"Cái giá" của sáng tạo

.

Tôi có cơ hội tham gia một lớp học sáng tạo cùng những bạn trẻ khá đặc biệt ở Đà Nẵng. Họ là những người đam mê khám phá, khao khát được giải phóng năng lượng cá nhân, không ngừng dịch chuyển và luôn tìm kiếm những giá trị mới mẻ. Ở đó với họ, tôi thấu hiểu được sự rộng lớn đến vô cùng của thế giới tâm hồn, nơi dung nạp trọn vẹn mạch nguồn cảm xúc từ đau đớn đến hạnh phúc để khơi nguồn cho những ý tưởng sáng tạo…

Lớp học về sự sáng tạo với phần hướng dẫn của họa sĩ Hữu Chí. Ảnh: A.N
Lớp học về sự sáng tạo với phần hướng dẫn của họa sĩ Hữu Chí. Ảnh: A.N

Chúng tôi làm quen với nhau qua phần giới thiệu nhanh, mỗi người cũng đeo bảng tên trên áo để tiện giao lưu, nhưng khi bước ra khỏi lớp học, điều tôi ghi nhớ về họ dường như không còn là cái tên, mà là những chia sẻ, “cảnh đời”, những ước mơ, tham vọng, những nụ cười và cả nước mắt khi chúng tôi đi cùng nhau trong một cuộc hành trình ngắn tìm về với sự sáng tạo.

Họ, bạn đồng hành của tôi sống những cuộc đời rất thú vị. Là người làm vườn, kiến trúc sư, thiết kế đồ họa, fashionista (người am hiểu về thời trang, nhưng trong báo chí người ta dùng nguyên từ tiếng Anh - BT), truyền thông - makerting, đầu bếp, giáo dục, sản xuất video - hình ảnh…

Họ đắm mình trong thế giới của nghệ thuật, sáng tạo, say sưa làm việc và kiếm tiền. Họ đi khắp muôn nơi, trải nghiệm mọi điều mới mẻ. Họ thất bại rồi thành công, mất rồi được, cho đi và nhận lại. Thú vị thay, họ ngồi cùng tôi trong một lớp học giản dị, học về cái mà họ dùng hằng ngày như cơm ăn, áo mặc. Lạ lùng hơn nữa, lý do mà tôi được nghe nhiều nhất để khiến những bạn trẻ ấy đến đây chính là việc cạn kiệt ý tưởng, khủng hoảng sáng tạo, cảm xúc già nua, mất phương hướng…

Chẳng có cách nào khác là chúng tôi phải cùng nhau định nghĩa lại sáng tạo: Chính là tạo ra cái mới; làm gì đó theo cách khác; liều thuốc tinh thần giúp thỏa mãn bản thân; điều khác biệt tạo nên sự đặc biệt; một hành trình từ việc tạo điều kiện cho cảm hứng, cảm xúc được hoạt động để tạo ra sản phẩm; sự ngẫu hứng, cảm giác tự do, bay bổng, thả lỏng, phá bỏ các nguyên tắc, tìm lại chính mình; nhu cầu bày tỏ, giải tỏa căng thẳng, thể hiện cái tôi cá nhân; sự vượt lên chính mình, vượt qua cái cũ, phủ nhận những thất bại và hướng đến tương lai…

Tại đây, các bạn trẻ cũng đã phân tích, mổ xẻ những điều kiện cho ra đời sự sáng tạo, như tạo ra thời gian; đặt câu hỏi; đọc sách, đi du lịch; quan sát, nghiên cứu thiên nhiên; nói chuyện với trẻ con; trò chuyện với chính mình; yêu đương, kết bạn…

Cũng như những yếu tố cản trở sự sáng tạo, như bị đóng khung trong cái cũ hay giới hạn an toàn; thiếu hoặc quá thừa ý tưởng; thiếu sự sẻ chia, đồng điệu và môi trường để sáng tạo; thiếu công cụ, kỹ năng, kiến thức, thiếu tập trung, thiếu thực tế; áp lực và sợ hãi, sợ dư luận, sợ thất bại, ngại đổi thay…

Anh Đỗ Hữu Chí (Bút Chì), họa sĩ minh họa bìa sách, truyện tranh, người sáng lập “Toa Tàu” - Nơi người lớn được là trẻ con, nơi trẻ con được là chính mình, một tổ chức hoạt động gây quỹ cộng đồng để đi xuyên Việt (hành trình toa tàu), mang các hoạt động sáng tạo đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước, là người ngồi yên nhiều giờ đồng hồ để lắng nghe và thu nhận tất cả những chia sẻ đó từ chúng tôi.

