Thích nghi với mùa dịch...

.

Do Covid-19 diễn biến phức tạp, việc nghỉ học của học sinh, sinh viên kéo dài và thông báo thay đổi liên tục. Trẻ con ở nhà khiến cuộc sống và công việc của các bậc phụ huynh đảo lộn theo…

Chơi cùng con vừa giúp thắt chặt tình cảm gia đình vừa phát triển kỹ năng cho trẻ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chơi cùng con vừa giúp thắt chặt tình cảm gia đình vừa phát triển kỹ năng cho trẻ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Con cái nghỉ học mùa dịch

Trên facebook cá nhân của chị Quỳnh Phương (nhân viên kế toán một nhà hàng trên đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà) đăng tải một chia sẻ nhỏ, đại ý về chuyện một ngày của chị cùng con như thế nào. Mẹ chơi cờ tỉ phú, cá ngựa cùng con, bày con cách gấp chăn màn, lặt rau, rửa chén, làm những việc vặt trong nhà theo độ tuổi…

Mới đọc mấy dòng đầu, ai cũng tưởng chị đang chia sẻ với các phụ huynh khác trong việc chăm sóc con cái. Kéo đến cuối cùng mới thấy dòng tái bút: “Những gì mình chia sẻ ở trên là trong tưởng tượng thôi nhé các mẹ. Thực tế thì mình sắp… tâm thần mất thôi, hu hu”.

Bạn bè, đồng nghiệp vào an ủi, chia sẻ, đa số các bình luận để lại như: “Nhà mình cũng thế đây”. “Con tớ quậy “banh nóc” từ sáng đến tối. Lúc nào tớ cũng trong tình trạng “đầu bù tóc rối””. “Sau mùa dịch chắc tớ có khả năng trở thành… thẩm phán vì hiện tại suốt ngày phải đi phân xử. Hai đứa nhỏ chơi được một tí là đánh nhau. Đứa la đứa hét, đứa mách đứa thưa, đứa khóc đứa gào, đứa lớn chưa biết nhường nên toàn đánh em thôi”…

Hàng trăm bình luận “kể khổ” của các bậc phụ huynh khiến “chủ đề nghỉ học mùa dịch” vu vơ trở thành diễn đàn rầm rộ, được nhiều người quan tâm, chia sẻ. Khi con đi học, cha mẹ dường như “khoán trắng” cho nhà trường. Khi nghỉ hè thì cho đi học thêm, nên bây giờ con cái nghỉ học dài ngày, không ít phụ huynh gặp áp lực và rối bời trong việc chăm sóc và chơi với con.

Cùng tâm trạng rối ren trong mùa Covid-19, chị Thu Hà (chung cư Nesthome, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, lâu nay việc chăm sóc 2 bé đều do vợ chồng chị tự xoay sở vì bình thường 2 bé đi học. Anh chị chủ yếu sắp xếp thời gian đưa đón, chơi với con. Nhưng trong mùa dịch, 2 vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn vì không có người thân hỗ trợ.

Công việc của chị linh động thời gian hơn của anh nên chị đảm nhiệm việc trông con là chính. Khi nào có việc đi làm thì báo sớm để anh… nghỉ. “Cũng may là do vợ chồng mình ở chung cư nên bé chỉ chơi loanh quanh trong khuôn viên chung cư.

Các nhà khác cũng có con nhỏ nghỉ học nên các bé chơi với nhau. Chủ yếu là chăm giữ bé nhỏ 2 tuổi thôi. Vì mùa dịch nên cũng hạn chế ra ngoài, chủ yếu bày các con chơi đồ chơi có sẵn trong nhà như xếp gỗ, đọc sách.

Bé lớn thì ngoài việc làm bài tập nhà trường cho vào buổi sáng, lúc rảnh mình bày làm việc nhà như gấp chăn, mền, dọn quần áo. Chiều lại thì rủ bé cùng nhặt rau, làm bánh... Rảnh nữa thì cho bé tự chơi may vá đồ búp bê. Nhưng bé nhỏ thì mình cũng cần đến ti-vi để bé nhảy múa, hát hò”, chị Hà nói.

Có lợi thế là giáo viên, được nghỉ dạy cùng con nhưng chị Quỳnh Anh (giáo viên Trường THPT Ngô Quyền) cũng gặp khó vì hai “siêu quậy nhí”. Chị kể, chồng chị là bộ đội nên từ khi có dịch đến nay, anh trực suốt ở đơn vị. Việc chăm hai bé do chị đảm nhiệm toàn thời gian.

Để con không bị ngắt quãng nhịp học quá lâu, chị mua thêm sách về để ôn luyện và bổ sung kiến thức cho bé lớn (lớp 1) đồng thời đăng ký học tiếng Anh trực tuyến cho bé. Ngoài thời gian học, chị cho các bé chơi lego, tô màu. Cách này cũng giúp cậu anh trông em cho mẹ lúc dọn nhà. “Thật chứ mình làm mấy cũng được, dọn nhà, nấu ăn hì hục… từ sáng đến tối cũng được. Chỉ mong anh em tụi nó chơi với nhau hòa thuận, đừng hở tí là giành giựt, la khóc, thưa kiện… là được”, chị ngán ngẩm kể.

