Các nước tăng mạnh chi tiêu công

.

Đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan khiến các quốc gia đang phát triển và nền kinh tế mớii nổi phải tăng mạnh chi tiêu công dẫn tới nguy cơ nợ nần lớn.

Các thành viên một tổ chức tình nguyện ở Ấn Độ chuẩn bị phát lương thực cho người dân ở Mumbai. Ảnh: AP
Các thành viên một tổ chức tình nguyện ở Ấn Độ chuẩn bị phát lương thực cho người dân ở Mumbai. Ảnh: AP

Lựa chọn khó khăn

Kinh tế toàn cầu suy thoái vì Covid-19, trong đó những quốc gia đang phát triển và những nền kinh tế mới nổi dễ bị tổn thương nhất. Họ có khả năng đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tài chính trong những năm tới trừ khi hạn chế được chi tiêu y tế, bảo vệ xã hội trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh. Các nước này đứng trước một trong hai lựa chọn để tránh thâm hụt ngân sách tăng cao, đó là chấp nhận đối mặt với sự bất ổn định xã hội vì cắt giảm chi tiêu công hoặc đàm phán với các nhà đầu tư để cơ cấu lại các khoản nợ.

Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, trung bình các quốc gia đang phát triển và nền kinh tế mới nổi là Ấn Độ, Malaysia, Ba Lan, Qatar, Nam Phi và Thái Lan đưa ra gói hỗ trợ dịch bệnh hồi tháng trước chiếm 5,4% GDP. Những nền kinh tế dựa vào du lịch và sản xuất hàng hóa quy mô lớn dễ bị tổn thương nhất khi khoản nợ của họ đã chạm mốc kỷ lục 51% GDP. Những quốc gia có thặng dư trước đây cũng tính chuyện hạn chế chi tiêu công. Khi dịch bệnh mới bùng phát, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo các quốc gia đang phát triển và nền kinh tế mới nổi cần được hỗ trợ tài chính ít nhất 2.500 tỷ USD cho y tế và bảo vệ xã hội mới vượt qua được khủng hoảng.

Brazil và Nam Phi mỗi năm sẽ phải bù đắp thâm hụt ngân sách khoảng 15% GDP. Nhu cầu tái tài trợ nợ đáo hạn sẽ đẩy nhu cầu vay của họ trong năm lên 25% GDP. Ông William Jackson, chuyên gia kinh tế ở các thị trường mới nổi thuộc Công ty Tư vấn nghiên cứu Capital Economics, nhận định rằng Brazil muốn giữ được nợ dưới 100% GDP thì phải siết tài chính tương đương 6-7% GDP/năm trong nhiều năm liên tiếp. Nam Phi hay Mexico cũng gặp phải tình trạng tương tự.

Chính sách giãn nợ không đủ để các nước nghèo vay thêm

Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) hồi tháng 4 đã đồng ý cho các nước nghèo chậm trả nợ tới hết năm 2020. Khoản tiền cả gốc lẫn lãi ước chừng 20 tỷ USD được tập trung đầu tư vào y tế, xã hội để ứng phó với Covid-19. Nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7), bao gồm Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada hồi tháng 6 cũng lên tiếng ủng hộ kế hoạch của G20 là tạo không gian tài khóa để các nước có nguồn tiền cho y tế, biện pháp xã hội đối phó với đại dịch.

Hàng nghìn tỷ USD từ các ngân hàng trung ương những nước phát triển tung ra thị trường đã “chảy” một phần qua các nền kinh tế mới nổi. Hồi tháng 3, có tới 33,5 tỷ USD chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi thì nay đã có gần 50 tỷ USD chảy vào lại. Chính phủ ở các nước đang phát triển huy động được gần 90 tỷ USD trên thị trường trái phiếu kể từ đầu tháng 4 tới nay.

Trước mắt, dòng tiền này giúp các quốc gia giảm áp lực tài chính cũng như sức ép phải tìm giải pháp đầu tư dài hạn. Nhưng về lâu dài, vấn đề ngân sách rất nghiêm trọng do phải chịu cảnh tăng lãi suất và trả nợ. Các chuyên gia cho rằng, đây là việc chưa từng xảy ra trước đây, khiến vấn đề nợ nần phình lớn hơn. Hội nghị bộ trưởng tài chính G20 vừa qua không đạt được tiến triển trong cách thức giảm nợ rộng rãi cho các nước nghèo. Trong rất nhiều trường hợp, việc tái cấu trúc nợ không đủ để các quốc gia nghèo vay chính thức.

Nguyên nhân do nhiều nước thu nhập thấp và nghèo có nguồn tài chính hạn chế, chưa kể nghĩa vụ nợ vẫn tiếp tục tồn tại theo thời gian nên khó khăn cho việc vay thêm nguồn tài chính. Ông Richard Kozul-Wright, Giám đốc Chiến lược toàn cầu hóa và phát triển tại UNCTAD (Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển) cho rằng, không có nhiều sự lạc quan về sự phục hồi kinh tế hình chữ V vì đối với các nước đang phát triển, điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới.

Trong lúc xảy ra Covid-19, có 42 quốc gia đề xuất được giãn nợ với tổng nợ lên tới 5,3 tỷ USD. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất kéo dài thời gian giãn nợ. Trong khi đó, dữ liệu từ một số tổ chức từ thiện trên thế giới như Oxfam, Christian Aid và Global Justice Now ghi nhận số nợ phải trả của 73 nước nghèo nhất thế giới vào cuối năm 2020 lên tới 33,7 tỷ USD. Hiện các đề xuất được đưa ra, theo đó G20 có thể giúp giãn nợ cho đến năm 2021 hoặc 2022, thay vì G20 chỉ đồng ý cho các nước nghèo chậm trả nợ tới hết năm 2020.

ANH THƯ theo Financial Times

;
;
.
.
.
.
.