Vun đắp hạnh phúc gia đình

Còn thương là còn hàn gắn

.

Hơn mười năm trước, tại Đà Nẵng đã diễn ra một cuộc đối thoại rất đặc biệt giữa người đứng đầu thành phố với 130 “ông chồng vũ phu” để nói chuyện, giáo dục và yêu cầu ký cam kết “không đánh vợ”. Nói rõ hơn, mục đích chính của cuộc nói chuyện này là mong muốn những ông chồng hành xử văn minh hơn trong đời sống vợ chồng…

Hội viên Hội LHPN phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) tham gia buổi sinh hoạt về lối sống hạnh phúc.Ảnh: T.Y
Hội viên Hội LHPN phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) tham gia buổi sinh hoạt về lối sống hạnh phúc.Ảnh: T.Y

1. Hồi đó, trở về nhà sau cuộc gặp người đứng đầu thành phố trong sự kiện trên, cảm xúc đầu tiên của ông N. (tên nhân vật đã được thay đổi), nhà ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ là... vô cùng xấu hổ. Ông bảo, chính sự xấu hổ đó khiến ông dần thay đổi; nhiều khi theo thói quen muốn vung tay tát vợ một cái cho hả cơn giận nhưng chợt nghĩ lại sợ bà con lối xóm nhìn vào.

Ngoài ra, một điều nữa khiến ông e ngại là việc phải gặp lại các thành viên của tổ hòa giải địa phương. “Họ kiên trì lắm, khuyên nhủ tôi đủ điều, nói rứa chứ mình cũng biết dị, ở trong nhà không sao, nhưng ra ngoài xã hội còn sĩ diện với người ta.

Có lẽ, nhờ tôi còn biết dị nên giờ gia đình tôi sống yên ổn hơn trước”, ông N. cười, nói nhỏ.
Gia đình ông N. hiện là thành viên CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững”, thành lập năm 2017 tại phường Hòa Thọ Tây.

Ngoài vợ chồng ông N., CLB này còn là điểm sinh hoạt của nhiều gia đình khác từng đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì bạo lực gia đình (BLGĐ). Theo ông N., việc ông tham gia CLB để tự răn bản thân, thấy chuyện người mà ngẫm tới chuyện nhà mình.

Ông N. nói: “Hồi mới tham gia CLB tôi cũng tự ti lắm, vì nghĩ mình là thằng đánh vợ nên mới được mời vào CLB này để giáo dục, sau này qua nhiều hoạt động, anh chị em trải lòng hơn, chia sẻ nhiều hơn, kể cả tự khuyên nhau sống tốt nên cũng khá vui”.

CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững” của phường có 35 cặp vợ chồng đang sinh hoạt. Có gia đình đang ấm êm hạnh phúc, nhưng cũng có nhiều cặp từng đứng bên bờ vực hôn nhân. Mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh, nhưng điều quan trọng là họ đã cố gắng duy trì một mái nhà hạnh phúc cho các con.

2. Trong câu chuyện hàn gắn hôn nhân, vai trò của các cấp Hội Phụ nữ rất quan trọng. Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố thường xuyên tổ chức gặp mặt những người vợ là “nạn nhân” của BLGĐ để trao đổi kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử của người phụ nữ trong gia đình; đồng thời, trang bị kỹ năng phòng ngừa BLGĐ và cách tự giải thoát một cách an toàn khi bị bạo lực...

Theo chị Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố, xét về đối tượng, cả vợ lẫn chồng đều có thể là nguyên nhân trực tiếp/gián tiếp dẫn đến BLGĐ. Xét về hoàn cảnh sống, lối sống, điều kiện kinh tế, trình độ hiểu biết pháp luật, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến BLGĐ.

Vì vậy, nếu không có sự rèn luyện của mỗi cá nhân, không có sự định hướng, giáo dục, giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể thì các hộ gia đình có bạo lực khó có thể thay đổi theo hướng tích cực. Cùng với đó, Hội LHPN thành phố cũng tổ chức khá nhiều lớp tập huấn kiến thức pháp luật về gia đình, chia sẻ, tư vấn kinh nghiệm kỹ năng xây dựng, tổ chức cuộc sống gia đình cho nhiều chị em bị BLGĐ tại các quận/huyện, phường/xã ở Đà Nẵng.

