Ca khúc hay cho thiếu nhi thừa hay thiếu?

.

Trong kho tàng ca khúc thiếu nhi của nước ta, có rất nhiều ca khúc không những đi vào lòng trẻ em mà còn cả người lớn và sống cùng năm tháng. Nhưng thực tế hiện nay, ngày càng vắng bóng ca khúc hay dành cho thiếu nhi.

Tiết mục biểu diễn của ca sĩ nhí Như Khôi tại Nhà hát Trưng Vương với một ca khúc phù hợp lứa tuổi vào tháng 1-2019 làm nhiều khán giả xúc động. Ảnh: H.T
Tiết mục biểu diễn của ca sĩ nhí Như Khôi tại Nhà hát Trưng Vương với một ca khúc phù hợp lứa tuổi vào tháng 1-2019 làm nhiều khán giả xúc động. Ảnh: H.T

Nói về ca khúc dành lứa tuổi thiếu nhi ở nước ta, nhìn lại chiều dài phát triển, có những giai đoạn rất hưng thịnh, cả những năm tháng đất nước trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc đến xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Có không ít nhạc sĩ tên tuổi gắn với những ca khúc thiếu nhi như Phong Nhã, Hoàng Long - Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích, Nghiêm Bá Hồng, Bùi Đình Thảo…, với những tác phẩm để đời như: Em yêu trường em (Hoàng Vân), Hạt gạo làng ta (Trần Viết Bính), Em bay lên trong đêm pháo hoa (Hàn Ngọc Bích), Đi học, Em đi giữa biển vàng và Đưa cơm cho mẹ đi cày (Bùi Đình Thảo), Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ (Xuân Giao),  Bác Hồ người cho em tất cả (Hoàng Long - Hoàng Lân), Trái đất này là của chúng mình (Trương Quang Lục)…

Sau ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), cũng có không ít những ca khúc thiếu nhi hay như: Cả nhà thương nhau (Phan Văn Minh), Điệu lý quê em (Thái Nghĩa), Bài học đầu tiên (Trương Xuân Mẫn)… Phải nói rằng, trong kho tàng ca khúc thiếu nhi của nước ta, rất nhiều những ca khúc không những đi vào lòng trẻ em mà còn cả người lớn và sống cùng năm tháng. 

Đó là chuyện đã qua, còn giờ đây, có một thực tế là ngày càng vắng bóng ca khúc hay dành cho thiếu nhi. Có thể việc đầu tư sáng tác của các nhạc sĩ cho đề tài thiếu nhi bị hạn chế bởi nhiều lý do, trong đó có cả lý do kinh tế; cũng có thể do công tác quảng bá, giới thiệu ca khúc mới cho thiếu nhi không được quan tâm, dẫn đến nhạc sĩ cũng không mấy mặn mà với thể loại này; cũng có thể do các em sống trong thời 4.0, tiếp cận với nhạc dance, rock nên thích âm nhạc sôi động, tiết tấu nhanh… Cách đây 5 năm, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2015 được công bố với nhiều giải ở hạng mục ca khúc, nhưng không tìm ra giải A cho ca khúc thiếu nhi, cũng là một minh chứng cho sự thiếu vắng đó.

Thực tế, bên cạnh việc thiếu vắng ca khúc hay cho thiếu nhi là sự “trưởng thành sớm” của các giọng ca nhí. Phổ biến là tình trạng các em ngày càng có trào lưu bắt chước người lớn khi hát những ca khúc không phải dành cho lứa tuổi của mình. Những ca khúc về tình yêu của giới trẻ lại được trẻ em thuộc nằm lòng. Thực trạng này còn được thấy rõ thêm khi truyền hình thực tế dành cho trẻ em nở rộ, thí sinh nhí gồng mình thể hiện những bài hát viết cho người lớn, với sự hướng dẫn, cổ vũ của người lớn. Từ đó dẫn đến câu chuyện “tuổi… không đuổi kịp ca khúc”.

Chẳng hạn, game show Người hùng tí hon - chương trình tìm kiếm tài năng dành cho trẻ em từ 4-13 tuổi trong các lĩnh vực ca hát, khiêu vũ và biểu diễn tài năng, mà theo tiêu chí của chương trình này là nhằm “đánh thức khả năng tiềm ẩn bên trong những người hùng tí hon”, xem một clip thì thấy một cô bé học lớp 3, mặc áo dài với quần cách điệu, hát bài Tàu anh qua núi (Phan Lạc Hoa), rồi Ngẫu hứng lý ngựa ô (Trần Tiến)… Các tiết mục khác do các em từ 4 đến 12-13 tuổi biểu diễn, trong đó có cả những em mới hơn tuổi mẫu giáo một chút nhưng hát những bài nhạc trẻ, tình yêu trai gái. Vậy mà các em được ban giám khảo gồm người nổi tiếng chấm điểm, tung hô, khen ngợi, cùng với những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả.

Các game show khác dành cho thiếu nhi trên truyền hình như Thần tượng âm nhạc nhí, Gương mặt thân quen nhí, Sinh ra để tỏa sáng, Biệt tài tí hon, Tuyệt đỉnh song ca nhí… cũng vậy. Ở những mùa đầu, các em còn thể hiện ca khúc đúng lứa tuổi. Nhưng về sau, hầu hết các thí sinh nhí khoe giọng với Bóng cây K’nia, Và tôi cũng yêu em, Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Nobody của nhóm nhạc Hàn Quốc Wonder Girls… Không phủ nhận một số em có giọng rất tốt, nhưng khi hát những bài dành cho người lớn, nhiều em hát như “lên gân” và không còn gì nét hồn nhiên của trẻ thơ. Và chắc chắn các em không thể hiểu hết ý nghĩa của ca từ.

Làm sao để âm nhạc cho thiếu nhi có “đất sống”? Câu trả lời thuộc về ai: gia đình, nhà trường, những người làm chương trình truyền hình, hay Hội Nhạc sĩ Việt Nam? Thiếu bài hát hay cho thiếu nhi không còn là chuyện mới và thực tế này một lần nữa gióng lên cảnh báo về khoảng trống trong sáng tác ca khúc của nền âm nhạc nước nhà.

DÂN HÙNG

;
;
.
.
.
.
.