Cải tạo hệ thống đường sắt cũ ở Đông Nam Á

.

Hệ thống đường sắt cũ ở Đông Nam Á sẽ hiệu quả hơn sau khi cải tạo so với việc xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao.

Một đoàn tàu ngừng hoạt động ở ga Naypyitaw, Myanamr.
Một đoàn tàu ngừng hoạt động ở ga Naypyitaw, Myanamr.

Thu hút lại khách hàng

Tuyến đường sắt từ Yangon tới Mandalay chỉ dài chưa tới 650km nhưng hành khách phải di chuyển mất tới 15 tiếng đồng hồ. Đấy không phải là sự khác biệt của Myanmar mà rất “thân quen” ở nhiều nước Đông Nam Á suốt những thập niên qua với khổ đường sắt 1m. Những đầu máy có công suất thấp, những toa tàu cũng xuống cấp theo thời gian và được bảo trì không tốt nên nó vừa chạy chậm, vừa nóng nực và không sạch sẽ. Tuy nhiên, đường sắt vẫn là phương tiện giao thông phổ biến ở Myanmar nhờ giá rẻ khi chỉ có 1 USD cho quãng đường 650km.

Trung Quốc trong những năm gần đây đầu tư mạnh vào tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn toàn cầu 1,435m cho phép chạy nhanh hơn và tàu rộng rãi hơn. Một tuyến đường sắt cao tốc dài 414km nối Côn Minh (Trung Quốc) với thủ đô Vientiane (Lào) trị giá gần 6 tỷ USD, trong đó chính phủ Lào đóng góp 30% kinh phí, dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong tháng 12-2021 với tốc độ lên tới 160km/giờ. Có nhiều dự án đường sắt tốc độ cao tương tự đang thực hiện ở Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản với vận tốc từ 250km/giờ trở lên. Trong lúc ngành công nghiệp hàng không lao đao vì Covid-19 thì đường sắt được lựa chọn nhiều. Đây là cơ hội để chính phủ nhiều nước Đông Nam Á tính chuyện cải tạo hệ thống đường sắt khổ 1m hiện tại với hy vọng có thể sạch, đẹp hơn và tốc độ cao hơn nhằm thu hút lại lượng khách hàng đã đổ sang hàng không.

TS. Ruth Banomyong, người đứng đầu khoa Hậu cần và giao thông - Đại học Thammasat ở Bangkok (Thái Lan), cho biết việc cải tạo hệ thống đường sắt chuẩn cũ dễ dàng và rẻ hơn nhiều so với phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc. Thậm chí, nhiều quốc gia Đông Nam Á không cần thiết có đường sắt cao tốc và cần phải lựa chọn nhà thầu cũng như nhà đầu tư để người dân khỏi lăn tăn.

Kết nối các nước để phát triển du lịch và hàng hóa

Aung Win, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của Đường sắt Myanmar cho biết, trước năm 1988, quốc gia này chỉ có 3.000km đường sắt và nay nhiều hơn gấp đôi. Tuy nhiên, phần lớn không được khai thác vì dịch vụ kém và tiêu chuẩn thấp. Nhiều tuyến đường không còn giá trị kinh tế. Việc cải tạo thay vì đầu tư mới đã mở ra hướng du lịch mạo hiểm cho nhiều nơi tiềm năng.

Thái Lan cũng bắt đầu nhận ra cần phải cải tạo hệ thống đường sắt cũ dù đã thua lỗ 3,1 tỷ USD. Từ đầu năm 2018, ngành đường sắt Thái Lan ký kết 7 hợp đồng để cải tạo 933km đường sắt chủ yếu trong bán kính 250km từ thủ đô Bangkok với những thiết bị chuẩn châu Âu. Kế hoạch này nhằm cạnh tranh với đường sắt khổ lớn đang hoạt động song song ở thủ đô. Ông Voravuth Mala, quyền Giám đốc ngành đường sắt Thái Lan, cho biết một khi hệ thống đường sắt tới khu nghỉ mát Hua Hin hoàn thành quá trình cải tạo vào năm tới thì từ Bangkok tới khu này chỉ còn 3 tiếng đồng hồ nên đủ sức tranh đua với hàng không giá rẻ.

Campuchia cũng chú ý nhiều tới hệ thống đường sắt. Ngành đường sắt thuộc tư nhân là Tập đoàn Hoàng gia Phnom Penh đã mở lại tuyến đường dài 256km từ thủ đô tới Sihanoukville năm 2015, chủ yếu vận chuyển hàng hóa tới cảng. Giải pháp này đã giúp giảm chi phí vận chuyển trong năm 2016 được 8%. Tuyến đường sắt đóng cửa suốt 45 năm là Phnom Penh và Poipet - biên giới với Thái Lan - dài 385km cũng được mở lại năm 2018.

Tốc độ của các tuyến đường sắt khổ 1m sau khi nâng cấp vẫn không thể đạt mức 120km/giờ như lý thuyết nên khó thu hút sự quan tâm của thế giới. Thực tế điều kiện kinh tế ở các nước Đông Nam Á thì việc nâng cấp sẽ tốt hơn làm mới đường sắt cao tốc. TS. Ruth Banomyong nhận định, 10 năm nữa đường sắt khổ 1m sau khi cải tạo sẽ đóng góp tích cực vào vận chuyển người và hàng hóa giá rẻ ở Đông Nam Á.

Tuyến đường sắt Yangon - Mandalay đang được cải tạo với vốn vay 2,4 tỷ USD của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản từ năm 2017 tới nay để thực hiện giai đoạn 1. Cơ quan đường sắt Myanmar cũng cải tạo 260km từ Yangon tới Taungoo, cách thủ đô cũ 220km về phía bắc, dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Khi tuyến đường này hoàn thành sẽ giảm thời gian đi từ Yangoo qua Taungoo tới thủ đô Naypyitaw từ 12 tiếng đồng hồ xuống còn 4,5 tiếng.

Khi giai đoạn 2 hoàn thành 360km từ Taungoo tới Mandalay thì tuyến Yangon - Mandalay chỉ còn lại 8 tiếng so với 15 tiếng hiện tại. Công việc điều hành thiết bị do phía Nhật Bản tổ chức với người lao động bản xứ và tà-vẹt nội địa nên rất được lòng người dân trong nước.

ANH THƯ theo Nikkei Asian Review

;
;
.
.
.
.
.