'Rừng nhiệt đới' trong lòng thành phố

.

Trong số rất nhiều tòa nhà cao tầng đã và đang mọc lên giữa lòng thành phố biển Đà Nẵng, vẫn có những công trình kiến trúc đi ngược lại số đông. Thay vì chọn bê-tông, nhiều chủ công trình lại có xu hướng xanh hóa bê-tông, tạo ra những khoảng xanh mát cho đô thị.

Các công trình ứng dụng cây xanh để tạo ra không gian gần gũi với thiên nhiên ngày càng được nhiều người lựa chọn. Trong ảnh: Một công trình xanh trên đường Yên Bái.  Ảnh: N.H
Các công trình ứng dụng cây xanh để tạo ra không gian gần gũi với thiên nhiên ngày càng được nhiều người lựa chọn. Trong ảnh: Một công trình xanh trên đường Yên Bái. Ảnh: N.H

Nằm ở tuyến đường biển Võ Nguyên Giáp, khách sạn Chicland tạo ấn tượng mạnh cho người đi đường và du khách bởi sự độc đáo, khác biệt. Toàn bộ không gian bên ngoài khách sạn được bao phủ bởi một màu xanh mát của các loại cây khiến Chicland như “ốc đảo xanh” giữa lòng Đà Nẵng.

Bà Đỗ Thị Lan Hương, Giám đốc Kinh doanh và tiếp thị khách sạn Chicland và thời trang Chic-Land cho biết: “Đây là công trình khách sạn đầu tiên trong dự án xây dựng chuỗi khách sạn của chúng tôi. Chúng tôi muốn tạo dựng một khách sạn “resort” đầu tiên ở Việt Nam, một nguyên bản độc đáo gần gũi với thiên nhiên, hòa mình với cây xanh.

Ngay từ đầu, chúng tôi đã định hướng phát triển theo hướng bền vững, vừa phát triển, vừa góp phần bảo vệ môi trường. “Chọn lối sống eco-chic (tạm dịch: sinh thái), mang sứ mệnh đưa con người hòa mình với thiên nhiên, chúng tôi cho rằng, nếu mỗi người trồng một cây xanh thì cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn rất nhiều.

Vì vậy, sau một năm vận hành và sử dụng, chúng tôi đã có một khu vườn xanh mát trước biển. Chúng tôi đã có một khách sạn xanh, một công trình kiến trúc xanh thay vì một “cỗ máy ở”. Tôi mong muốn thông qua công trình xanh này sẽ lan tỏa và truyền cảm hứng để Đà Nẵng có thêm nhiều công trình xanh, sẽ là một thành phố xanh”, bà Lan Hương chia sẻ.

Cũng như nhiều công trình được thiết kế để tạo mảng xanh cho đô thị, việc trồng và duy trì cây xanh trước biển không hề dễ dàng bởi tác động của nắng và gió biển, chưa kể các chi phí để duy trì chăm sóc và bảo dưỡng cây... Vì vậy, khách sạn Chicland đã nghiên cứu, tham khảo rất nhiều công trình khác nhau để lựa chọn, đưa ra những biện pháp trồng và trăm sóc các loại cây đặc trưng, phù hợp với khí hậu biển, chịu được thời tiết của gió lớn và nắng biển…

Công trình đã được phủ xanh bởi khoảng 5.000 cây phong ba, gần 7.000 cây cúc tần Ấn Độ, 300 cây nho biển, 50 cây phát tài núi, 1.253 cây thiên điểu, 95 cây sử quân tử, 250 cây trúc mây, 3.500 cây bạch trinh biển, hơn 1.000 cây lan rẻ quạt cùng nhiều loại cây hoa khác đan xen tạo nên tổng thể đầy màu xanh của khách sạn… “Khách đến lưu trú không chỉ được trải nghiệm các dịch vụ cao cấp mà còn được hòa mình với thiên nhiên xanh mát, nếu may mắn còn được thấy chim làm tổ trong từng khóm cây”, bà Lan Hương cho biết thêm.

Được xem là “rừng nhiệt đới” trong lòng thành phố, quán cà phê nhà hàng Rainforest (đường Yên Bái) với hàng ngàn cây xanh lớn, nhỏ được treo, trồng khắp quán, đang là điểm đến được nhiều người dân địa phương và du khách yêu thích.

Anh Jimmy Lâm, quản lý nhà hàng cho biết: “Chúng tôi muốn mang đến cho người dân địa phương và du khách những không gian xanh mát, gần gũi với thiên nhiên nhất. Vì vậy, khi xây dựng, chúng tôi đã thiết kế, tận dụng những đồ tự nhiên, đặc biệt lựa chọn rất nhiều các loại cây khác nhau vừa trồng xung quanh tạo bóng mát, vừa trang trí tại quán. Khí hậu và thời tiết của Đà Nẵng chủ yếu là nắng nóng nên các cây lựa chọn để trồng, treo trong quán chủ yếu là những loại cây bản địa, dễ chăm sóc… Khi cây lớn quá, chúng tôi liên hệ với những nơi cần để tặng lại cho họ và mua lại những cây nhỏ hơn để tiếp tục chăm sóc”.

Hiện nay, xu hướng xanh hóa bê-tông để tạo ra những mảng xanh cho đô thị ngày càng được ứng dụng nhiều hơn. Đi qua nhiều tuyến phố của Đà Nẵng, dễ dàng bắt gặp những tòa nhà được trang trí, thiết kế bao quanh một màu xanh mát mắt như: công trình tòa nhà Phi Long, công trình Babylon Garden Hotel & Spa; Seahorse Hotel…

Nhiều hộ cũng có xu hướng xanh hóa không gian sống nên thường yêu cầu các kiến trúc sư thiết kế căn hộ có nhiều khoảng trống để đón ánh nắng mặt trời tự nhiên và có thể trồng, nuôi dưỡng các mảng cây xanh. Song, việc thiết kế một ngôi nhà gắn với cây xanh, thiên nhiên đòi hỏi người chủ của căn nhà, công trình phải thật sự yêu thích thiên nhiên và dành nhiều thời gian chăm sóc cây. Hơn nữa, công trình gắn với cây xanh cần nhiều chi phí để duy trì và bảo dưỡng.

Ngoài các công trình kiến trúc lớn như: khách sạn, quán cà phê, nhà ở…, nhu cầu xanh hóa đô thị trên địa bàn thành phố đang được lan tỏa ngày càng nhiều dưới nhiều hình thức khác nhau, đó có thể là một mô hình xanh, góc phố xanh để tạo thêm những mảng xanh.

Chẳng hạn mô hình “Góc xanh thanh niên” vừa được Quận đoàn Liên Chiểu phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường quận triển khai tại địa bàn phường Hòa Minh và Hòa Hiệp Bắc; theo đó cải tạo các khu đất trống, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trở thành các vườn hoa, vườn cây cảnh, cây xanh phủ bóng mát hay khuôn viên sinh hoạt động đồng cho người dân.

Nếu mỗi người trồng một cây xanh thì cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn rất nhiều. Vì vậy, sau một năm vận hành và sử dụng, chúng tôi đã có một khu vườn xanh mát trước biển. Chúng tôi đã có một khách sạn xanh, một công trình kiến trúc xanh thay vì một “cỗ máy ở”. Tôi mong muốn thông qua công trình xanh này sẽ lan tỏa và truyền cảm hứng để Đà Nẵng có thêm nhiều công trình xanh, sẽ là một thành phố xanh”

Đỗ Thị Lan Hương, Giám đốc Kinh doanh và tiếp thị khách sạn Chicland và thời trang Chic-Land

NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.