Dệt tình yêu thương

.

Mùa hè năm nay đến muộn do Covid-19. Thế nhưng, Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố đã kịp hoàn thành việc khám tầm soát tim cho trẻ em trên toàn địa bàn Đà Nẵng - sứ mệnh của Hội hơn 10 năm nay. Gần 2 tháng triển khai sau khi dịch được kiểm soát, 89 điểm khám đã được tổ chức tại các quận, huyện, thăm khám sàng lọc cho 34.000 trẻ em. Chương trình phát hiện 177 trẻ em có triệu chứng bệnh tim bẩm sinh. Trong đó, 82 trường hợp cần can thiệp phẫu thuật và 95 trường hợp theo dõi uống thuốc.

Những năm qua, Hội đã không ngừng vận động, tìm kiếm các nhà tài trợ để phẫu thuật tim cho trẻ. Hơn 10 năm triển khai chương trình hỗ trợ mổ tim bẩm sinh thì cũng chừng ấy năm Đà Nẵng đầu tư 6 tỷ đồng mua thiết bị, đào tạo bác sĩ cho khoa Tim mạch - Bệnh viện Đà Nẵng. Ban đầu, khoa chỉ có thể phẫu thuật cho những em cân nặng trên 10kg, nhưng thời gian gần đây một số em dưới 10kg có thể nhập viện phẫu thuật, không phải đi xa như trước. Đặc biệt, phương pháp mổ nội soi, “đóng dù” để che kín vết mổ được áp dụng, đem lại sự tự tin cho trẻ, nhất là trẻ gái, bởi với con gái thì vấn đề thẩm mỹ ảnh hưởng rất lớn trong quá trình trưởng thành sau này.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, tim bẩm sinh chiếm 0,7 - 0,8% những trẻ sinh ra còn sống, tức cứ 1.000 trẻ sinh ra còn sống thì có 7-8 trẻ bị tim bẩm sinh. Ở Đà Nẵng, có khoảng 60-70 trẻ mới sinh mắc bệnh tim mỗi năm. Biết nói sao cho hết niềm vui của những gia đình không may có con mắc bệnh hiểm nghèo, giờ khỏe mạnh trở lại. Nhiều gia đình giữ liên lạc với cán bộ Hội và cập nhật tình hình của con từ lúc nhỏ đến lúc trưởng thành, có gia đình riêng. Như trường hợp của X. Yến (SN 1997, trú đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu). Các cô, chú trong Hội nhớ về Yến bởi ấn tượng với sự kiên cường của cô gái nhỏ này. Yến được Hội hỗ trợ mổ tim 3 lần với kinh phí hơn 200 triệu đồng. Ba lần lên bàn mổ là 3 lần em được sự đồng hành của cha mẹ và các cô, chú. Giờ nghe tin Yến mang thai, các cô, chú trong Hội hồi hộp theo dõi từng ngày.

Em trở dạ, mọi người liên hệ với bác sĩ của Trung tâm Tim mạch Đà Nẵng cùng đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi hội chẩn. “Từ một cô bé đến thở còn khó mà em đã sinh được một bé trai bụ bẫm, đáng yêu thế này. Biết nói sao cho hết lòng biết ơn của em đối với các cô, chú, các nhà hảo tâm và bác sĩ đã “hồi sinh” cuộc đời em”, Yến nói rồi cười giòn tan.

Bệnh tim bẩm sinh là bệnh nguy hiểm nhất trong các bệnh về tim mạch ở trẻ em. Ông Nguyễn Bá Triệu, Trưởng khoa Tim bẩm sinh và cấu trúc (Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng) bày tỏ, ông mong muốn tất cả các em không may bị bệnh tim bẩm sinh đều được cứu chữa kịp thời để có trái tim khỏe mạnh, có cuộc sống bình thường như các bạn cùng trang lứa. Cùng suy nghĩ đó, bà Đỗ Thị Kim Lĩnh, Phó Chủ tịch Hội nói rằng, Hội sẽ làm hết sức để tất cả trẻ em không may mắc bệnh tim được phẫu thuật kịp thời, và sẽ phẫu thuật cho đến khi nào bác sĩ chỉ định không cần mổ nữa mới thôi.

Tại hội nghị Phát triển toàn diện trẻ thơ khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: “Trẻ em không chỉ cần được nuôi dưỡng đầy đủ về dinh dưỡng, được học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi mà còn phải được sống trong môi trường hòa bình, trong sạch, đầy tình yêu thương”.

Nhiều năm nay, Đà Nẵng xác định công tác chăm sóc, bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ em được phát triển chính là đầu tư cho tương lai, chính là sự phát triển bền vững. Trong đó, trẻ khuyết tật vừa được học văn hóa, vừa được học nghề phù hợp với trình độ, nhận thức là mong muốn của hầu hết phụ huynh và giáo viên, để trẻ có thể tìm được công việc phù hợp, hòa nhập cộng đồng, nuôi sống bản thân sau này.

Năm 2019, Trường chuyên biệt Tương Lai (đường Trần Bình Trọng, quận Hải Châu) có 230 trẻ khuyết tật theo học; trong đó có hai dạng tật chính là chậm phát triển trí tuệ và khiếm thính. Nhà trường bắt đầu dạy hướng nghiệp nghề làm nhang cho trẻ khuyết tật trí tuệ từ năm học 2015-2016. Qua 4 năm, nghề làm nhang được đánh giá phù hợp với trình độ, kỹ năng của các em, đầu ra của nghề cũng ổn định. Đến năm 2017, nhà trường triển khai thêm nghề làm hoa đá.

Trong đó, trẻ khuyết tật trí tuệ xâu chuỗi hạt, kết cườm (vận động thô), còn trẻ khiếm thính kết cánh hoa (vận động tinh). Nhà trường xác định, trẻ khuyết tật phải được học nghề thì mới có thể hòa nhập và ổn định cuộc sống sau này. Do đó, qua mỗi năm, nhà trường luôn tìm nghề mới, phù hợp với trình độ nhận thức, năng lực của trẻ khuyết tật để đưa vào giảng dạy. Thông thường với trẻ khiếm thính, trường sẽ hướng các em từ 14 tuổi trở lên học nghề, nhưng với trẻ chậm phát triển trí tuệ thì phải 16 tuổi. Những trẻ từ 12 tuổi trở lên không có khả năng học chữ, riêng các kỹ năng khác vẫn tốt thì được chia nhóm để dạy kỹ năng tự phục vụ, làm các việc nhẹ nhàng trong gia đình, làm vườn, rửa xe.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau” là thông điệp yêu thương trong đại dịch Covid-19, và thông điệp này rất đúng trong công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là với trẻ em - những em ở vùng còn nhiều khó khăn, trẻ em bị thiệt thòi do khuyết tật, do gia cảnh. Mọi trẻ em đều được sống trong yêu thương. Không để trẻ em nào không có nụ cười, không có tuổi thơ trong sáng và không có tương lai phát triển - đó là điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn.

HẢI ÂU
 

;
;
.
.
.
.
.