1 năm thực hiện Luật An ninh mạng

Quyền con người, quyền công dân được bảo đảm

.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2019 có khoảng 64 triệu người Việt Nam sử dụng internet; số tài khoản người Việt dùng mạng xã hội (MXH) là gần 80 triệu, trong đó có khoảng 73 triệu tài khoản sử dụng MXH Việt Nam như: Zalo, Mocha, Gapo (với con số lần lượt là gần 52 triệu; 8,7 triệu; gần 3 triệu; còn lại khoảng 10 triệu thuộc về các mạng xã hội khác).

Nhiều Fanpage chuyển tải các thông tin tích cực trong xã hội, góp phần lan tỏa thông tin tốt, hạn chế thông tin xấu.TRONG ẢNH: Giao diện Fanpage Tuổi trẻ Công an thành phố Đà Nẵng (ảnh chụp màn hình)
Nhiều Fanpage chuyển tải các thông tin tích cực trong xã hội, góp phần lan tỏa thông tin tốt, hạn chế thông tin xấu.TRONG ẢNH: Giao diện Fanpage Tuổi trẻ Công an thành phố Đà Nẵng (ảnh chụp màn hình)

Đối mặt với những nguy cơ

Không thể phủ nhận những mặt tích cực của internet như cập nhật tin tức, kiến thức, thực hiện các thủ tục hành chính, kinh doanh, giải trí… Tuy nhiên, không gian mạng cũng là môi trường thuận lợi để các đối tượng xấu lợi dụng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nguy cơ đầu tiên là các cuộc tấn công mạng vào hệ thống thông tin của Việt Nam.

Năm 2019 có 3.750 trang, cổng thông tin điện tử có tên miền (.vn), trong đó có 188 trang thuộc quản lý của cơ quan Nhà nước, bị tin tặc tấn công, chiếm quyền điều khiển, thay đổi giao diện hoặc chỉnh sửa nội dung; có 337 mã độc lây nhiễm cho 82,5 triệu lượt máy tính gây thiệt hại cho người dùng Việt Nam lên tới 20.892 tỷ đồng (902 triệu USD).

Nguy cơ thứ hai, lộ lọt bí mật Nhà nước trên không gian mạng. Năm 2019, các cơ quan chức năng phát hiện 60 vụ bí mật Nhà nước bị lộ trên môi trường không gian mạng, dưới các dạng: đăng tải công khai trên các trang web, trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức; sử dụng hộp thư điện tử và hệ thống quản lý văn bản trên internet để chuyển, nhận tài liệu; phát tán trên các trang MXH của cá nhân.

Nguy cơ thứ ba, không gian mạng trở thành môi trường thuận lợi để các cơ quan đặc biệt nước ngoài, các tổ chức, cá nhân chống đối triệt để sử dụng để tuyển mộ lực lượng, thu thập bí mật Nhà nước, gây quỹ, truyền bá tư tưởng chống đối, cực đoan, kích động thù hận, bạo lực, gây rối loạn trật tự xã hội. Đặc biệt, không gian mạng bị lợi dụng để nhằm vào việc chống phá, hòng lật đổ chính quyền nhân dân, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa; xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam; bôi nhọ chính quyền các cấp; kêu gọi người dân biểu tình, gây rối…

Nguy cơ thứ tư, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng nguy hiểm, tinh vi, sử dụng trí tuệ nhân tạo, mã độc để gây án; các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng thường xuyên xảy ra, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu quản lý với internet và MXH, không để những phần tử xấu và các thế lực chống đối lợi dụng, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhà nước và công dân.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trên không gian mạng

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống hoạt động lợi dụng internet, MXH chống phá nước ta, như: Chỉ thị 28-CT/TW, ngày 16-9-2013 của Ban Bí thư (khóa XI) “Về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng”; Nghị quyết số 29-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng” và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia; Chỉ thị 15/CT-TTg, ngày 17-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”; Luật An toàn thông tin mạng năm 2016; và mới đây nhất là Luật An ninh mạng, được Quốc hội thông qua tháng 6-2018 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.

Trước thời điểm Luật An ninh mạng được ban hành, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại luật này có thể gây cản trở tới sự phát triển kinh tế - xã hội, xâm phạm quyền con người, quyền công dân…, thậm chí có những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt nhằm mục đích chống phá và cản trở quá trình xây dựng và ban hành Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, có thể khẳng định, sau hơn một năm có hiệu lực thi hành, Luật An ninh mạng là bộ luật thiết thực và đi vào cuộc sống.

Thực tế chứng minh quyền con người, quyền công dân được bảo đảm từ khi Luật An ninh mạng ra đời. Các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng bị phát hiện, xử lý đã góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị “về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, trong đó có chủ trương ban hành chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, xây dựng hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Tuy nhiên, hệ thống mạng (LAN, WAN, Internet và các hệ thống chuyên dụng khác) của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng dựa trên nền tảng và hạ tầng kỹ thuật đơn giản, chưa đáp ứng được yêu cầu nên còn tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho các phần tử xấu lợi dụng tấn công mạng và đánh cắp thông tin quan trọng, bí mật Nhà nước.

Luật An ninh mạng ra đời, có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là nhằm  bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật Nhà nước. Luật quy định đầy đủ các biện pháp, hoạt động bảo vệ tương xứng với mức độ quan trọng của hệ thống thông tin này một cách đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới địa phương, trọng tâm là các cơ quan Nhà nước và tổ chức chính trị.

Luật An ninh mạng còn là cơ sở pháp lý để nhận thức rõ hơn về các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật nhằm góp phần tăng cường xử lý có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Trong cuộc sống hằng ngày, Luật An ninh mạng cũng đã bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Luật đã quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Đây là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng; việc sử dụng thông tin để vu khống, làm nhục, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ được xử lý nghiêm minh.

Đặc biệt, hơn 1 năm Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống đã góp phần xây dựng quy tắc hoạt động lành mạnh, văn hóa trên không gian mạng, chống tin giả và các thông tin, phát ngôn thù địch. Nhiều thông tin, bài viết, video có xu hướng kích động, ảnh hưởng tiêu cực tới chuẩn mực, đạo đức xã hội đã được ngăn chặn, xử lý; đời tư cá nhân được bảo vệ; hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng được bảo đảm… Tình trạng tung tin giả, sai sự thật, tin bịa đặt lên MXH không chỉ làm thiệt hại cho cá nhân, tổ chức bị tung tin, mà còn gây tâm lý hoang mang, sự bất ổn cho cộng đồng, xã hội đã được các cơ quan chức năng quyết liệt xử lý. Hiện Đà Nẵng chưa có lực lượng chuyên trách an ninh mạng, nên một số vụ việc Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an thành phố Đà Nẵng nhận được sự hỗ trợ điều tra từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an.

Từ khi ra đời, Luật An ninh mạng đã góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức khi hoạt động trên không gian mạng, hiểu rõ hơn về ranh giới giữa hoạt động bình thường và hành vi vi phạm pháp luật như: những hành vi nào bị cấm, không cho phép thực hiện trên không gian mạng, và cả những hoạt động nào mà lực lượng chức năng được phép tiến hành nhằm phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, luật còn góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, công dân nhằm tạo môi trường văn hóa, an toàn trên không gian mạng, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, thu hút đầu tư.

Có thể khẳng định rằng, sau hơn một năm thực hiện, Luật An ninh mạng đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại những hiệu quả tích cực trong việc phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, tạo môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng. Do đó, cùng với việc nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật, mỗi người phải luôn tỉnh táo, sáng suốt trong việc đăng tải, tiếp nhận và chia sẻ thông tin trên mạng, nhằm góp phần xây dựng một môi trường không gian mạng văn hóa, an toàn, lành mạnh; đồng thời luôn cảnh giác, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo công bố của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU, năm 2019, Việt Nam đã tăng 50 hạng về chỉ số an toàn, an ninh thông tin toàn cầu, số vụ tấn công mạng giảm 30% kể từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực.

NGUYỄN HƯNG LỢI

;
;
.
.
.
.
.