Đà Nẵng cuối tuần

Chúng ta nhớ… chúng ta…

11:53, 09/08/2020 (GMT+7)

Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đúng là con người chỉ có xu hướng nhớ người khác. Chúng ta nhớ những người chúng ta thương yêu, những người đã mất đi và cả những người vì lý do gì đó đã rời xa. Chúng ta nhớ những gì bên ngoài chúng ta nhiều hơn là ở bên trong chúng ta…

Giữa lúc phải thực hiện cách ly hay giãn cách xã hội, chúng ta có thời gian để tự pha cà phê và nghĩ về những điều đã qua. Ảnh: The Independent
Giữa lúc phải thực hiện cách ly hay giãn cách xã hội, chúng ta có thời gian để tự pha cà phê và nghĩ về những điều đã qua. Ảnh: The Independent

Những ngày này, câu chuyện cách ly hay giãn cách xã hội một lần nữa trở lại như không thể khác khi số bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam tăng lên. Chúng ta ít nói hơn (có lẽ vì đeo khẩu trang thường xuyên), ít gặp gỡ hơn, ít tương tác trực tiếp với người thân hơn và cũng ít bước ra ngoài hơn…

Và thế là, một sáng mai nào đó ngồi một mình với tách cà phê tự pha bên bàn làm việc. Một khuya nào đó thức dậy với một nỗi niềm trống vắng không thể tả xiết. Một buổi chiều nào đó bước chân cứ quẩn quanh nơi một góc nhà quen thuộc. Giây phút ấy, thốt nhiên, chúng ta nhớ chúng ta quay quắt…

Chúng ta nhớ chúng ta từng có những ngày rất muốn tĩnh lặng nhưng đám đông ngoài kia, như những con sóng không có điểm dừng, cứ thế cuốn chúng ta đi từ góc quán này sang góc quán khác, từ cuộc vui này cho đến buổi tụ họp nọ… Chúng ta mở tròn xoe mắt, miệng cố nhoẻn cười để không thấy mình lạc lõng giữa những con người cười cười nói nói.

Chúng ta nhớ những lần chỉ muốn thốt lên những lời chân thật, mà rồi lòng lại kìm nén vì sợ rồi cũng sẽ chẳng thay đổi được gì. Cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền lắm lúc như một sợi dây cương, cột chặt vào cổ chúng ta, thuần phục chúng ta bất kể chúng ta có muốn hay không. Đôi khi, chúng ta có quá nhiều những ngày hèn nhát mà chúng ta không hề biết…

Chúng ta nhớ nhiều ngày chúng ta bao dung với lầm lỗi của những người chúng ta thương yêu. Bao dung là điều tốt nhưng bao dung quá lại thành ra không tốt. Cứ như thể người làm sai không còn gì phải sợ nữa, vì đằng nào cũng sẽ được tha thứ. Tha thứ như một hằng số bất biến mà chúng ta không thể thay đổi, hoặc không muốn thay đổi, vì đã lỡ chọn cách ấy rồi…

Thật không may vì dịch xảy ra, nhưng xét ở một góc độ nào đó, vì có dịch mà chúng ta có đủ thời gian và bối cảnh để nhớ... chính chúng ta. Một con người mỗi ngày đều học cách sinh tồn, vượt qua đau thương, nuôi lấy niềm tin sẽ mạnh mẽ nếu bàn chân vẫn cứ tiếp tục đi tới… mà chúng ta còn không nhớ thì có phải là tội chúng ta lắm không!

Không thể nói trước, nhưng những ngày cách ly hay giãn cách xã hội rồi cũng sẽ qua. “Cơn lũ” cuộc đời sẽ lại cuồn cuộn chảy, tiếp tục quăng quật chúng ta như đã từng…, còn chúng ta mệt thì có mệt nhưng chẳng thể nào ngừng lại việc ngụp lặn kia. Trong giá trị sống của một con người chưa bao giờ có bất kỳ một hàm ý nào về việc dừng lại một chỗ mãi mãi mà có thể khiến chúng ta trưởng thành.

 Mỗi một khoảng thời gian đều mang lại một giá trị nhất định cho con người sử dụng nó. Có khi thời gian ấy ra hoa kết trái ngay hôm nay hoặc có khi là mãi sau này. Cũng có thể thời gian ấy là bình thường, không tốt không xấu. Nhưng nhiều nhất, với mọi người, có lẽ là thời gian ấy cứ trôi đi mà không mang lại điều gì…

Thế nên, sau những ngày chúng ta thốt nhiên nhớ chúng ta quay quắt, đừng để những khoảnh khắc ấy chỉ là khoảnh khắc trôi tuột đi theo ngày tháng.

Chúng ta đã từng là… thì giờ chúng ta càng phải là…

Thật hy vọng, giữa những dấu 3 chấm ấy, sẽ là hai chữ - tử tế!

Tử tế với chúng ta và cả với mọi người!

NGUYỄN PHONG VIỆT
 

.