Bảo tồn động vật hoang dã: Nhiều khó khăn, thách thức

.

Trong lúc xảy ra đại dịch Covid-19, du khách không thể đến châu Phi. Những kẻ săn trộm nhân cơ hội này vào các điểm du lịch hiện không có du khách và hướng dẫn viên để giết chết tê giác, hươu cao cổ, thậm chí cả tinh tinh.

Tê giác trắng ở Công viên quốc gia Pilanesberg tại Nam Phi.  Ảnh: Getty Images
Tê giác trắng ở Công viên quốc gia Pilanesberg tại Nam Phi. Ảnh: Getty Images

Ở Cộng hòa Botswana, quốc gia nằm sâu trong lục địa tại phía nam châu Phi, ít nhất 6 con tê giác đã bị săn trộm kể từ khi thực hiện các biện pháp phong tỏa, đóng cửa vì Covid-19. Tương tự, phía tây bắc Nam Phi, 9 con tê giác đã bị giết. Ông Map Ives, người sáng lập Rhino Conservation Botswana (RCB) - tổ chức Bảo tồn tê giác ở Botswana cho biết: “Có thể chúng ta thấy không chỉ săn trộm tê giác, voi và các động vật mang tính biểu tượng khác, mà nạn săn trộm thú rừng nói chung cũng sẽ gia tăng trên khắp lục địa. Rất nhiều người không thể kiếm sống nên hướng sang thế giới tự nhiên”.

Đáng lo ngại là nạn săn trộm diễn ra ở những điểm du lịch vốn là nơi an toàn cho động vật hoang dã. Tổng thống Botswana Mokgweetsi Masisi cam kết rằng, chính phủ của ông sẽ chống lại những kẻ săn trộm, hầu hết đến từ các nước láng giềng Namibia và Zambia. “Tình trạng săn trộm là vấn đề nghiêm trọng phải được chấn chỉnh. Những kẻ săn trộm bất hợp pháp không dùng giáo mác, gậy gộc giống như một số kẻ trộm đột nhập vào các hộ gia đình. Những tên tội phạm này đã mua những vũ khí tinh vi, cực kỳ nguy hiểm để giết chết con vật. Đó là lý do tại sao chúng tôi điều quân đội vào rừng để bảo vệ động vật”, ông Masisi nói.

Trong khi đó, Cộng hòa Uganda nằm hoàn toàn trong lục địa châu Phi, nổi tiếng với Công viên quốc gia thác nước Murchison do Cơ quan Động vật hoang dã Uganda (UWA) quản lý. Động vật hoang dã trong công viên bao gồm: voi, hà mã và có những con tinh tinh trong rừng gỗ gụ Kaniyo Pabidi.

Các nhà chức trách tin rằng, hàng ngàn thiết bị săn bẫy bất hợp pháp đã được giấu trong Công viên Murchison, cùng 9 công viên quốc gia khác kể từ khi phong tỏa để phòng, chống Covid-19. Tháng 6-2020, 4 người đàn ông đã bị bắt và đối mặt án chung thân hoặc nộp phạt 5,4 triệu USD với cáo buộc giết con khỉ đột núi có tên Rafiki ở Công viên quốc gia Bwindi. Loài khỉ đột núi bị giới hạn trong các khu được bảo vệ ở Uganda, Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda. Theo UWA, chỉ còn khoảng 1.000 cá thể khỉ đột núi đang sinh sống tại Uganda.

Ở Đông Phi, Kenya được mệnh danh là “thiên đường động vật hoang dã”. Chỉ riêng Vườn quốc gia Nairobi, du khách có thể chiêm ngưỡng sư tử, tê giác, hươu cao cổ, ngựa vằn và nhiều loại động vật khác. Song, Covid-19 là đòn giáng mạnh vào ngành du lịch cũng như những nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã của nước này.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã Kenya Dickson Kaelo cho biết, vấn đề đặt ra là săn trộm thú rừng đã tồn tại ở quy mô nhỏ ngay cả trước khi Covid-19 bùng phát. Giờ đây, với nhiều người Kenya bị mất việc, thịt rừng sẽ hấp dẫn hơn thịt từ người bán được cấp phép. Nếu kiểm lâm không có lương, họ sẽ giám sát hiệu quả các hoạt động của con người trong và ngoài khu bảo tồn bằng cách nào?

Một tổ chức phi chính phủ của Anh từng tiết lộ rằng, các mạng lưới tội phạm có nguồn gốc Trung Quốc hoạt động tại Nam Phi đã xử lý sừng tê giác tại địa phương thành chuỗi hạt, vòng đeo tay, vòng đeo và bột để trốn tránh phát hiện, đồng thời cung cấp các sản phẩm làm sẵn cho người tiêu dùng ở châu Á. Cùng với khủng hoảng Covid-19, những trường hợp như vậy đặt ra thách thức lớn đối với các cơ quan thực thi pháp luật ở châu Phi.

Cuối năm 2019, lúc chưa xảy ra Covid-19, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (World Wide Fund for Nature - WWF, tên gọi cũ là Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới - World Wildlife Fund) cho biết, thế giới còn khoảng 20.000 con tê giác trắng, 5.000 con tê giác đen và 3.500 con tê giác một sừng, riêng một số loài như tê giác Sumatra chỉ còn 80 con. Giờ đây, WWF cảnh báo về sự gia tăng mạnh mẽ hoạt động săn trộm tê giác, voi đen và trắng bất hợp pháp. Ít nhất 35.000 con voi châu Phi bị những kẻ săn trộm giết hại hằng năm. Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), số lượng voi châu Phi đã giảm 110.000 con xuống còn 415.000 con do nạn săn bắn trái phép.
 

HOÀNG ĐẶNG theo Lifegate

;
;
.
.
.
.
.