Bữa cơm gia đình mùa dịch

Dịch bệnh ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống, từ cô hàng nước đến chú phi công, từ quán ăn nho nhỏ đến tập đoàn sản xuất ô-tô, đâu đâu cũng nghe người ta nói về “Cô Vy, Cô Vít” và chắc chắn bất cứ ai cũng bị ảnh hưởng dù ít hay nhiều đến rất nhiều.

Bên cạnh việc nhắc nhở nhau đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, vấn đề ăn chín, uống sôi, nâng cao sức đề kháng trong mùa dịch cũng được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông. Nhiều gia đình trẻ trước đây thường ra ngoài ăn vào cuối tuần, nay lại ở nhà nấu ăn với phương châm “Nếu không bận đi làm thì cứ ở nhà tự nấu ăn cho nó lành”.

 Dạy bé làm những việc vặt trong nhà là cách để bé bớt chán khi nghỉ học dài ngày. Ảnh: Q.T
Dạy bé làm những việc vặt trong nhà là cách để bé bớt chán khi nghỉ học dài ngày. Ảnh: Q.T

Chị Thanh Vi (trú đường Hùng Vương, quận Hải Châu) chia sẻ, từ ngày có dịch, chị cắt hẳn ăn sáng ngoài hàng quán, chỉ ăn ở nhà. Các món ăn sáng được chị chế biến khá đơn giản, thay đổi thực đơn mỗi ngày từ xôi, bánh mỳ, bánh bao, bún (mua ở các cửa hàng thực phẩm sạch, có thể để được tối đa 3 ngày), bánh canh…

“Trước đây, cuối tuần hai vợ chồng mình thường không nấu nướng, chợ búa gì cả, cứ đến bữa là dẫn con ra ngoài ăn cho thoải mái. Tuy nhiên, hiện tại mình rất ngại đến chỗ đông người. Ở nhà nấu ăn yên tâm hơn vì chọn được nguồn thực phẩm an toàn”, chị Vi nói.

Tương tự, chị Thanh Hoa (trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) kể, từ ngày có dịch bệnh, gia đình chị nấu ăn 100% tại nhà. Vốn trước nay chỉ nấu những bữa cơm đơn giản, ngày 1-2 bữa nên giai đoạn này chị rất lúng túng trong khâu đi chợ, nghĩ ra món để chồng con không ngán. Chị bèn tham gia các Hội Yêu bếp, Nấu ăn là chuyện nhỏ, Hội Nấu ăn vì đam mê… trên facebook để học hỏi kinh nghiệm. “Mùa dịch này, không chỉ phải “ăn chín uống sôi” mà còn phải ăn các thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng.

Học hỏi từ các chị trên mạng, tôi thường bổ sung tỏi - kháng sinh tự nhiên trong bữa cơm, lựa chọn rau củ nhiều màu sắc, đa dạng các loại đạm trong một bữa ăn. Tôi ưu tiên các thực phẩm tươi ngon, hạn chế các món ăn chế biến sẵn vì chúng ít dinh dưỡng và lượng muối thường nhiều hơn mức cần thiết. Sau bữa ăn, mọi người trong nhà sẽ thưởng thức thêm trái cây giàu vitamin C như: xoài, cam, bưởi, giúp tăng cường hệ miễn dịch”, chị Hoa nói.

Trên các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn, mấy ngày qua, các chị em tích cực đăng tải hình ảnh những bữa cơm nhà. Dịch bệnh gây nhiều thiệt hại, lo âu cũng như mất mát, thế nhưng có một giá trị tích cực mà nhiều người đang tìm lại giữa “cơn bão” Covid-19 đó là nhiều gia đình đã xích lại gần nhau hơn. Chị Nguyễn Hiếu (trú chung cư Nam cầu Cẩm Lệ, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) kể: “Bé nhà mình học lớp 2. Thời gian này, con nghỉ học dài hạn nên mình bày bé một số việc nhà đơn giản như: quét nhà, cắm cơm, chiên trứng, chiên xúc xích…

Bé cũng tỏ ra thích thú với việc đi chợ, nấu ăn cùng mẹ. Tuy chưa thể nấu được những món ăn cầu kỳ nhưng bé đã tự chuẩn bị được bữa cơm đơn giản mà ngon miệng cho cả nhà. Khi ăn xong, bé còn chủ động dọn dẹp, rửa chén. Ba mẹ cứ thế thảnh thơi thôi”.

Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng bên cạnh những nỗi lo lắng đó, nhiều gia đình đã thay đổi thói quen sinh hoạt, biết quan tâm đến sức khỏe, tìm lại những giá trị tình cảm gắn kết mà vì cuộc sống thường ngày bận rộn họ đã lãng quên. Quả thực, đây là giai đoạn ai cũng phải rèn luyện “tính thích nghi”, khả năng điều chỉnh cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Có đi qua mùa dịch mới thấy, cuộc sống “bình thường” cũng đáng giá thế nào.

Quỳnh Trang

;
;
.
.
.
.
.