Chữ người trên sân

.

Sân Cobham của Chelsea ở London sáng thứ Ba vừa rồi diễn ra sự kiện lạ: Các cầu thủ trước lúc bắt đầu buổi tập đã cùng quỳ một gối và ngồi thẳng thớm trong tư thế ấy để xếp thành hình chữ H gọn gàng. H viết tắt cho Human - con người, loài người. Trên màu cỏ xanh tươi, hàng rào cầu thủ quỳ gối trang nghiêm trở thành biểu tượng đanh thép chống phân biệt và kỳ thị chủng tộc.

Các cầu thủ Chelsea quỳ gối xếp hình chữ H tượng trưng cho từ Human (con người) trên sân tập. Ảnh: Twitter
Các cầu thủ Chelsea quỳ gối xếp hình chữ H tượng trưng cho từ Human (con người) trên sân tập. Ảnh: Twitter

Từ sân tập những ngày chuẩn bị cho giải ngoại hạng Anh trở lại, bằng lòng thành và sự tôn trọng phẩm giá, các cầu thủ muốn chuyển thông điệp tình người về khát vọng xây dựng một thế giới yêu thương kết đoàn, không kỳ thị hằn thù và rằng “bên nhau, cùng nhau, chúng ta sẽ có thêm sức mạnh”. Sức mạnh ấy giúp con người ở mọi miền vượt qua ngăn cách, tị hiềm để chung sống trong thanh bình, hướng đến ngày mai an toàn, bình đẳng và tươi đẹp.

Không riêng mảnh sân nhỏ của London, những ngày sau cái chết tức tưởi của người đàn ông da đen George Floyd ở thành phố Minneapolis trên đất Mỹ, các khu tập luyện của Liverpool, Newcastle cũng xuất hiện nhiều biểu tượng kêu gọi cộng đồng góp sức đấu tranh chống nạn kỳ thị chủng tộc. Vòng tròn cầu thủ quỳ gối ở sân tập của Newcastle vây quanh lời gọi “Hãy đoàn kết” trong lúc giữa sân Anfield, ngay từ đầu tuần các học trò của Jurgen Klopp đã nâng niu dòng chữ “Đoàn kết là sức mạnh”.

Như một hiệu ứng có sức lan tỏa nhanh trước biến cố gây chấn động lòng người và làm tổn thương xã hội, sân cỏ càng cho thấy mình không hề cách biệt với đời sống cộng đồng. Không chỉ các vòng tròn biểu tượng phản ánh buồn thương phẫn hận, tiếng nói đầy trách nhiệm đã khẳng khái vang lên từ phía cầu thủ. “Từ chuyện ở Minneapolis, chúng ta càng thấm thía thực tế mình đang sống trong một thế giới nhiều bất trắc mà mỗi người đều có bổn phận góp phần cải thiện để hướng đến một tương lai mới, nơi con người biết yêu thương hơn, không còn ganh ghét, thù hằn” là cảm nhận của Cesar Azpilicueta, hậu vệ đang khoác áo Chelsea. Chân tình, thẳng thắn, cầu thủ này nói rằng, giáo dục chính là chìa khóa mở ra tương lai ấy và vì vậy, ngay từ bây giờ phải làm mọi cách giúp thế hệ trẻ thấm nhuần giá trị của tình người và lòng bao dung, chia sẻ. Paul Pogba, cầu thủ Pháp đang khoác áo Manchester United thì cho rằng tệ nạn kỳ thị chủng tộc vốn bám rễ và ăn sâu ở mọi ngóc ngách, trên sân cỏ, tại công sở và cả trong trường học. Anh kêu gọi mọi người đừng lần lữa nữa, hãy chung tay dẹp bỏ nó ngay từ bây giờ.

“Hãy quỳ gối khi bạn ghi bàn. Tất cả, không phân biệt da trắng hay da đen, hãy làm điều ấy từ đây!” là kêu gọi của Sanjay Bhandari, Chủ tịch Tổ chức chống kỳ thị “Kick It Out”. Bằng sự trải nghiệm trên mặt trận đầy gian truân, Bhandari khẳng định tệ nạn kỳ thị không chỉ nhắm vào cầu thủ da đen hay cổ động viên da nâu mà tất cả mọi sắc da đều có nguy cơ là nạn nhân của nó. Chừng nào nó tồn tại thì xã hội tiếp tục băng hoại, con người còn bị thương tổn và vì thế, chống lại kỳ thị chủng tộc là nhiệm vụ bức thiết.

Jadon Sancho của Borussia Dortmund có lẽ là cầu thủ đầu tiên đáp lại lời kêu gọi thống thiết này. Mở tỷ số cho đội nhà trong trận gặp Paderborn ở vòng đấu mới nhất giải vô địch Đức, Sancho lao về góc sân rồi kéo vạt áo lên, phô ra dòng chữ “Công lý cho George Floyd”. Anh bị trọng tài Daniel Siebert phạt thẻ vàng do hành động này nhưng có lẽ đó là chiếc thẻ phạt ngạo nghễ nhất mà một cầu thủ bóng đá từng nhận. Kết thúc cuộc thư hùng, Sancho được bầu chọn cầu thủ xuất sắc nhất.

Chàng trai 20 tuổi được tán dương không chỉ vì ba bàn thắng đẹp mà vì trên tất cả, đó là cuộc trình diễn của con người chân chính!

ĐÌNH XÊ

;
;
.
.
.
.
.