Ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông

.

Nỗi đau mang tên tai nạn giao thông (TNGT) cứ âm ỉ, kéo dài, trở thành nỗi ám ảnh của những người tham gia giao thông. Chỉ khi nào người dân nâng cao ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông thì mới mong cuộc chiến TNGT có hồi kết.

Học sinh được tuyên truyền giáo dục về Luật Giao thông đường bộ để xây dựng ý thức khi tham gia giao thông. Trong ảnh: Buổi sinh hoạt ngoại khóa về việc phải đội mũ bảo hiểm và chạy xe đúng làn đường tại Trường tiểu học Ông Ích Đường (quận Cẩm Lệ). Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp
Học sinh được tuyên truyền giáo dục về Luật Giao thông đường bộ để xây dựng ý thức khi tham gia giao thông. Trong ảnh: Buổi sinh hoạt ngoại khóa về việc phải đội mũ bảo hiểm và chạy xe đúng làn đường tại Trường tiểu học Ông Ích Đường (quận Cẩm Lệ). Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp

Trách nhiệm của phụ huynh

Không khó để bắt gặp những hình ảnh các em nhỏ, học sinh không đội mũ bảo hiểm ngồi sau khi tham gia giao thông cùng với cha mẹ trên các tuyến đường, đặc biệt là tại các cổng trường tiểu học, THCS, THPT. Đó là chưa kể tình trạng chở con thản nhiên vượt đèn đỏ tại các giao lộ.

Trong khi các thầy, cô giáo ở nhà trường, các phương tiện thông tin đại chúng đang ra sức tuyên truyền về chấp hành Luật ATGT đường bộ, trong đó có quy định phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cho lứa tuổi mầm non thì lại có những phụ huynh đi ngược lại các quy định đó, nghiêm trọng hơn là vô hình trung, họ đã trở thành tấm gương xấu cho con em mình.

Mỗi đứa trẻ là một tấm gương phản chiếu giáo dục của mỗi gia đình. Một hành động xấu của bậc sinh thành có thể vẽ lên tờ giấy trắng là những đứa trẻ, những hình thù xấu xí. Chính vì thế, khi phụ huynh vi phạm Luật Giao thông đường bộ thì không thể dạy bảo con em mình làm đúng được.

Theo số liệu của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 10 tháng đầu năm 2018 đã có 962 trẻ em thương vong do TNGT. Còn theo số liệu khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2015, cứ 4 phút trôi qua trên thế giới lại có 1 trẻ em mất đi mạng sống vì TNGT.

Một năm có khoảng 186.000 trẻ em tử vong do TNGT đường bộ. Tại Việt Nam, con số 2.300 trẻ tử vong mỗi năm, trong đó chỉ có khoảng 23,5% số trẻ được đội mũ bảo hiểm đã nói lên nhiều điều. Thế nhưng nhiều cha mẹ vẫn thờ ơ trước mạng sống của các con. Họ, một mặt thiếu ý thức công dân, mặt khác đã vô trách nhiệm với con cái mình, lứa tuổi rất cần được rèn luyện, giáo dục ý thức công dân, tôn trọng pháp luật.

Theo ông Diệp Dân Hùng (Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND thành phố Đà Nẵng), để chấm dứt tình trạng phụ huynh vi phạm luật giao thông, thể hiện qua việc chở con đến trường không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ…, các bậc phụ huynh cần nhìn lại mình, nghĩ về tương lai của con em mình.

“Các em sẽ ra sao khi mà lúc còn ngồi ở ghế nhà trường đã gián tiếp hoặc trực tiếp chứng kiến và vi phạm các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, với sự “tiếp tay” của cha mẹ mình. Qua sự việc này, các cơ quan chức năng cũng cần có các biện pháp tuyên truyền, xử phạt các trường hợp vi phạm, để cho các em thấy được sự nghiêm minh của pháp luật, sự sai trái của cha mẹ mình, từ đó tác động lại cha mẹ, không hợp tác, đồng lõa với những cái sai của họ, góp phần tạo nên những hình ảnh đẹp trên những nẻo đường đến trường, làm đẹp hơn “bức tranh” của một đô thị văn minh, hiện đại”, ông Hùng chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, công tác chỉ đạo về giáo dục ATGT cho học sinh được ngành giáo dục và đào tạo thành phố thực hiện thường xuyên, liên tục với rất nhiều văn bản chỉ đạo. Ngành giáo dục, công an và các ban, ngành, đoàn thể đã thực hiện rất nhiều công tác tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao thông cho học sinh trong chương trình chính khóa lẫn ngoại khóa.

Từ năm học 2018-2019 đến nay, vào ngày khai giảng năm học mới, 100% học sinh lớp 1 đều được tặng mũ bảo hiểm do Công ty Honda Việt Nam hỗ trợ. “Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số thực trạng không hay, phổ biến là phụ huynh không đội mũ cho con khi ngồi trên mô-tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện. Một bộ phận người lớn thiếu ý thức làm gương cho trẻ em trong việc chấp hành các quy định về ATGT; phụ huynh vẫn giao xe máy cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi, chưa bảo đảm các điều kiện theo quy định; phụ huynh vẫn mua và giao xe máy điện cho con điều khiển khi chưa đủ 16 tuổi.

