Đón đầu xu hướng phát triển

.

Hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của Internet và công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng mạnh và trở thành một hiện tượng phổ biến trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, theo Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, TMĐT dự kiến sẽ đạt giá trị 15 tỷ USD vào năm nay và đạt 33 tỷ USD vào năm 2025.

Khách hàng đang thực hiện thanh toán bằng thẻ ATM tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng.Ảnh: MAI HIỀN
Khách hàng đang thực hiện thanh toán bằng thẻ ATM tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng.Ảnh: MAI HIỀN

Tiềm năng của thị trường TMĐT Việt Nam được nhìn nhận ở các xu hướng phát triển. Số lượng người dùng ứng dụng di động tăng, đặc biệt là điện thoại thông minh với hơn 64 triệu người sử dụng, cùng với sự phát triển của hạ tầng viễn thông 3G, 4G, và sắp tới là 5G. Bên cạnh đó là các dịch vụ thanh toán của ngân hàng, dịch vụ công nghệ tài chính Fintech, nên xu hướng phát triển TMĐT trên nền tảng di động, nền tảng số là tất yếu.

Đặc biệt, mạng xã hội đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ và tạo được sự chú ý đáng kể; việc người dùng truy cập các trang mạng xã hội như: Twitter, Facebook, LinkedIn, Instagram hay YouTube trở nên rất dễ dàng. Bên cạnh đó là sự phổ biến của Internet và các thiết bị di động (smartphone) đã và đang thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhiều trang bán hàng trực tuyến tham gia thị trường này.

Với một số lượng lớn dân số sử dụng mạng xã hội đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận khách hàng. Do vậy, theo dự báo của các chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT thì xu hướng mua bán trên mạng xã hội không chỉ ngày càng phổ biến hơn nữa mà còn tạo ra việc “bùng nổ” mua hàng qua mạng của giới trẻ, ít nhất được duy trì trong vòng 5 năm đến tại Việt Nam. Chính xu hướng này sẽ kích thích TMĐT Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Theo tính toán của Tổng Công ty Truyền thông VNPT-Media, tính đến nay, 70% các giao dịch TMĐT diễn ra ở hai thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố. Công ty này cho rằng “miếng bánh” của thị trường này còn vô cùng lớn nếu nhìn tỷ trọng ở hầu hết các tỉnh, thành còn lại vẫn chỉ chiếm giá trị rất nhỏ trong tổng giá trị TMĐT.

Trên thực tế, bằng việc mua bán trên mạng xã hội Facebook thời gian qua cho thấy, TMĐT bắt đầu có không gian sống ở các vùng nông thôn trong cả nước. Hàng hóa (chủ yếu là đặc sản địa phương) được mua bán khá rầm rộ. Chứng tỏ ở quy mô toàn quốc thì tốc độ tăng trưởng của ngành TMĐT của Việt Nam còn lớn gấp nhiều lần hiện nay.

Thách thức lớn nhất là vẫn sử dụng tiền mặt

Bên cạnh những tiềm năng trên, ngành TMĐT của Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức, trong đó thách thức lớn nhất vẫn là sử dụng tiền mặt cho phần lớn các giao dịch điện tử. Thực tế cho thấy, để ngành TMĐT ngày càng phát triển, hoạt động sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt cũng cần phải phát triển mạnh. Lý do chính để lý giải vấn đề này là do cơ sở hạ tầng công nghệ và luật pháp ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hoàn thiện.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nước có số lượng giao dịch phi tiền mặt bình quân đầu người chỉ đạt 4,9%, trong khi đó, tỷ lệ này đạt mức 89% ở Malaysia, 59,7% ở Thái Lan và 26,1% tại Trung Quốc.

Từ xưa đến nay, không ít người Việt Nam có thói quen tiêu dùng là cứ hàng hóa mang đến thì khách hàng mới trả tiền mặt bởi sự tiện lợi của tiền mặt. Đối với người mua hàng, thường họ sẽ không tin tưởng vào chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp cũng như không chắc chắn việc hàng hóa sẽ đến tay mình nên cứ phải nhận hàng mới trả tiền. Nhiều người mua hàng trên hệ thống TMĐT nhưng không tin tưởng vào các thanh toán trực tuyến.

Trong khi đó, về phía người bán, vì chưa được trả tiền trước nên cho rằng việc từ chối hoặc hủy đơn hàng cũng rất cao. Điều này là một trong những trở ngại làm xói mòn sự tin tưởng giữa doanh nghiệp - người bán và người tiêu dùng, làm giảm khả năng kết nối thành công những giao dịch. Hay nói cách khác, đây cũng chính là trở ngại cho việc phát triển TMĐT.

Hầu hết các trang TMĐT hiện nay đều có nhiều hình thức thanh toán để người mua hàng lựa chọn, đa dạng phương thức thanh toán giúp cải thiện việc hạn chế tiền mặt. Trong đó, nổi lên gần đây là các loại ví điện tử - một hình thức thanh toán trực tuyến an toàn, thuận lợi và được nhiều chuyên gia để ý giúp làm gia tăng tính năng động cho thị trường TMĐT.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần cải thiện thêm chất lượng bán hàng nhằm làm tăng mức độ tin cậy của người tiêu dùng. Về phía người tiêu dùng, để giảm tải các rủi ro thanh toán trực tuyến cũng nên lưu ý truy cập địa chỉ trang web bắt đầu bằng https (chữ “s” là viết tắt của “security - an toàn”).