Người thầy đặc biệt này đam mê mọi thứ, thích tạo điều kiện cho các sáng tạo được tạo ra. Cách anh làm khá đơn giản, đó là mang những nền tảng cơ bản, nguyên lý của sáng tạo áp dụng vào từng hoàn cảnh, công việc, tình huống khác nhau, tìm kiếm sự liên quan và đồng điệu giữa chúng, từ đó thúc đẩy sáng tạo.

Theo anh Chí, sáng tạo là gốc rễ, luôn có sẵn và tiềm tàng trong mỗi người, việc của chúng ta là đánh thức và khơi gợi nó để đưa vào cuộc sống thường ngày. Nhưng sáng tạo cũng là một cuộc chơi, có giới hạn và độ phù hợp nhất định với mỗi thực thể. Nếu phát triển đúng hướng, sáng tạo sẽ là công cụ giúp chúng ta khai phóng bản thân, thế giới xung quanh và ngược lại.

Về cơ bản, sáng tạo là bất cứ khi nào có một khối năng lượng tụ lại và được giải phóng, tựa như hạt giống được nảy mầm. Trên một dòng chảy, ở chỗ nào, thời điểm nào bạn dồn năng lượng, nó sẽ nở hoa. Không có công thức chung nào cho sự sáng tạo, nhưng nó chính là cách để chúng ta tìm ra điểm chung, điểm phù hợp. Ở xã hội hiện đại, khi máy móc dần thay thế con người, những quy chuẩn, công thức, định nghĩa đúng sai tất yếu xuất hiện nhiều hơn, cũng là lúc chúng ta càng cần sống sáng tạo hơn.

Trong rất nhiều hoạt động ở lớp học, tôi bị thuyết phục nhất bởi trò chơi nhắm mắt vẽ luân phiên bằng tay phải, trái. Điều kỳ lạ là hầu hết các bức tranh vẽ bằng tay trái đều được thừa nhận “trông đẹp và có hồn hơn”. Mong đợi giảm xuống, hạnh phúc tăng lên, với bàn tay không thuận, chẳng ai đặt kỳ vọng ở sản phẩm làm ra, thành ra nó lại tốt hơn mong đợi, thậm chí còn bay bổng hơn.

Ở vế ngược lại, với tay phải, người vẽ gặp nhiều áp lực, đặt ra tiêu chuẩn, mong đợi kết quả, cuối cùng là thất vọng phần nhiều. Đó chính là cái giá của sáng tạo. Bạn hoàn toàn có thể định nghĩa về nó, tìm tòi, học hỏi, kết nối để tạo điều kiện cho nó ra đời. Nhưng bạn đừng đặt gánh nặng lên vai nó, hay đúng hơn là lên vai chính mình, hãy thả lỏng tâm hồn, thoải mái đón nhận mọi điều trong cuộc sống, nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, chỉ khi đó, bạn mới mong chạm đến được sự sáng tạo đích thực.

Đừng quá dằn vặt bản thân về cái mới. Có khi bạn ở trong nó mà không nhận ra. Ai rồi cũng khác, mở mắt ra đã là ngày mới, nhắm mắt ngủ cái cũ đã khép lại. Mọi việc đều có thể đổi thay. Thả lỏng bản thân và suy nghĩ sẽ tạo cơ hội cho cái mới được thâm nhập và dung nạp. Sáng tạo bắt nguồn từ đó”

Họa sĩ Đỗ Hữu Chí

AN NHIÊN

;
;
.
.
.
.
.