Vàng thỏi như “hàn thử biểu” cho biết sức khỏe của kinh tế toàn cầu. Giá vàng tăng không phanh cho thấy kinh tế thế giới đứng trước những khó khăn rất khó dự báo.
Giá vàng thỏi đang liên tục tăng, báo hiệu kinh tế thế giới suy yếu. Ảnh: Reuters, AP |
Giá vàng thế giới giảm mạnh khi Covid-19 mới bùng phát. Kể từ khi giảm mạnh nhất vào tháng 3, hơn 4 tháng chống chọi với dịch bệnh, giá vàng đảo chiều tăng liên tục. Giá vàng hồi đầu tuần này là 1.930 USD/ounce (1 ounce = 0,833 lượng), tăng hơn 30% so với mức thấp hồi tháng 3 vừa qua.
“Nơi trú ẩn an toàn”
Vì sao giá vàng lại đảo chiều liên tục như vậy? Các ca mắc Covid-19 hiện vẫn tăng mạnh, nhất là ở Mỹ, khiến kinh tế của cường quốc hàng đầu thế giới chưa thể hồi phục. Giá trị đồng USD giảm so với đồng yen và euro; chỉ số USD trong rổ giao dịch tiền tệ quốc tế đã giảm 0,5%, mức thấp nhất kể từ tháng 6-2018 đến nay. Trong khi đó, đồng yen tăng 0,5% so với cách đây 4 tháng, bảng Anh tăng 0,2% và euro tăng 0,4%. Tỷ lệ lạm phát của Mỹ đang ở mức 1,5%, thấp hơn mức dự kiến 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Ngoài ra, những yếu tố khác như căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc; giãn cách xã hội do ảnh hưởng của Covid-19 buộc chính phủ và ngân hàng trung ương các nước phải tung ra các gói kích thích để thúc đẩy nền kinh tế. Trước tình hình ảm đạm, các nhà đầu tư chuyển sang vàng như
một “nơi trú ẩn an toàn”.
Đây là lần thứ hai vàng nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình thúc đẩy kinh tế của các ngân hàng trung ương. Hiện tại, vàng đã tăng ở tuần thứ 18 liên tiếp, dài nhất kể từ năm 2006 đến nay. Người đứng đầu mảng chiến lược thị trường toàn cầu của Ngân hàng Westpac (có trụ sở ở Sydney, Úc), ông Robert Rennie phân tích: “Khi USD bị nghi ngờ một cách rõ ràng như lúc này thì nhà đầu tư còn tin vào cái gì? Vậy thì vàng chính là nơi trú ẩn an toàn và cũng là thứ phản ánh rủi ro tăng cao từ căng thẳng địa chính trị”.
Sẽ tăng lên 3.000 USD/ounce sau tháng 11?
Căng thẳng Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” bởi hai nước đã đóng cửa Tổng lãnh sự quán của nhau. Qi Gao, chiến lược gia tiền tệ tại Scotiabank (một ngân hàng lớn của Canada) - chi nhánh ở Singapore, cho rằng việc Mỹ đóng cửa các Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Houston và Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Thành Đô gây sức ép lớn hơn lên đồng USD. Ông Qi Gao nhận định, trong những tuần tới, USD sẽ tiếp tục suy yếu. USD càng suy yếu thì giới đầu tư càng đổ vào vàng. Giá vàng giao ngay hồi đầu tuần là 1.944,71 USD/ounce, cao hơn mức kỷ lục năm 2011 tới 20 USD.
Hơn nữa, dịch bệnh vẫn hoành hành và vắc-xin đang trong quá trình thử nghiệm nên kinh tế thế giới có dấu hiệu tiếp tục “lao dốc”. Vì thế, nhà sản xuất vàng lớn nhất Úc là Newcrest Mining Ltd tăng 5,3% trong giao dịch ở Sydney. Cổ phiếu của Zijin Mining Group Co.Ltd., công ty khai thác, sản xuất vàng các kim loại khác, đã tăng 7,9% giá trị trên sàn Hong Kong (Trung Quốc).
Các nhà phân tích thị trường vàng thế giới không hy vọng sẽ sớm kết thúc việc tăng giá, ít nhất là tới bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11-2020. “Khi lãi suất bằng 0 hoặc gần bằng 0 thì vàng là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn”, ông Mark Mobius - đồng sáng lập Quỹ đầu tư Mobius Capital Partners nói. Ông Soni Kumari, chiến lược gia về hàng hóa của Ngân hàng ANZ nhận định, vàng đang ở trong “điều kiện hoàn hảo để tăng cao” giữa lúc cuộc khủng hoảng Covid-19 và các ngân hàng trung ương đang thúc đẩy khả năng thanh khoản. Ông Gavin Wendt, nhà phân tích tài chính cao cấp ở Công ty MineLife Pty tại Sydney, dự đoán giá vàng sẽ cán mốc 2.000 USD/ounce hoặc hơn thế trong những tuần tới.
Ngân hàng Mỹ đưa ra dự báo, giá vàng sẽ tăng mạnh hơn trong 18 tháng tới. Lý do là dịch bệnh và sự thay đổi lớn về địa chính trị dựa trên kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Lúc đó, giá vàng thỏi có thể tăng lên tới 3.000 USD/ounce. Vàng càng là “nơi trú ẩn an toàn” cho các nhà đầu tư thì đó là dấu hiệu rõ nét hơn về nền kinh tế thế giới đang suy thoái hơn.
ANH THƯ (theo Los Angeles Times, Fox News, Financial Times)