Lê Minh Quốc nặng lòng với văn hóa Việt

.

Cuốn sách Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt (*) vừa ra mắt của nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc được đúc kết trong 22 năm khảo cứu, hệ thống, sắp xếp lại các câu chuyện và biên soạn, chỉnh sửa.

Tác phẩm được chia thành 5 chương. Vua Hùng - biểu tượng sự đoàn kết, thống nhất của dân tộc Việt - và Tứ bất tử sống mãi trong tâm thức người Việt được chọn mở đầu cho một dấu ấn văn hóa đã có hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Ở chương 2, tác giả vinh danh các vị tổ ngành nghề Việt Nam - một trong những truyền thống tốt đẹp góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt như: nghề mộc, ngành ngân khố, dệt lụa, thuốc Nam, trồng ngô, đúc đồng, gò đồng, giấy vàng xưa, khắc bản in, dệt chiếu, thêu…

Chương 3 ghi nhớ những danh tài sáng tạo tiên phong thời cận, hiện đại trên nhiều lĩnh vực với Cao Thắng (chế súng đạn), Đỗ Xuân Hợp (giải phẫu học), Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ (bào chế thuốc tây cho người Việt), Trương Văn Bền (vinh danh xà bông Việt Nam), Nguyễn Lộc (sáng lập môn phái Vovinam)...

Trong chương 4 - Vài cột mốc khơi dòng nghệ thuật hiện đại, người đọc bắt gặp Đặng Huy Trứ (nhiếp ảnh), Trương Vĩnh Ký (văn hóa), Tống Hữu Định (nghệ thuật cải lương), Lương Văn Can (giáo dục), Nguyễn Đình Nghị (chèo), Vũ Đình Long (kịch nói), Tạ Duy Hiển (xiếc), Đàm Quang Thiện (phim)…

Và nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc tạm thời kết thúc ở hai tác phẩm Truyện Kiều (Nguyễn Du) và Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu) - hai sản phẩm văn hóa độc đáo, trứ danh đã đi sâu vào tâm thức người Việt nhiều thế hệ - trong chương 5 Nước non nặng một lời thề. Thế nhưng, theo tác giả, dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt chưa thể dừng lại trong một tập sách, bởi lẽ sự vật luôn vận động, phát triển ắt còn nảy sinh nhiều dấu ấn văn hóa mới trong đời sống tinh thần vật chất của người Việt mà thế hệ sau phải bổ sung thêm.

Có thể nói, Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt là công trình sưu tầm, khảo cứu công phu và có bề sâu. Sách dày 687 trang nhưng cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối. Bởi nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc đã lồng ghép tinh tế giai thoại, huyền thoại, câu chuyện đan xen cùng các sự kiện lịch sử.

Đây là chủ ý của tác giả, với mong muốn người đọc dễ dàng tiếp cận một cuốn sách nghiên cứu. Cứ thế, bằng chất thơ, chất văn, Lê Minh Quốc dẫn dắt bạn đọc đến với những số liệu bớt phần khô khan cũng như các giá trị văn hóa, phẩm chất tinh thần tốt đẹp của dân tộc ta qua nhiều thời đại.

"Khi khảo sát về ngành nghề, các vị tổ nghề hoặc các nhân vật tiên phong trong lĩnh vực đó thì cũng là lúc ta thấy được sự phản chiếu các giá trị văn hóa, tinh thần văn hóa của một dân tộc..."

Nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc

Qua sách, mỗi nhân vật, mỗi dáng vẻ, cốt cách, công đức nhưng đều toát lên điểm chung về trí tuệ, vẻ tinh anh, nét văn hóa độc đáo của người Việt trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Lê Minh Quốc tâm sự, viết về nhân vật lịch sử, văn hóa nào cũng có cái khó và cái dễ. Khó ở việc tìm tư liệu cần thiết, liên quan đôi khi vì thăng trầm thời gian nên lưu trữ chưa thật đầy đủ; dễ là bởi viết bằng lòng tin yêu, ngưỡng mộ.

Ông cũng chia sẻ, tác phẩm đề cập đến nhiều tên tuổi lớn, nhiều ngành nghề mà đến nay vẫn còn những ý kiến khác nhau trong việc xác định ai là “tổ nghề”, về hành trạng của những người có công khai phá và phát triển, về thời gian ngành nghề đó được du nhập vào nước ta… Vì vậy, những tranh luận liên quan đến cuốn sách là điều khó tránh khỏi.

Tác giả nhận thức rõ về điều này và quyết tâm dấn thân với tinh thần “mình cứ tâm huyết mà viết, có tranh luận càng tốt”. Và quá trình tìm tòi, khám phá nền văn hóa của dân tộc đã giúp ông thêm vững tin thực hiện ý nguyện của mình, “sung sướng nhận ra người Việt mình cực kỳ cầu tiến và luôn có suy nghĩ tích cực là một khi tiếp thu giá trị văn hóa mới bao giờ cũng chọn lọc, cải tiến, nâng cao những gì mình đã có; nếu chưa có thì làm theo nhưng vận dụng phù hợp với tâm lý, tính cách của dân tộc mình, tùy vào điều kiện thực tế”.

Lê Minh Quốc quê ở Đà Nẵng. Năm 1988, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh), ông công tác tại báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Ông quen thuộc trong làng văn Thành phố Hồ Chí Minh với bút lực ổn định, ra tác phẩm đều tay qua hàng chục đầu sách từ thơ, truyện ngắn, truyện dài đến biên khảo.

NAM BÌNH

(*) NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh xuất bản quý II-2020

 

;
;
.
.
.
.
.