Vấn đề nhân lực

Trên phạm vi cả nước, có nhiều trường đại học và cao đẳng đào tạo về TMĐT, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng hơn 1.000 nhân lực trình độ cử nhân. Nhưng so với nhu cầu thực tế thì con số này là quá ít, thiếu về số lượng, chưa bàn đến chất lượng, và chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển cho hiện tại và tương lai.

Bởi thực tế cho thấy, nguồn nhân lực ngành TMĐT cần có kiến thức rộng trong nhiều lĩnh vực như: kinh tế, công nghệ thông tin, quản trị và đặc biệt là ngoại ngữ. Nhiều sinh viên ra trường có kỹ năng về TMĐT nhưng kiến thức, kinh nghiệm về giao thương hay trình độ ngoại ngữ còn yếu và chưa thể đáp ứng ngay được nhu cầu của các doanh nghiệp.

Trong xu hướng phát triển hiện nay, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần tới nhân lực TMĐT, chưa kể tới các hộ kinh doanh cá thể bán hàng trên mạng cũng cần có hiểu biết về lĩnh vực này. Do tình trạng thiếu hụt nhân lực, ngoài số lượng sinh viên được đào tạo bài bản tại các trường đại học và cao đẳng đầu quân vào các công ty, những người bán hàng nhỏ lẻ phần lớn đều tìm hiểu TMĐT thông qua sách, báo, Internet, hoặc vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng trình độ vẫn chỉ ở mức tay ngang.

Ngoài ra, trong công tác đào tạo hiện nay, nhiều trường cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định. Về chương trình đào tạo, chủ yếu là học tập từ chương trình của nước ngoài; tuy nhiên, do TMĐT thay đổi liên tục nên chương trình cũng thay đổi và phải cập nhật liên tục.

Để khắc phục phần nào những hạn chế về mặt nhân lực trong TMĐT, một số giải pháp sau đây có thể được cân nhắc từ nhiều phía. Thứ nhất, đối với các trường đại học, cao đẳng cần tập trung đẩy mạnh đào tạo và phát triển nhân lực từ bên trong.

Trang bị kiến thức về kinh tế, tổ chức kinh doanh trên mạng Internet, vận dụng thành thạo các công cụ tìm kiếm, khai thác thông tin và trang bị cho người học kỹ năng giao dịch TMĐT. Song song với đó, xây dựng mô hình thực tế ảo để giúp cho sinh viên có thể thao tác, giao dịch, xử lý ứng dụng nhanh chóng cũng là một trong những hình thức giúp người học nắm bắt tốt kiến thức.

Bên cạnh đó, về lâu dài, nhà trường cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong tuyển dụng và chiến lược sử dụng lao động TMĐT. Ngoài ra, hằng năm cử sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp là thành viên của các sàn TMĐT quốc tế để làm quen với môi trường giao thương thực tế cũng như tích lũy kinh nghiệm.

Thứ hai, doanh nghiệp cần có sự kết nối sâu rộng hơn với nhà trường, bởi đây chính là một trong những điểm mấu chốt để phát triển đội ngũ nhân lực có tính thực tế. Kiến thức từ thực tế sẽ giúp những người đang học bổ sung điểm còn thiếu về kỹ năng...

Việc kết nối giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sẽ phát huy năng lực và thế mạnh của mỗi bên, khai thác và tận dụng hiệu quả các tiềm năng về cơ sở vật chất, con người, chuyên môn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về TMĐT. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực từ trong các doanh nghiệp dựa trên các tư vấn chuyên gia CNTT, TMĐT.

Khoa Thương mại điện tử thuộc Trường Đại học  Kinh tế - Đại học Đà Nẵng được thành lập vào đầu năm 2018, song trước đó, đón đầu xu hướng phát triển và nhu cầu thị trường nhân lực, chuyên ngành TMĐT được mở, đào tạo sinh viên từ năm 2013.

Số lượng sinh viên được đào tạo giao động 60-80 sinh viên/năm. Năm 2019, khảo sát của Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng của nhà trường tiến hành điều tra những sinh viên mới tốt nghiệp sau 6 tháng, cho thấy kết quả trên 95% sinh viên ngành TMĐT có việc làm. TS Võ Quang Trí, Trưởng khoa TMĐT, Trường ĐH Kinh tế cho rằng, trong xu hướng phát triển hiện nay, vấn đề kinh doanh luôn gắn chặt với Internet và TMĐT.

Trong kinh doanh có tích hợp với TMĐT và đây là xu hướng chung toàn cầu. Hiện nay trong chương trình đào tạo, sinh viên của khoa có một nửa thời gian học tập tại các doanh nghiệp. Ngoài hơn 10 doanh nghiệp hợp tác thường xuyên, có thêm từ 20-25 doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo. Đây chính là nguồn lực vững mạnh để sinh viên chuyên ngành TMĐT có thể cọ xát nhiều với thực tế trước khi trực tiếp tham gia vào nguồn nhân lực này trong các công ty, doanh nghiệp.

ThS Trần Thị Thu Dung - TS Lê Văn Huy

;
;
.
.
.
.
.