Là người theo sát các hoạt động bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em gái tại Đà Nẵng, chị Tăng Hoàng Hôn Thắm luôn trăn trở khi gặp một vài trường hợp phụ nữ có hành vi bạo lực, sỉ nhục chồng; không ít gia đình dẫn đến bạo lực do thái độ và cách ứng xử của người phụ nữ.

Như trường hợp của chị T.D.P (phường Hòa Khánh N., quận Liên Chiểu) làm đơn tố cáo “ổng say ổng đánh em”, nhưng khi tìm hiểu, tổ hòa giải biết được chị D. thường xuyên nhăn nhó, khó chịu ra mặt mỗi khi bạn của chồng đến nhà chơi khiến anh chồng vừa giận, vừa xấu hổ nên đã vung tay tát vợ. Hay như chị T. (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) rất hay lớn tiếng chửi chồng, mắng con, trong khi nhà cửa bừa bộn, chi tiêu gia đình bạ đâu mua đấy khiến người chồng bức xúc.

“Phụ nữ dù sao cũng dễ khuyên nhủ, động viên hơn đàn ông, nên qua vài lần chia sẻ, tâm sự, phân tích đúng sai, lấy con cái làm động lực và cầu nối, các chị đã nhẹ nhàng hơn trong giao tiếp với chồng, nhờ đó gia đình đã thuận hòa hơn trước”, chị Thắm nói.

3. Không phải ai cũng tự tin chia sẻ câu chuyện của mình, nhất là nỗi buồn trong đời sống hôn nhân. Đó là điều chúng tôi cảm nhận được khi đề cập đến vấn đề khá nhạy cảm này. Như trường hợp gia đình chị Đ. ở phường Hải Châu 2, quận Hải Châu. Được các chị Hội LHPN thành phố hết lòng khen ngợi về sự tiến bộ trong đời sống vợ chồng nhưng khi chúng tôi tìm đến, chị nhất mực từ chối vì ngại nhắc đến chuyện cũ.

“Chồng tôi có cái tính rất dễ tự ái, ai nói ảnh từng đánh vợ là ảnh nổi nóng rồi về nhà càm ràm, khó chịu, nên thôi mình tránh nhắc. Giờ thấy ảnh chí thú làm ăn tôi cũng mừng, ở nhà ít gây sự, so với trước thì giờ tiến bộ lắm rồi”, chị Đ. chia sẻ.

Được biết, để giúp gia đình chị Đ. phát triển kinh tế, mấy năm trước, Hội LHPN phường Hải Châu 2 đã hỗ trợ chồng chị một xe máy hành nghề chạy xe ôm. Công việc thường xuyên ra khỏi nhà, giao tiếp với nhiều người, có đồng ra đồng vào, tâm lý anh thoải mái hơn trước. Nhờ đó, cuộc sống gia đình cũng có phần dễ chịu hơn.

Gần 10 năm nay, Hội LHPN được thành phố giao nhiệm vụ theo dõi sự chuyển biến của những cặp gia đình từng xảy ra bạo lực, thông qua việc rà soát, nắm chắc hoàn cảnh từng người, từng vụ việc để có biện pháp giúp đỡ cụ thể; qua đó, tạo điều kiện vay vốn, hỗ trợ sinh kế với mục đích không để các trường hợp bạo lực tái diễn vì lý do kinh tế, đồng thời vận động các cặp vợ chồng ký cam kết “không có hành vi BLGĐ, vợ chồng sống hòa thuận, tham gia tốt các hoạt động tại địa phương”.

Để làm tốt công tác này, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn đã xây dựng nhiều mô hình phòng, chống BLGĐ như thành lập Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ kết hôn, triển khai mô hình “3 trong 1” (ba người giúp đỡ một người), CLB Gia đình không bạo lực...

Có thể nói, trong mỗi gia đình từng xảy ra bạo lực, quyết tâm vượt qua lằn ranh đổ vỡ, tha thứ và duy trì hạnh phúc là sự nỗ lực rất lớn từ chính người trong cuộc. Một cán bộ Hội Phụ nữ địa phương, người từng hòa giải rất nhiều cuộc xung đột gia đình, cho rằng trong đời sống hôn nhân, chỉ cần vợ chồng còn thương nhau, thì việc hàn gắn chắc chắn sẽ thành công, nếu không chỉ là sự gượng ép đơn thuần.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.