Tiếp sức ngư dân

.

Để giúp ngư dân yên tâm bám biển, góp phần gìn giữ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, ngoài việc tranh thủ các chính sách của Trung ương, Đà Nẵng còn có những chính sách riêng hỗ trợ ngư dân vươn khơi.

Trên chiếc tàu được đóng mới, ông Bùi Văn Bảy yên tâm vươn khơi, bám biển. Ảnh: MAI HIỀN
Trên chiếc tàu được đóng mới, ông Bùi Văn Bảy yên tâm vươn khơi, bám biển. Ảnh: MAI HIỀN

Đó là sự ra đời của Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND ngày 12-12-2014 của UBND thành phố quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Quyết định 47); Nghị quyết 255/2019/NQ-HĐND của HĐND ngày 11-7-2019 thành phố quy định chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019-2025 (gọi tắt là Nghị quyết 255).

1. Gặp ngư dân Bùi Văn Bảy (trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) ngay trước ngày ông chuẩn bị cho chuyến đi biển tiếp theo dự kiến sẽ kéo dài 9-10 ngày. Ông Bảy cho biết, ông bắt đầu làm nghề biển từ năm 2005 nhưng mãi đến năm 2016 mới sở hữu một con tàu được đóng mới với công suất 890CV nhờ nguồn hỗ trợ 800 triệu đồng từ thành phố theo Quyết định 47. Tiếp đó, năm 2018, cũng nhờ nguồn hỗ trợ 800 triệu đồng từ thành phố, ông Bảy đóng tiếp một con tàu mới với công suất 850CV.

Đến khi Nghị quyết 255 ra đời, ông Bảy được thành phố hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu và được hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá cùng kinh phí thuê bao năm đầu tiên. Ông Bảy chia sẻ:

“Tôi được tiếp cận các chương trình hỗ trợ đều thông qua UBND phường. Mỗi khi Trung ương, thành phố có chính sách hỗ trợ gì mới, cán bộ phụ trách thủy sản phường hay gửi giấy mời lên gặp mặt rồi trao đổi, hỏi thăm xem ngư dân nào có nhu cầu. Tôi thấy việc làm hồ sơ để nhận hỗ trợ cũng không có khó khăn gì. Được thành phố hỗ trợ nhiều như vậy, tôi mừng lắm”.

Sau nhiều năm đi biển cùng gia đình, năm 2010, ngư dân Nguyễn Phương Bình (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) gác lại nghiệp biển, chuyển sang kinh doanh. Đến năm 2018, nhờ sự hỗ trợ 800 triệu đồng từ thành phố theo Quyết định 47, anh Bình đóng được con tàu mới đầu tiên và quyết định quay lại với nghề đánh bắt. Ngoài ra, anh Bình còn được quận hỗ trợ hệ thống năng lượng mặt trời. “Nếu không có nguồn hỗ trợ 800 triệu đồng từ thành phố, chắc không chỉ tôi mà rất nhiều ngư dân khác sẽ không đủ điều kiện để đóng tàu mới”, anh Bình bộc bạch.

Những chiếc tàu được đóng mới giúp ông Bảy, anh Bình có thể vươn khơi nhiều ngày, năng suất lao động tăng lên rõ rệt. Ông Bảy cho hay: “Trước khi có tàu mới, tháng đánh bắt thuận lợi tôi thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng. Khi có thêm tàu mới, tháng đánh bắt thuận lợi tôi thu nhập khoảng 100 triệu đồng”. Anh Bình cũng chia sẻ: “Từ khi có tàu mới, tính an toàn trong đi lại được nâng cao hơn. Ngày trước, tàu cũ của gia đình tôi thì gió cấp 4 là không đi biển được rồi, còn giờ gió cấp 7 vẫn đi được”.

2. Theo Quyết định 47, những tàu đóng mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 600CV được hỗ trợ 500 triệu đồng/tàu; tàu từ 600CV đến dưới 800CV hỗ trợ 600 triệu đồng/tàu; từ 800CV trở lên hỗ trợ 800 triệu đồng/tàu. Chính sách này còn hỗ trợ 100% phí và lệ phí đăng ký, đăng kiểm, đăng ký kinh doanh cho chủ tàu cá. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2019, thành phố đã quyết định dừng Quyết định 47 theo định hướng của Trung ương và ngành thủy sản thành phố.

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho biết: “Tính đến ngày 25-12-2018, số tàu cá của Đà Nẵng là 1.254 chiếc. Con số này đã đạt chỉ tiêu số lượng tàu cá theo quy định. Do đó, việc dừng Quyết định 47 là bước đi đột phá của thành phố trong việc nâng cao giá trị khai thác thủy sản xa bờ, gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo, nhằm ban hành những chính sách mới hỗ trợ ngư dân bám biển trong giai đoạn 2019-2025”. Và tại kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết 255.

Theo đó, nghị quyết này hỗ trợ các tàu cá xa bờ được trang bị đầy đủ máy, thiết bị hiện đại để gia tăng sản lượng khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm thiểu sức lao động trên tàu cá, tạo sự an tâm cho ngư dân bám biển sản xuất, bảo đảm an toàn cho tàu cá hoạt động trên biển, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho ngư dân và đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Nghị quyết này cũng hỗ trợ 40% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu cho tàu cá khai thác thủy sản hoặc hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản ngoài mức hỗ trợ 50% theo các chính sách hỗ trợ của Trung ương cho tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên và có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên; hỗ trợ 100% kinh phí mua thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá và kinh phí thuê bao năm đầu tiên (tính từ thời điểm kết nối thiết bị phục vụ trong khai thác thủy sản, hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản) cho tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên và có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên (thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá chủ tàu đề nghị hỗ trợ phải là thiết bị mới 100%, chủ tàu phải cam kết sử dụng, bảo quản thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá tối thiểu là 3 năm kể từ ngày nhận được chính sách hỗ trợ của thành phố).

Chính sách cũng hỗ trợ 50% kinh phí với tổng mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/tàu để trang bị máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm như: hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu Polyurethane (PU), hầm (thùng) bảo quản sản phẩm có gắn thiết bị lạnh, máy và thiết bị sản xuất nước đá sệt, đá vảy, đá tuyết, cấp đông, máy và thiết bị bảo quản sản phẩm bằng công nghệ Nano; máy, thiết bị dùng trong khai thác thủy sản gồm: máy, thiết bị dò cá; máy và thiết bị định dạng tự động AIS, ra-đa, máy, thiết bị lọc nước biển làm nước ngọt sử dụng trên tàu cá cho chủ tàu có tàu cá (trừ tàu cá hoạt động nghề lưới kéo) có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên và có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên (các loại máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm; máy, thiết bị dùng trong khai thác thủy sản chủ tàu đề nghị hỗ trợ phải là máy, thiết bị mới 100%; chủ tàu phải cam kết sử dụng, bảo quản máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm; máy, thiết bị dùng trong khai thác thủy sản được lắp đặt trên tàu trong thời gian tối thiểu là 3 năm kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ của thành phố).

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.