Phố 'Hàng' của người Hà Nội

.

“36 phố phường” là cách gọi thuận miệng của người xưa đối với các phố ở Hà Nội, có lẽ do tác phẩm Hà Nội 36 phố phường của nhà văn Thạch Lam quá nổi tiếng. Thực ra, tính đến thời điểm hiện tại, khu phố cổ ở quận Hoàn Kiếm có gần 50 phố bắt đầu bằng chữ “Hàng”.  

Phố Hàng Mã trước đây chủ yếu bán đồ hàng mã, hàng giấy để trang trí như hoa giấy, đèn giấy các kiểu…, thì nay vẫn thế. Ảnh: BÙI ANH TUẤN
Phố Hàng Mã trước đây chủ yếu bán đồ hàng mã, hàng giấy để trang trí như hoa giấy, đèn giấy các kiểu…, thì nay vẫn thế. Ảnh: BÙI ANH TUẤN

Trải qua biến thiên của lịch sử, đến nay tuy có thay đổi về dịch vụ ngành nghề và hàng hóa, nhưng nhiều con phố vẫn giữ những giá trị lịch sử văn hóa, duy trì các nghề truyền thống theo đúng tên gọi ban đầu. Phố Hàng Thiếc hiện vẫn theo nghề gò thiếc, gò tôn. Phố Hàng Mã trước đây chủ yếu bán đồ hàng mã, hàng giấy để trang trí như hoa giấy, đèn giấy các kiểu…, nay vẫn thế, dù có chút hiện đại và đa dạng sản phẩm hơn. Phố Hàng Bạc, nơi tập trung những người thợ tinh xảo trong kỹ thuật chế tác đồ vàng bạc của đất Kinh kỳ xưa, giờ đây vẫn là phố buôn bán trao đổi vàng bạc đông đúc. Phố Lãn Ông hiện còn nhiều gia đình bán thuốc Bắc. Chỉ cần đến đầu phố đã ngửi thấy ngay mùi thơm đặc trưng, quyến rũ của các loại hương liệu, thảo mộc khô…

Song, ngày nay, nhiều  phố “Hàng” đã chuyển sang kinh doanh mặt hàng mới. Phố Hàng Hòm không còn sản xuất hòm. Phố hàng Khoai không bán khoai nữa, thay vào đó là bán bát đĩa. Phố Hàng Đường nổi tiếng với ô mai. Phố Hàng Gà thì in thiệp cưới…

 Điều rất đặc biệt góp phần làm phố cổ Hà Nội vẫn giữ trong mình những giá trị rất riêng, đó là những con ngõ nhỏ ở phố “Hàng”. Trong những con ngõ ấy còn là cả “thiên đường” ẩm thực, nơi lưu dấu nét tài hoa, tinh tế và kỹ tính của người Hà Nội. Chẳng hạn, ngõ Trung Yên bắt đầu từ đoạn giữa phố bán đồ len Đinh Liệt, ngay đầu ngõ có hàng phở Sướng, với vị nước dùng “danh bất hư truyền”. Ngõ Phất Lộc không chỉ nổi tiếng bởi từng vào tranh Bùi Xuân Phái mà còn vì một hàng bún đậu mắm tôm, đầu ngõ còn có quán bún chả kẹp tre được nhiều thực khách ưa chuộng.

Chả ở đây cũng như những nơi khác gồm chả miếng và chả viên, nhưng những viên chả được bọc lá xương xông. Chả được kẹp vào que tre để nướng chứ không phải vỉ nên miếng thịt thơm hơn, mềm hơn. Con ngõ nhỏ cắt phố Ấu Triệu ngay bên hông Nhà thờ Lớn thì ấn tượng thực khách vào những chiều đông giá lạnh, ngồi ủ tay trên lò than hoa, nhâm nhi nem nướng, mực nướng, lắng nghe tiếng chuông nhà thờ chầm chậm thả vào thinh không. Ngõ Tạm Thương trên phố Hàng Bông lại mang dáng vẻ khác. Bỏ xa sự ồn ào, náo nhiệt, mọi thứ ở đây dường như vẫn giữ được nhịp điệu cũ. Đặc biệt, ngõ còn tạo nỗi thương nhớ rất lâu bền với những thực khách trẻ bằng món nem chua rán trứ danh.

Cứ thế, không hiểu sao những người dân xung quanh khu vực phố cổ chỉ chuộng những quán gánh cũ kỹ nơi vỉa hè. Bún ốc ngõ chợ Đồng Xuân, phở gánh Hàng Chiếu, bún cá ngõ Hồng Phúc… và nhiều nữa những cái quen nơi vỉa hè, trong ngõ hẻm nhưng lại đông khách vô cùng. Như thể để thưởng thức ẩm thực Hà thành, chắc chắn phải ra vỉa hè, phải vào những ngõ nhỏ, chứ không vào những hàng quán sang trọng.

 Và cũng tại vỉa hè, tại ngõ nhỏ phố nhỏ ấy, sẽ dễ dàng bắt gặp chất “thị dân” của người phố “Hàng” trong cái dáng nhẩn nha nhấm nháp ly cà phê sánh đặc bên hè phố. Họ không vào những quán bán chung cà phê với những thứ giải khát khác mà thường chọn cho mình một quán quen, nhỏ thôi, nhưng khuất lấp và yên ắng. Ở đó, tiếng “dạ”, “thưa”, “vâng” vẫn điềm đạm được thốt ra bằng những câu chuyện đời thường, bằng lối ứng xử nho nhã, lịch thiệp.

Cạnh đó, trong các quán ăn, cứ để ý mà xem, có rất nhiều người Hà Nội ngồi ăn nhỏ nhẹ khiêm nhường, quần áo chỉn chu, rất hiếm khi thấy họ to tiếng yêu cầu này nọ. Nhiều người tự giác đứng lên tìm thứ mình cần, ăn xong để gọn bát đũa, giấy lau ngay ngắn… Đó là cái nếp nhà được truyền từ nhiều đời vẫn còn giữ được đến ngày nay.

 Dù đổi thay theo thời gian là tất yếu, nhưng trong nhịp điệu mới, nếp sống của người dân khu phố cổ vẫn khiến mỗi người cảm nhận được cái hồn cốt phố xưa của Hà Nội.

BÙI ANH TUẤN
 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích