Chọn ngành, chọn nghề

Chọn nghề phù hợp

.

Vài năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu nhân lực thực tế, các trường nghề đã mở và đào tạo nhiều nghề mới. Trong khi đó, nhiều bạn trẻ tìm hiểu kỹ về cơ hội việc làm, nắm bắt xu hướng của xã hội để lựa chọn nghề nghiệp.

Sinh viên học nghề Cơ điện tử, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng trong giờ thực hành lập trình PLC (Programmable Logic Controller: bộ điều khiển logic lập trình được).Ảnh: MAI HIỀN
Sinh viên học nghề Cơ điện tử, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng trong giờ thực hành lập trình PLC (Programmable Logic Controller: bộ điều khiển logic lập trình được). Ảnh: MAI HIỀN

Nắm bắt cơ hội, lựa chọn theo sở thích

Xuất phát từ việc yêu thích robot cũng như các hệ thống tự động hóa; đồng thời nhận thấy cơ hội việc làm, ngay sau khi tốt nghiệp THPT, Đỗ Tấn Hiển (SN 1999, cựu sinh viên nghề Cơ điện tử, Trường Cao đẳng (CĐ) Nghề Đà Nẵng) quyết định theo học nghề Cơ điện tử tại Trường CĐ Nghề Đà Nẵng. Ngay sau khi kết thúc học kỳ cuối, Hiển tham gia phỏng vấn và được nhận vào làm nhân viên vận hành máy CNC tại Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine.

Hiển chia sẻ: “Với 70% thực hành, 30% lý thuyết, sau 2,5 năm đào tạo giúp em không bỡ ngỡ khi đi làm và tạo nền tảng cơ bản để em dễ dàng tiếp thu thêm kiến thức, kỹ năng chuyên sâu hơn trong công việc”.

Chọn theo học nghề Quản trị resort tại Trường CĐ Du lịch Đà Nẵng, Nguyễn Minh Như (SN 1998) vừa tốt nghiệp thì được nhận vào làm ở vị trí lễ tân tại một khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng hơn 1 năm nay. Như chia sẻ: “Em vốn sinh sống cùng gia đình tại Đắk Lắk. Sau khi tốt nghiệp THPT, em quyết định học tập và công tác lâu dài tại Đà Nẵng. Hiện nay, số lượng resort ở Đà Nẵng khá nhiều nên cần nhiều nhân sự. Vừa nhận thấy đây là cơ hội tốt, vừa cảm thấy bản thân mình phù hợp với ngành nghề này. Khi ra trường, em có thể ứng tuyển vào không chỉ resort mà còn nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch”.

Với Đồng Thị Thế Quyền (SN 1999), xác định trở thành hướng dẫn viên du lịch, cô quyết định theo học nghề Phiên dịch tiếng Anh du lịch tại Trường CĐ Du lịch Đà Nẵng. Quyền cho hay: “Mong muốn làm hướng dẫn viên du lịch và yêu thích ngoại ngữ, trùng hợp trường có đào tạo nghề Phiên dịch tiếng Anh du lịch nên em chọn theo học. Em đã tìm hiểu thông tin về việc đào tạo nghề này của trường qua nhiều kênh và cảm thấy tự tin với sự chọn lựa của mình”.

Đào tạo thêm nhiều nghề đáp ứng nhu cầu của xã hội

Ông Lê Đức Trung, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch cho hay: “Từ 5 nghề ban đầu: Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng, Quản trị lữ hành, Hướng dẫn viên du lịch, Chế biến món ăn, năm 2017, nhà trường mở và đào tạo thêm nghề Quản trị resort và Phiên dịch tiếng Anh du lịch. Trong mùa tuyển sinh 2020, trường tuyển sinh thêm nghề Quản trị du lịch MICE (tổ chức sự kiện)”.

Với thời gian đào tạo 2,5 năm, thời lượng thực hành 60%, sinh viên sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ CĐ - nghề Quản trị khu resort, có thể đảm nhận các vị trí: nhân viên bộ phận tiền sảnh, nhân viên nhà hàng, nhân viên bộ phận buồng, nhân viên kinh doanh và tiếp thị, nhân viên nghiệp vụ bộ phận thể thao, vui chơi giải trí hoặc spa.

