Học cùng con có khó?

.

Trong những buổi cà-phê, hẹn hò mỗi cuối tuần với nhóm bạn thân thiết, ngoài những lời hỏi han, chia sẻ về cuộc sống, công việc thường ngày của nhau, câu chuyện tôi nghe được nhiều nhất là việc học hành của tụi nhỏ. Những lời phàn nàn như “bọn trẻ nhà mình lười học lắm”, “trẻ con không thích học, chỉ thích chơi thôi”, “tối nào ăn uống xong hai mẹ con cũng phải “đánh vật” với mớ bài tập”… dường như chưa bao giờ là đề tài cũ của các bậc cha mẹ trẻ. Có rất nhiều câu hỏi, lý do được các bậc cha mẹ đưa ra để lý giải việc học cùng con là nỗi sợ hãi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Một người bạn của tôi kể rằng, cô có thể làm việc với cường độ cao, áp lực lớn nhưng cô lại không đủ kiên nhẫn dạy cho cậu con trai đang học lớp 1. Hai mẹ con cứ ngồi học với nhau được một lúc là mẹ cáu gắt, nạt con ầm ĩ; còn cậu con trai lại nước mắt ngắn dài vì sợ hãi. Lý do là cậu bé đang tuổi ham chơi nên học ở nhà không tập trung, thường chỉ thích nhìn ngang, ngó dọc, nghịch món này, chơi món kia khiến mẹ giải thích mãi vẫn không hiểu vấn đề. Người mẹ hiểu rằng cần phải hết sức kiên nhẫn để giải thích cho con, nhưng rồi lần nào cũng vậy, học cùng nhau chừng 15 phút là lại ồn ào bởi tiếng quát của mẹ, tiếng khóc của con.

Chừng hơn một tuần, mẹ chuyển nhiệm vụ kèm con học sang cho bố, buổi học đầu tiên của hai cha con kết thúc trong êm đẹp. Tò mò, cô hỏi chồng thì được trả lời: Anh chỉ ngồi cạnh con và bảo, con xem lại bài vở đã học trên lớp đi, chỗ nào, từ nào chưa hiểu thì hỏi, bố con mình cùng tìm lời giải, đáp án. Thế rồi anh ngồi đọc sách, cậu con ngồi làm Toán, Tiếng Việt. Thỉnh thoảng cậu con trai lại hỏi “bố ơi! từ này nghĩa là gì, bài này làm thế nào?”. Anh không vội giải thích ngay mà hỏi ngược lại con rằng, con có biết từ đó dùng trong trường hợp nào không? Con có hiểu nghĩa của từ đó không?...

Anh để cậu con trai thoải mái giải thích theo suy nghĩ, nhận thức của một đứa trẻ 6 tuổi rồi mới bắt đầu phân tích. Thỉnh thoảng anh cũng khen ngợi, động viên con nếu con hiểu đúng, làm đúng… Kết quả, các bài tập được con giải quyết rất nhanh gọn, thời gian còn lại hai bố con đọc sách, hoặc chơi các trò giải đố… Dần dần, cậu con trai mong muốn trả lời được các câu hỏi của bố nên thích tìm hiểu, đọc sách lúc nào không hay.

Việc học cùng con là “bài toán” khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Hiện nay, trên các trang mạng xã hội có rất nhiều hội, nhóm chia sẻ kinh nghiệm học cùng con. Có người tự biến mình thành “siêu nhân”, tức là phải biết, phải giỏi tất cả các môn học để có thể hướng dẫn cho con mỗi tối. Không ít người chọn phương án thuê gia sư kèm con học tại nhà. Có người lại chọn cách trở thành bạn của con, cùng học, cùng chơi…

Nhiều người thường than phiền rằng, cả ngày đi làm đã mệt mỏi, rồi cơm nước nên không còn thời gian học và chơi cùng con. Tuy nhiên, để tạo ra năng lượng tích cực cho con, cha mẹ cũng cần phải có năng lượng tích cực, tức là phải thích chơi, thích học cùng con. Trong rất nhiều cuốn sách viết về việc học, tôi thấy cuốn “Con nghĩ đi! Mẹ không biết” của tác giả Trần Thu Hà rất thú vị, bởi cuốn sách... đi ngược với suy nghĩ của số đông các phụ huynh là thay vì giúp con làm bài tập, kèm cặp con từng ly từng tí thì người mẹ này lại chọn cách để con tự tư duy, tự vận động, tự tìm hiểu rồi mới hướng dẫn, giải thích, dẫn dắt nếu thấy con sai.

Khi đó, việc học và chơi cùng con sẽ không còn là việc khó. Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau, không thể áp dụng phương pháp của người này với người khác. Điều quan trọng là chính cha mẹ cần phải dành thời gian để tìm hiểu, đúc rút những phương pháp, cách thức phù hợp nhất với con mình. Tâm lý của trẻ nhỏ cũng rất thích được khen ngợi khi con làm tốt và sẽ tự giác học tập nếu hứng thú. Vì thế, nếu con làm tốt hãy cứ khen ngợi, động viên, khơi gợi cho con để kích thích trí tò mò, tư duy của trẻ, dần dần sẽ hình thành những thói quen tốt cho trẻ.

NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.