Những "đứa trẻ" đi tìm chính mình(*)

.

“Tôi là ai, con đường nào cho tôi, điều gì làm tôi hạnh phúc…”, đó là những trăn trở lớn của người trẻ.

Ngược với quan điểm “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” và kỳ vọng của nhiều cha mẹ muốn con cái đi theo hình dung của mình về thế nào là một cuộc sống hạnh phúc, các chuyên gia khuyên rằng, gia đình nên cho người trẻ cơ hội đi qua trạng thái chơi vơi, và cho phép, thậm chí khuyến khích họ thử nghiệm các vai khác nhau. Đồng thời, tạo cho người trẻ sự yên tâm rằng, họ được thấu hiểu và chấp nhận, họ có chỗ đứng trong gia đình, bất kể tương lai họ có ra sao. Đó mới là một quan hệ yêu thương đích thực.

Tiếc là, nhiều người trẻ không có cơ hội sống trong một môi trường gia đình như vậy. Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB Hội Nhà văn, 1-2020) với những câu chuyện đồng hành cùng những người trẻ, họ cô đơn và nội tâm đầy trống rỗng trong chính gia đình mình.

Trong suốt 2 năm, tác giả Đặng Hoàng Giang đã dành hàng trăm giờ đồng hồ để trò chuyện, nhắn tin, đọc hàng ngàn cập nhật Facebook, Instagram, nhật ký, Blog… của những người trẻ mà ông gọi là lứa tuổi “hậu tuổi thơ”. Tức là những người ở độ tuổi trên dưới 20, không còn nhỏ nhưng cũng chưa sẵn sàng lớn, họ mang trong mình các sang chấn tâm lý, tổn thương nhận thức, tình cảm, ý niệm...

Có thể quan sát được rất nhiều yếu tố bên trong 3 cô gái Phương Anh (20 tuổi), Hồng Linh (18 tuổi) và Hà An (20 tuổi), những người lớn lên ở thế giới vắng bóng người lớn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tìm tới cuộc tình ngắn ngủi như một sự chạy trốn, khỏa lấp nhưng Hồng Linh lờ mờ nhận ra vấn đề của mình: “Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác”.

Phương Anh cũng tìm cách giết chết cảm xúc bên trong của mình và trở thành “chai lì, trơ lì, đến mức không thể khóc được nữa”, cô thấy mình “giống cái cây bị thiếu chất dinh dưỡng”. Còn Hà An - một cô gái học giỏi, hiểu biết, năng động, đi đây đó nhiều cũng đầy mặc cảm về giá trị của bản thân. Nỗi lo sợ bị bỏ rơi do mình “tầm thường” khiến cô vừa rụt rè trong các mối quan hệ xã hội vừa lăn xả vào quan hệ khác giới như một người đói khát, bỏ qua các nguyên tắc đạo đức của bản thân.

Trong khi tất cả những gì một đứa trẻ cần chỉ là sự ấm áp, được lắng nghe, được tin rằng mình có giá trị; và hơn hết là có khoảng trống để đi tìm danh tính mà không bị phán xét, lúc khó khăn vẫn có tổ ấm để quay về, thì các phụ huynh ấy đều bỏ qua, họ cho rằng đó là điều vớ vẩn, không đáng quan tâm. Con học giỏi, con được chu cấp - sướng thế rồi kêu ca gì nữa! Minh Khuê (20 tuổi), lẩn quẩn với câu hỏi: “Tôi có phải là người xấu không? Tới giờ tôi vẫn không có câu trả lời”.

Sở dĩ Khuê luôn ám ảnh như vậy vì cô gái đã trải qua một lần phá thai, trong đơn độc. Chuyện ấy khiến cô rơi xuống cái hố khủng hoảng và bố mẹ không nhận ra là cô buồn. Mấy tháng mùa hè, cô lang thang ngoài đường tới khuya. Bị bố mẹ mắng, Khuê bảo: “Bố mẹ có biết vì sao con không ăn cơm nhà, vì sao con về muộn không? Con đang buồn…”.  Mẹ chặn Khuê lại, quát: “Buồn cái gì, mày thì có cái gì mà buồn? Sao mày không buồn thay cho bố mẹ phải kiếm tiền ấy”.

Ngân (20 tuổi), còn chưa tốt nghiệp đại học nhưng đã hằn sâu suy nghĩ: “Tôi mong có người dìu dắt nhưng lại phải dìu dắt bố mẹ tôi”. Ngân luôn thường trực câu hỏi: “Bố mẹ có yêu tôi không”. Bố tôi thì tôi… không biết. Bố lúc nào cũng dửng dưng, chẳng bao giờ hỏi chuyện học hành hay yêu đương, chẳng dạy dỗ, khuyên nhủ gì. Chắc bố nghĩ là tôi được sinh ra rồi thì tôi tự lớn lên. Nhiều khi tôi quên mất là mình có bố. Còn mẹ, tôi nghĩ là mẹ yêu tôi, nhưng thú thực, nhiều lúc tôi thấy áp lực với tình yêu của mẹ. Mẹ hay nói: “Vì con mà mẹ không thể yêu ai nữa”, “Vì con mà mẹ hy sinh”… Từ nhỏ, Ngân luôn khao khát bờ vai của một người đi trước, có trải nghiệm và sáng suốt, có thể cho Ngân lời khuyên. Nhưng từ lâu, bố mẹ Ngân đã không làm được điều ấy. Bên cạnh Ngân không có ai cả. Ai cũng lo việc của mình, không ai chú ý đến cô. Cô không bấu víu được vào ai.

Tôi nghĩ, cuốn sách này nên đọc cho cả hai phía: con cái và phụ huynh. Nhiều câu chuyện bao gồm cả tâm sự của cha mẹ - những người mà thực chất cũng chỉ là nạn nhân của chính cha mẹ họ và bối cảnh xã hội khắc nghiệt. Những câu chuyện trong tập sách này không hề mô phạm, nghiêm túc như sách dạy kỹ năng làm cha mẹ khác, nó đem lại nhiều bài học bổ ích lẫn đau nhói.

Tinh thần giáo dục của tác giả cũng được gửi gắm thông qua mỗi phần kết chương: Mục tiêu của giáo dục trong gia đình là hỗ trợ để trẻ em và người trẻ đạt mức phát triển cao nhất. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi chúng sống trong môi trường cởi mở, nơi chúng được tự do suy nghĩ, được hướng dẫn có cái nhìn đa chiều, được dìu dắt để nhận ra mâu thuẫn trong lập luận của mình, được khuyến khích xây dựng quan điểm cá nhân và phản biện cái nhìn của người lớn mà không bị phán xét. Người lớn chỉ trích, phủ nhận cái nhìn của người trẻ và áp đặt quan điểm của mình sẽ không giúp người trẻ trưởng thành.

LAN KHUÊ

(*) Đọc Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ của tác giả Đặng Hoàng Giang

;
;
.
.
.
.
.