Bên cạnh đó là cơ hội việc làm ở vị trí: giám sát viên bộ phận lễ tân, giám sát viên bộ phận nhà hàng, giám sát bộ phận buồng, trưởng bộ phận tiền sảnh, trưởng bộ phận nhà hàng, trưởng bộ phận buồng tại các khách sạn từ 1-5 sao, giám đốc khách sạn từ 1-3 sao.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp Quản trị du lịch MICE có cơ hội làm việc ở các vị trí: nhân viên marketing và truyền thông du lịch MICE; nhân viên kinh doanh và chăm sóc khách du lịch MICE; nhân viên điều hành tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ; trưởng bộ phận các công việc chuyên môn; giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp. Còn với nghề Phiên dịch tiếng Anh du lịch, sinh viên ra trường có thể làm việc tại bộ phận lễ tân, bộ phận nhà hàng của các khách sạn, nhà hàng, hoặc làm việc tại các đơn vị kinh doanh lữ hành...

Với nghề Logistics, ông Hà Quang Minh - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giới thiệu việc làm, Trường CĐ Nghề Đà Nẵng - cho biết qua tiếp xúc với các doanh nghiệp, nhận thấy nhu cầu nhân lực rất lớn nên trong đợt tuyển sinh 2020, trường tuyển sinh thêm nghề này. Theo đó, sinh viên được trang bị kỹ năng về phân tích, đánh giá và điều hành các hoạt động logistics như: lập kế hoạch nhu cầu, mua hàng, kiếm hàng tồn kho, xử lý vật liệu, vận chuyển, kho bãi, đóng gói sản phẩm và hỗ trợ dịch vụ.

Song, trao đổi về cơ hội việc làm, ông Lê Nam Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Logistics PORTSERCO (doanh nghiệp chuyên kinh doanh dịch vụ logistics hàng hóa) nói: “Theo tôi biết, sản lượng hàng hóa container thông qua cảng Đà Nẵng trong những năm gần đây gia tăng. Tuy nhiên, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Đà Nẵng và các cảng khác ở khu vực miền Trung so với khu vực miền Bắc và miền Nam chiếm tỷ lệ không cao.

Như vậy, có thể nhận thấy nhu cầu về nguồn nhân lực trong ngành logistics tại khu vực miền Trung là có nhưng chưa đến mức cấp thiết và hiện tại có một thực trạng là đa số các đơn vị kinh doanh về logistics đều rất khó để có thể tuyển được nhân viên logistics đáp ứng được các yêu cầu của đơn vị”.

Thực tế, trong các mùa tuyển sinh, học sinh luôn đặc biệt quan tâm việc nên chọn ngành, nghề đang “hot” hay chọn ngành, nghề phù hợp. Chia sẻ về vấn đề này, TS. Võ Thị Quỳnh Nga, Phó Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) bày tỏ: “Tôi cho rằng, nghề không chỉ là công cụ tạo thu nhập cho cuộc sống của mỗi người mà còn là phương thức để mỗi cá nhân khám phá chính mình hay thể hiện mình với người khác, cũng như là nguồn nguyên liệu tạo niềm vui và hạnh phúc mỗi ngày. Vì thế, nên chọn ngành, nghề phù hợp, phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của cá nhân, phù hợp với ngoại hình và tính cách; phù hợp với kiến thức và kỹ năng mà cá nhân đó có được”.

TS. Võ Thị Quỳnh Nga phân tích thêm: “Để đạt được mục tiêu nghề nghiệp thì phải chọn nghề mà xã hội thực sự cần. Ngoài ra, ở góc độ nào đó thì sự phù hợp cần được hiểu là hai chiều. Chẳng hạn, nếu bạn quyết tâm chọn nghề, ngành rất phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của bạn (thu nhập cao, cơ hội thăng tiến rõ ràng, cơ hội học tập rất lớn, hay đơn giản là công việc ổn định với môi trường làm việc yên bình...) nhưng bạn chưa có đủ kiến thức và kỹ năng thì bạn phải cố gắng tích lũy thêm kiến thức và kỹ năng đó.

Thế nên, mỗi người khi chọn nghề, cần tìm hiểu xem nghề nào xã hội thực sự cần trong vài năm tới; cần lắng nghe mình muốn gì, thích gì; cần hiểu rõ sở trường và sở đoản của bản thân, đặc biệt là những gì cần và có thể thay đổi, bổ sung nhờ được đào tạo và trải nghiệm thực tế”.

MAI HIỀN



 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích