừng, nghệ, cải bó xôi, ớt chuông đỏ, đu đủ…

Nguồn: Bộ Y tế
Nguồn: Bộ Y tế

Theo bà Hồ Tâm, Phó khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, thực hiện chỉ đạo của ngành y tế, đơn vị đã tăng cường các hoạt động truyền thông; trong đó nhấn mạnh những nội dung về dấu hiệu nhận biết, cách phòng tránh và những khuyến cáo cần thiết. Thời điểm này, ngành y tế đưa ra các khuyến cáo chung đối với người dân như: tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở; tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho; khi ho, hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo.

Trong trường hợp thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch cần thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô-tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.

“Đối với những người từ Trung Quốc trở về, chúng tôi khuyến cáo cần tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Cần khai báo với cơ quan sở tại nơi gần nhất để được hỗ trợ khi cần thiết. Đặc biệt, nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở thì lập tức phải mang khẩu trang bảo vệ đúng cách, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời”, bà Tâm cho biết thêm.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.