Sắp tới, ngành giáo dục sẽ phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục học sinh chấp hành nghiêm các quy định về ATGT; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh đội mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng và cài quai đúng cách cho con khi ngồi trên xe với thông điệp: “Đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ””, ông Vương nói.

“Đã uống rượu bia, không lái xe”

Có thể nói, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt Nghị định 100) ban hành ngày 30-12-2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt dù mới được ban hành nhưng đã thực sự đi vào cuộc sống và tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân về ý thức chấp hành pháp luật.

Anh Vũ Thành Danh (sinh năm 1990, kỹ sư xây dựng, trú tại tuyến đường Lê Trọng Tấn, quận Cẩm Lệ) kể, uống vài ly bia sau trận đá bóng buổi chiều là thói quen của anh và nhóm bạn từ nhiều năm nay. Từ khi Nghị định 100 được áp dụng, thói quen này có sự thay đổi nhỏ. Hôm nào có “kèo” nhậu là sáng hôm đó, các thành viên trong nhóm đều đặt xe ôm công nghệ đi làm.

“Thực tế nói đàn ông bỏ nhậu là khó lắm, mà pháp luật cũng không cấm chuyện nhậu. Nếu biết uống cầm chừng, nhậu đúng cách thì tôi cho rằng sẽ vui hơn ăn uống bình thường. Mình ngồi nói chuyện lai rai với bạn bè thấy gần gũi hơn. Luật chỉ quy định không lái xe khi có cồn. Tôi cho đó là điều tốt và mình phải chấp hành. Hiện tại tôi và nhóm bạn cũng đã quen với việc đặt xe để đi nhậu”, anh Danh nói.

Dọc tuyến đường Chương Dương (quận Ngũ Hành Sơn) có gần 20 quán nhậu. Trước Nghị định 100, tầm từ 18 giờ trở đi, lượng khách nhậu khắp nơi đổ về tuyến đường này, quán nào cũng kín bàn, hàng xe đậu nối đuôi nhau.

Từ ngày Nghị định 100 được áp dụng, lượng khách đổ về giảm hẳn, kể cả ngày cuối tuần, trừ một số quán cá biệt, hầu hết các quán còn lại luôn trong tình trạng đìu hiu, còn nhiều bàn trống. Anh Võ Xuân Hoàng (tài xế Grabcar, trú tại tuyến đường Châu Thị Vĩnh Tế, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay: “Nhiều người dân đã thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Cả dân ham nhậu cũng “rét” trước mức phạt “rắn” của Nghị định 100. Nhiều người nghĩ đây là “thời” của taxi, Grab vì sẽ được đặt cuốc xe nhiều hơn nhưng không hẳn.

Thu nhập của tôi và một số đồng nghiệp tôi biết vẫn không tăng mấy. Làm một bài toán nhỏ, mỗi cuộc nhậu trung bình góp 200.000 đồng, đặt xe đi-về tốn phí tương đương nữa thì ai mà nhậu mãi được. Chỉ thường đến cuối tuần, số lượng đặt xe có nhỉnh hơn đôi chút. Mấy anh em lái xe chúng tôi rảnh rỗi hay tụm lại bình luận: mức phạt này là hợp lý để xây dựng một “văn hóa giao thông sạch”. Tôi tin sẽ không bao lâu nữa, tình trạng có cồn khi lái xe sẽ giảm và hết hẳn”.

Nhằm tuyên truyền Nghị định 100, Ban ATGT thành phố đã ban hành các văn bản đề nghị các đơn vị đẩy mạnh thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, tổ chức phát sóng tuyên truyền “Đã uống rượu bia - không lái xe”, tổ chức treo 350 phướn tuyên truyền trên các tuyến đường chính, cấp phát 3.000 cuốn cẩm nang phòng chống tai nạn giao thông do uống rượu, bia…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban ATGT thành phố, tình trạng người điều khiển mô-tô, xe máy chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, đi không đúng phần đường, làn đường còn xảy ra; hoạt động của các loại xe tải trên các tuyến đường còn phức tạp. Đặc biệt, ý thức chấp hành Luật Giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế.

Đại diện Sở Giao thông vận tải thành phố cho hay, sắp tới, các đơn vị phối hợp sẽ đổi mới cách tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT bằng nhiều hình thức. Trong đó, tuyên truyền theo từng đối tượng, từng khu vực, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ; đồng thời, tiếp tục kiểm tra, rà soát, xử lý các bất hợp lý trong tổ chức giao thông.

Theo báo cáo của Ban ATGT thành phố, kết quả xử lý chuyên đề nồng độ cồn theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP: Tổng dừng kiểm tra 11.563 phương tiện; lập biên bản 209 trường hợp; ước tính tiền phạt hơn 1,3 tỷ đồng. Tình hình tai nạn giao thông (từ ngày 15-12-2019 đến ngày 14-3-2020) xảy ra 16 vụ, làm chết 14 người, bị thương 11 người. So với cùng kỳ năm 2019 giảm 4 vụ, giảm 4 người chết.

QUỲNH TRANG
 

;
;
.
.
.
.
.