Vun đắp hạnh phúc gia đình

Đàn ông xây tổ ấm

.

Gia đình sẽ thực sự trở thành tổ ấm hạnh phúc khi được xây nên bởi tình yêu thương, trách nhiệm và sự sẻ chia. Trong đó, người cha/người chồng có vai trò dẫn dắt, định hướng cho con và yêu thương, trân trọng người bạn đời của mình như lời ước hẹn và chúc phúc của người thân khi hai người về chung một nhà.

Nhờ có chồng đỡ đần, chia sẻ mỗi ngày, công việc của chị Nhẹ (ngồi trước) trở  nên  vui vẻ nhẹ nhàng hơnẢnh: Q.T
Nhờ có chồng đỡ đần, chia sẻ mỗi ngày, công việc của chị Nhẹ (ngồi trước) trở nên vui vẻ nhẹ nhàng hơnẢnh: Q.T

1. Không phải ngẫu nhiên mà Ngày của cha ra đời ở Mỹ năm 1972 (ngày Chủ nhật, tuần thứ ba của tháng 6), nhưng khoảng vài năm gần đây, ngày này mới dần trở nên phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngày của cha là cơ hội để những người vợ, người mẹ, người con và nhất là người cha - người được “vinh danh” có phút ngưng lại để suy ngẫm về vai trò, trách nhiệm không thể thiếu của người đàn ông trong gia đình.

Ngô Khải Hoàng (hướng dẫn viên du lịch tự do, trú xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) thường xuyên đưa hai đứa con (độ tuổi cấp 1-PV) “lên rừng, xuống biển”, thả diều, câu cá, tắm bùn, lội chợ… Anh Hoàng cho rằng, khí chất của đàn ông và phụ nữ sẽ bổ sung cho nhau trong cuộc sống và trong việc nuôi dạy con cái. Đứa trẻ cần có sự kiên định, chín chắn, mạnh mẽ, dũng cảm của cha; có sự dịu dàng, nhu thuận của mẹ, cho nên cả cha và mẹ đều có vai trò quan trọng như nhau. Đặc biệt, con cái sẽ ảnh hưởng tính cách từ người cha rất lớn. Vì trong mắt con, cha là người mạnh mẽ nên bọn nhỏ thường “hâm mộ” hơn và nghe theo.

Đó là lý do anh thường dành nhiều thời gian để ở bên con cái. “Trong quá trình chơi với con mình sẽ quan sát và thấu hiểu tính cách, sở thích của từng đứa để có cách tiếp cận, làm bạn phù hợp. Ví như bé lớn nhà tôi có thiên hướng thích làm đồ thủ công, yêu cái đẹp như vẽ trang trí, tự tái chế áo quần. Bé lớn cũng rất hào phóng, thương bạn. Nhiều lần, tôi thấy bé san sẻ phần bánh kẹo đem theo cho bạn dù bản thân đói bụng. Còn bé sau hơi nóng vội nhưng ưa tìm hiểu, khám phá những thứ mới lạ”, anh Hoàng chia sẻ.

Điểm chung của những người cha “xây tổ ấm” là họ rất quan tâm đến cảm xúc của con cái. Họ để ý đến từng cái chau mày, tiếng thở ra, một hôm ít nói của con… Thầy Lê Viết Chung (giảng viên khoa Tin học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) là một người cha dịu dàng như vậy. Thầy Chung kể, hồi con trai bước vào lớp 6, cứ mỗi sáng thức dậy, sau khi con tươm tất trong bộ áo quần phẳng phiu là hai cha con cùng nhau đến trường. Trên đường đi, hai cha con ríu rít biết bao câu chuyện không ngớt. Thầy nhớ từng con đường, hàng cây, phố xá nơi hai cha con đi qua.

Khi đưa con vào lớp, thầy luôn chúc con có một ngày đi học vui, bổ ích bên bạn bè, thầy cô giáo. Quãng đường cùng con đến trường là khoảng thời gian và không gian tuyệt đẹp nhất trong ngày của thầy. “Chúng ta thường nghe rất nhiều đến các mỹ từ: gia đình hạnh phúc, trường học hạnh phúc mà quên rằng, cốt lõi của vấn đề là trẻ con hạnh phúc. Để con mình hạnh phúc thì phải dạy con cảm nhận những điều hạnh phúc bé nhỏ, do chính người lớn mang lại. Đó là cái ôm ấm áp, là nụ cười động viên, là sẵn sàng lắng nghe, là bữa cơm gia đình… Hóa ra, sự dịu dàng với con cái không phải là bản chất của cha hay mẹ, nó không liên quan đến giới tính mà nó thành thục qua sự học hỏi và rèn luyện. Để trở thành người cha tốt, chúng ta phải là những học trò ham học”, thầy Lê Viết Chung nói.

