Sức hấp dẫn của ngành nghề thời 4.0

.

Đón đầu xu thế 4.0 và để thu hút sinh viên (SV), trong mùa tuyển sinh năm 2020 - 2021, nhiều trường đại học (ĐH) mở thêm ngành mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo, robot, khoa học dữ liệu; đồng thời củng cố các chương trình đào tạo tiên tiến, các ngành đào tạo công nghệ, điện tử, tự động hóa…

Robot dẫn người qua đường do sinh viên Trường Đại học Duy Tân chế tạo.  Ảnh: N.H
Robot dẫn người qua đường do sinh viên Trường Đại học Duy Tân chế tạo. Ảnh: N.H

Mùa tuyển sinh 2020-2021, các trường ĐH thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng tiếp tục đa dạng hóa các ngành/chuyên ngành bằng cách mở nhiều ngành mới phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Cụ thể, Trường ĐH Bách khoa mở 3 ngành mới là: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Cơ khí hàng không, Kỹ thuật máy tính với chỉ tiêu trung bình 50 SV/ngành. Trường ĐH Kinh tế mở mới ngành Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh, dự kiến tuyển 50 chỉ tiêu trong năm 2020.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo thành viên của ĐH Đà Nẵng còn chú trọng mở rộng các lớp, ngành chất lượng cao (CLC) nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và tạo điều kiện tốt nhất để SV được học tập, nghiên cứu khoa học.

Năm 2020, toàn ĐH Đà Nẵng có 38 ngành, chuyên ngành đào tạo CLC; trong đó Trường ĐH Bách khoa có 16 ngành, chuyên ngành; Trường ĐH Kinh tế có 10 ngành; Trường ĐH Sư phạm có 6 ngành và Trường ĐH Ngoại ngữ có 6 ngành. Ngoài các chương trình CLC, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng cũng đang triển khai các chương trình đào tạo đặc thù trong hai lĩnh vực du lịch và công nghệ thông tin, trong đó SV được thực tập và đào tạo tại doanh nghiệp từ 30 đến 50% thời lượng chương trình đào tạo.

Chia sẻ về ngành học mới Kỹ thuật máy tính, TS. Ngô Minh Trí, Phó Trưởng khoa Điện tử - Viễn thông, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng cho biết, các lĩnh vực được chú trọng trong ngành Kỹ thuật máy tính bao gồm:

Mạng truyền thông đa phương tiện, Hệ thống nhúng, Robot, IoT và Trí tuệ nhân tạo. SV học theo dự án (Project-based learning) được dạy học ở cả nhà trường và doanh nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, SV có khả năng áp dụng kiến thức toán, khoa học, kỹ thuật và công nghệ để giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong lĩnh vực máy tính, điện tử và dữ liệu.

Đặc biệt,  SV có cơ hội làm việc tại các công ty, tập đoàn quốc tế như: Intel, Samsung, Renesas, ACV, Foster, Shinho, Uniquify, eSilicon, Savarti, Unitec, Bosch, FirstSolar, Broadcom và các công ty trong nước như: VNPT-NET, Cảng hàng không quốc tế Việt Nam, Mobifone, Viettel, FPT, SPT, các nhà máy ở các khu công nghiệp, các công ty thiết bị y tế, các đài truyền hình, truyền thanh, các trung tâm điều khiển hệ thống điện Việt Nam…

“Đây là lĩnh vực rất cần nguồn nhân lực CLC trong thời đại 4.0. Do đó, chúng tôi hướng đến đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực này. Chương trình đào tạo sẽ được điều chỉnh, cập nhật định kỳ nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội”, TS. Ngô Minh Trí chia sẻ.

Bên cạnh các trường ĐH công lập, các trường dân lập cũng sẵn sàng vào “đường đua” với việc đầu tư cơ sở vật chất, liên kết, hợp tác quốc tế trong đào tạo các ngành liên quan công nghiệp 4.0. Theo Trường ĐH Đông Á, tính đến tháng 12-2019, ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có gần 50 SV đang làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, hiện đại tại Nhật.

Dự kiến từ năm 2020, sẽ có thêm khoảng 100 SV ngành học này tại Trường ĐH Đông Á sang Nhật, Đức, Singapore thực tập và làm việc mỗi năm theo các chương trình hợp tác tương tự đã được ký kết triển khai với đối tác.

Trong khi đó, Trường ĐH Duy Tân cũng chú trọng hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo kết hợp với việc “mạnh tay” đầu tư cơ sở vật chất, máy móc hiện đại cho các ngành thuộc lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử. Hiện tại, nhà trường có 3 xưởng cơ khí, 8 phòng thí nghiệm, 2 trung tâm hỗ trợ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu…

Đồng thời, nhà trường hợp tác với ĐH Purdue (Northwest), Mỹ chuyển giao các chương trình đào tạo tiên tiến trong lĩnh vực này gần 4 năm. Hợp tác này cũng đã đặt nền móng cho việc Trường ĐH Duy Tân bắt đầu tiến hành công tác kiểm định ABET (chuẩn cao nhất về kiểm định đào tạo khoa học, kỹ thuật của Mỹ).

TS. Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường ĐH Duy Tân cho biết, nhà trường hiện đào tạo 28 ngành học; mỗi ngành nghề đều có thế mạnh riêng nhưng có thể thấy, những năm qua, từ đầu tư cơ sở vật chất, máy móc hiện đại đã thúc đẩy giảng viên, SV nhà trường say mê nghiên cứu trong phòng thí nghiệm - thực hành.

Cũng theo TS. Võ Thanh Hải, thời gian qua, các ý tưởng của giảng viên và SV Trường ĐH Duy Tân dần trở thành hiện thực và hoàn thiện. Đơn cử, sau khi nghiên cứu, thiết kế và chế tạo, nhà trường đã trao tặng 10 chiếc xe lăn cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố; robot phục vụ nhà hàng có khả năng dẫn đường cho khách tham quan trường và phục vụ nhà hàng bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, robot dẫn người qua đường; giường ngủ thông minh Smartbed…

Theo dự báo của các nhà quản lý giáo dục, các ngành nghề thích ứng với thời đại công nghiệp 4.0 tiếp tục có sức hút thí sinh trong mùa tuyển sinh 2020-2021, bên cạnh đó là các ngành mũi nhọn cung cấp nhân lực CLC cho Đà Nẵng (theo Nghị quyết số 43/NQ-TW) như Kinh doanh quốc tế, Quản trị khách sạn, Quản trị du lịch, dịch vụ và lữ hành…

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.