Tiếng ve học trò

.

Mùa đang chuyển, nắng bung tỏa gay gắt. Bóng mát của những cây bàng, cây phượng ở sân trường trở nên nhỏ bé dưới cái nắng chang chang. Nắng chói đỏ. Học trò ngại ra chơi. Thiếu tiếng cười đùa, vắng những bước chân nhưng sân trường không hề im ắng. Ngược lại vẫn râm ran không ngớt, nhờ có tiếng ve. Vâng, mùa này ve mới là chủ nhân thực sự của sân trường. Nắng càng chói chang, tiếng ve càng giòn giã.

Tiếng ve luôn gợi cho chúng ta nhớ về những năm tháng học trò nhiều kỷ niệm. Ảnh: Internet
Tiếng ve luôn gợi cho chúng ta nhớ về những năm tháng học trò nhiều kỷ niệm. Ảnh: Internet

Đợt này nghỉ dài, cô giáo tôi cũng lửng quên mùa này hoa phượng đang cháy đỏ từng chùm và sân trường rộn rã tiếng ve. Nhưng hôm qua, lúc đi ngang qua ngôi trường cạnh nhà, bất chợt nhìn thấy hoa phượng bung trĩu từng chùm. Rồi lại nghe ve ngân từng hồi, lòng bỗng xốn xang, bồi hồi. Tiếng ve đưa tôi về tuổi thơ xa lắc.

Hồi nhỏ, tôi được học ở ngôi trường nhỏ trong làng. Trường nhỏ nhưng giữa sân có hai gốc cây phượng to vật vã. Điều đặc biệt là âm thanh phát ra từ hai cây phượng khổng lồ đó, dàn nhạc ve. Trước khi cắp sách đến trường, tôi nghe nói nhiều, hát nhiều về tiếng ve gọi hè, tiếng ve giục giã học trò cố gắng vượt qua kỳ thi cuối năm, tiếng ve làm nao nao nỗi buồn xa trường xa lớp nên đã lưu tâm đến nó. Khi được đến trường, tới mùa nắng chín thì ngày nào tôi cũng được nghe tiếng ve ngân. Chúng miệt mài “hợp xướng” suốt ngày đêm. Với tôi, tiếng ve là bản nhạc diệu kỳ của cuộc sống.

Và trong tâm tưởng, tôi đã gọi ve là những ca sĩ đặc biệt, hát được nhạc không lời. Nhưng nói thật, lần đầu tiên nhìn thấy hình dáng của “ca sĩ ve”, tôi… thất vọng toàn tập. Không mỹ miều như tôi đã hình dung. Nói chung, tôi đã tưởng tượng những ca sĩ hát nhạc không lời phải đặc biệt dễ thương, dễ thương vào hàng bậc nhất. Đó là những ca sĩ nhỏ nhắn, e thẹn với bản tính nhút nhát (trốn trong cây), giấu mình nhưng tha thiết được hát, khao khát được thể hiện. Nhưng khi được diện kiến “ca sĩ ve” thì ngỡ ngàng. Cũng tại tôi tự vẽ ra điều bí ẩn đẹp đẽ rồi thất vọng tràn trề khi hiện thực ngược ý.

Nhưng cũng nhờ sự tò mò về hình thù của những “ca sĩ ve” mà tôi đã có cho mình bài học tiếng ve phát ra từ đâu, và vì sao ve trông nhỏ bé như thế nhưng tiếng kêu lại rộn rã, vang xa. Tôi đã vô cùng thích thú khi phát hiện những tiếng nhạc ve được phát ra từ hai cái “loa” làm bằng màng mỏng, phát triển từ ngực, có sườn bên trong. Những vòng sườn co giãn thật nhanh, làm rung màng mỏng tạo thành âm thanh và nhờ bụng ve rỗng nên âm thanh được khuếch đại. Tôi đã được điểm 10 môn Sinh khi trả lời được câu hỏi âm thanh của ve phát ra từ đâu? Đó là điểm 10 đầu tiên và cũng là cuối cùng của môn Sinh học thời cấp 3. Điểm 10 đó là động lực giúp tôi vượt qua kỳ thi tốt nghiệp với nỗi sợ không qua được môn Sinh học.

Câu chuyện với ve của tôi không dừng ở đấy. Nhớ hồi đó, lần đầu tiên nhìn thấy con ve không giống tưởng tượng, tôi đã nổi xung khi bạn bè trêu khô đét xác ve. Nhưng sau một lần, ban đêm cùng cậu em cầm  đèn pin lên sân trường, rọi vào gốc phượng cao lớn bắt ve cho em, tôi đã không còn định kiến về hình dáng không được “ca sĩ” của lũ ve nữa. Tối hôm đó, dưới ánh sáng lấp loáng, tôi đã thấy con ve vàng óng, non tơ chui lên từ đất. Bây giờ thì không còn cảm giác ghê rợn mà thấy chúng nhỏ bé, đáng yêu.

Nhưng phải mãi sau này, khi cuộc đời nhiều lần vấp ngã, tôi mới giác ngộ được bài học, hình dáng bên ngoài cũng chỉ là giả tạm. Hình thức rất quan trọng, nhưng rồi chẳng thể quyết định giá trị của nội dung.      

                            NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
 

;
;
.
.
.
.
.