Cẩm nang truyền thông dưới góc nhìn của người trong nghề

.

Có thể nói, Truyền thông theo phong cách Win - Win (*) của tác giả Phạm Sông Thu là cẩm nang làm nghề đối với những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và vô cùng bổ ích đối với sinh viên theo học ngành này.

Xem mục lục, rất dễ lầm tưởng cuốn sách Truyền thông theo phong cách Win-Win nặng hệ thống lý thuyết. Nhưng chỉ cần lật giở những trang viết đầu tiên, người đọc dễ dàng bị cuốn hút đến trang cuối cùng. Bởi lẽ, với kinh nghiệm làm báo lẫn truyền thông, tác giả đã khéo léo dẫn dắt độc giả từ câu chuyện này đến trải nghiệm khác, một cách nhẹ nhàng, đầy ý nhị.

Những câu chuyện cả ở trong nước lẫn quốc tế, cả thất bại lẫn thành công, được phân tích chặt chẽ, rõ ràng, với lập luận sắc sảo và dẫn chứng có hệ thống. Những câu chuyện mà chưa giảng đường đại học nào đưa vào giáo trình để giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành truyền thông. Từ góc nhìn thực tế của người viết, người đọc tự vỡ lẽ bài học cho riêng mình.

Cuốn sách không chia từng chương cụ thể mà phân thành nhiều nội dung lớn: tầm quan trọng của truyền thông, truyền thông khủng hoảng, truyền thông thương hiệu, truyền thông mạng xã hội, truyền thông sự kiện, truyền thông chính sách, truyền thông xã hội, truyền thông cảm xúc, truyền thông nội bộ, xây dựng mối quan hệ với báo chí, một số kỹ năng mềm, xu hướng truyền thông hội tụ lên ngôi, PR là nghề và báo chí là nghiệp.

Mỗi phần mục, tác giả đều kỳ công chắt lọc dữ liệu thực tiễn về những tình huống truyền thông và đề cập bằng câu chữ cẩn thận, văn phong hiện đại. Tác giả dám nhìn thẳng, nói thật về hậu trường truyền thông - điều không phải ai cũng dám làm, qua đó phần nào khái quát bức tranh truyền thông của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Trong đó, Phạm Sông Thu đặc biệt quan tâm truyền thông khủng hoảng. Anh dành phần lớn lời ngỏ và 62 trang sách để đề cập về vấn đề này. Tác giả nhận định: Khủng hoảng có cả mặt tiêu cực lẫn tích cực, nó nên được nhìn nhận như cơ hội để doanh nghiệp thu hút sự chú ý của công chúng. Vì thế, hãy tận dụng khủng hoảng chứ đừng coi nó như một thứ gì đó xấu xa, tệ hại. Anh cũng nhấn mạnh, cách xử lý khủng hoảng khôn ngoan nhất chính là đừng để nó xảy ra. Nguyên tắc đầu tiên trong quản trị khủng hoảng là đề phòng bằng việc nâng cao ý thức quản trị rủi ro.

Phạm Sông Thu còn chú trọng mối quan hệ win - win giữa truyền thông và báo chí. Anh ví von cách xây dựng, thiết lập mối quan hệ với báo chí như “chàng trai chinh phục một cô gái”. Anh vừa là một nhà báo thâm niên, vừa là một chuyên gia truyền thông kỳ cựu nên cách xử lý truyền thông cũng thật sự win - win, vừa có lợi cho báo chí (có thông tin để kịp thời đưa đến bạn đọc), vừa có lợi cho doanh nghiệp (báo chí sẽ đăng thông tin chính thống từ doanh nghiệp, thay vì đăng những thông tin suy đoán không chính xác). Quan điểm của tác giả là: trên tinh thần tôn trọng và chân thật thì mối quan hệ này mới được gắn kết mật thiết, bền vững.

Nói đến quản trị truyền thông, nhiều người cho rằng, đây là khái niệm không còn mới mẻ. Nhưng tư duy đúng để thực hiện đúng thì quả là vấn đề cần bàn, ngay cả đối với chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông tiếp thị. Trong khi đó, nhân sự phụ trách truyền thông tại các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay cũng phần lớn từ các chuyên ngành báo chí, văn học, ngoại ngữ hoặc marketing…

Vì vậy, cuốn sách thật sự bổ ích, là tài liệu tham khảo quý giá cho những ai yêu thích muốn dạm ngõ nghề truyền thông. Tuy nhiên, tác giả gửi gắm, nếu muốn thành công với công việc này, ngoài đam mê, người làm nghề liên quan đến truyền thông cần phải có tư duy sáng tạo và không ngừng trau dồi trong môi trường thực tiễn để hoàn thiện mình.

Tác giả Phạm Sông Thu (còn có các bút danh Thu Giang, Phạm Tấn...), quê Quảng Nam, từng có nhiều năm làm việc ở các tờ báo lớn, chủ biên một số tạp chí chuyên ngành và đặc biệt có quãng thời gian dài gần 10 năm làm việc tại Ban Truyền thông của Tập đoàn Vingroup.

DUY AN

(*) Đọc Truyền thông theo phong cách Win - Win, NXB Hà Nội và Công ty sách Thái Hà phát hành năm 2020.
 

;
;
.
.
.
.
.