2. Mối quan hệ thiết yếu nhất trong gia đình là mối quan hệ giữa người vợ và người chồng. Chất lượng của mối quan hệ này sẽ quyết định chất lượng của cuộc sống gia đình. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, những ngày ba mẹ cãi nhau là những ngày rất u ám. Điểm 10 trong bài kiểm tra sẽ được nhét sâu dưới đáy cặp. Bước chân lên cầu thang cũng sẽ rón rén, nhẹ nhàng. Một tiếng rơi vỡ vô tình trong nhà cũng làm tim tôi giật thon thót. Nụ cười chỉ trở lại khi nghe ba gọi mẹ tiếng “em” ngọt ngào.

Nhìn sang nhà khác cũng thấy rằng hạnh phúc của mỗi nhà được vun đắp với những tình cảm trân quý của chồng dành cho vợ và ngược lại. Gần nhà tôi có cặp vợ chồng bán đồ gia vị ở chợ An Cư (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà). Từ khi tôi còn nhỏ xíu đã thấy bác trai hằng ngày chất đồ gia vị lên phía trước chiếc Honda 67 chở vợ ngồi phía sau. Trong sạp hàng ở chợ, bác gái ngồi phía trong cùng, bác trai đứng bên ngoài. Hễ có ai mua đồ là bác gái gói đồ vào bao rồi chuyền ra ngoài, bác trai nhanh tay đưa cho khách, kèm lời cảm ơn hiền hậu. Mấy chục năm nay, hai vợ chồng đều song hành bán mua như vậy. Mấy cô chú bán hàng ở chợ An Cư gật gù: “Mấy ai được như vợ chồng Sử-Nhi. Bao nhiêu năm chạy chợ cùng nhau không một tiếng cãi vã, không một tiếng ồn. Vợ chồng bình dị, nhỏ nhẹ, hạnh phúc”.

Ở chợ An Cư còn có một cặp vợ chồng trẻ “thuận vợ thuận chồng” nữa, là chị Nhẹ ở hàng cá. Chị Nhẹ ngồi cuối chợ, chuyên bán cá biển như: cá thu, bớp, bả trầu… Hồi đầu, ít người thấy mặt chị vì chị hay đội nón và đeo khẩu trang vải lớn. Chỉ thấy mỗi anh chồng cao to, vạm vỡ ngồi cạnh, lúc vãn khách thì tíu tít chuyện trò, lau mồ hôi cho vợ. Thỉnh thoảng ra chợ, ghé hàng cá, thấy vợ chồng chị “anh-em” ngọt xớt, ai cũng khen. Có hôm thấy chồng chị Nhẹ bồng đứa con 6 tháng tuổi ngồi cạnh, mấy người mua hỏi “sao không để bé ở nhà, gửi cho ai đó, dẫn ra chợ búa tội vậy”.

Chồng Nhẹ phân trần: “Ở nhà không có người giữ. Con ở nhà giữ cũng được mà sợ mẹ nó ra chợ bưng đồ nặng. Sạp hàng toàn cá lớn, rồi thau nước, Nhẹ mới sinh không nên làm nặng”. Họ chia sẻ cho nhau những điều thật giản dị như vậy. Mới thấy, người đàn ông không hẳn cần sự nổi tiếng hay thành công vượt trội, mà điều quan trọng nhất là họ luôn sẵn sàng trong tâm thế sẽ luôn sát cánh cùng vợ con, bảo đảm sự yêu thương trong suốt cuộc đời cho người đã cùng họ xây nên tổ ấm. Vậy là đủ.

Gia đình là một tổ hợp mà mỗi thành viên phải hằng ngày vun xới bằng sự chân thành, sẻ chia và trách nhiệm. Những ký ức và hình ảnh về người cha, về một gia đình ấm áp và yêu thương sẽ luôn có giá trị định hướng, bảo bọc cho con cái khi chúng trưởng thành, bước ra xã hội, trở thành công dân có ích.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.