Đà Nẵng cuối tuần

Giếng làng

14:42, 08/08/2020 (GMT+7)

Bắt đầu là tiếng cãi cọ lao xao vọng ra từ ngôi nhà lục giác bên cạnh giếng, trong vườn nhà ông Năm. Bỗng tiếng đàn bà tru tréo: Ôi làng nước ơi, ông ăn ở rứa thì phước đức nhà ông ba đời trôi xuống giếng thôi ông à! Ông Năm dựng phắt người lên, chỉ thẳng tay vào người đàn bà: Bà ăn nói độc mồm độc miệng, giếng nhà tui thì tui rào, can cớ chi tới cái làng ni?

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tiếng cãi vã thu hút đám choai choai rời cuộc nhậu từ trưa ở cuối làng, rần rần trên đám xe máy “cưa nòng” đổ về. Nắng nóng. Cộng với những cái đầu nóng vì rượu và máu yêng hùng đang bốc lên não. Chưa biết đầu cua tai nheo, vứt xe vệ đường, cả đám nhào vô giật búa, cây… từ đám thợ hồ đang lóng ngóng, giáng huỳnh huỵch vô hàng rào lưới B40. Bờ tường gạch xây chưa ráo hồ, trụ đứng chưa vững, văng vương vãi trên đất cùng với mớ lưới và dây thép gai bùng nhùng. Gương mặt đang đỏ của ông Năm bỗng bầm lên rồi tái ngắt. Bộ râu kẽm giật giật rồi xuội xuống. Ông chắp tay ra sau, từng bước chậm rãi vô nhà từ đường… Đám đông hả hê sau cơn cuồng nộ, lãng dần vô trong ngõ làng.

Ông Năm nằm vắt tay lên trán. Hơi thở đứt quãng từng nhát. Gương mặt tái rồi lại bầm. Bỗng ông đập tay đánh “rầm” xuống tấm phản bằng gỗ lim lên nước bóng láng: Mẹ kiếp! Đất của ông bà mình, của cha chi chúng nó mà nó làm càn? Ờ phải, cái giếng ni, làm trên đất hương hỏa tổ tiên ông để lại, chứ đâu phải đất của làng. Ông lớn lên, đã nghe ông nội kể lại, giếng được làm từ thời ông cố. Ở vùng trung du này, đất không phải cò bay thẳng cánh, nhưng tổ tiên ông sở hữu cả vùng đất đồi, đất ruộng…, trồng từ cây lúa đến cây sắn, vườn tiêu; rồi cả đồi chè như những chiếc bát màu xanh mướt úp lên chiếc mâm đất đỏ tươi. Dưới lớp đất ấy chừng hơn thước, là những vỉa đá ong đỏ quạch.

Gạt lớp đất cát pha trên mặt rồi đến tầng đất thịt chắc hơn, mới tới lớp đá ong chắc nịch nằm thành vỉa ở dưới cùng. Đám trai tráng cùng đinh ngày ấy, được ông cố huy động, còng lưng dùng thuổng xén từng viên đá vuông thành sắc cạnh đưa lên mặt đất rồi tiếp tục đẽo gọt, xếp lớp. Đá còn ở dưới đất có màu vàng gạch, nhưng lên đến mặt đất, dưới cái nắng như nung, chúng trở màu đỏ thẫm; trong đó lẫn những viên sỏi màu đỏ sậm pha đen… Lúc đó, đá trở nên rắn chắc lạ thường. Đá ấy, những người giàu có quê ông đem xây nhà, làm giếng, chất thành những lối đi trong ngõ… Giếng làm từ đá ong, mạch nước thấm qua mạch đá, trong hơn, lành hơn và mát hơn.

Chuyện tìm mạch nước giếng, theo lời nội kể, cũng thật lạ kỳ. Bởi đất trung du, không phải chọt ngay một phát là đào được giếng. Có giếng đào cả mấy chục thước mà không có giọt nước nào, có giếng vét chừng 3-4 thước đã thấy mạch tuôn ra ào ạt… Muốn được vậy phải coi thầy. Coi ngày lành tháng tốt, ông cố mời thầy địa - mà phải là thầy có tiếng ở vùng khác đến, mới linh! Thầy gieo quẻ cúng cả một ngày, sáng sớm hôm sau, kêu gia chủ đi theo, rồi chỉ ngay chỗ đào. Đám thợ trai tráng trẻ khỏe nhất làng, qua một đêm kiêng cữ, sau khi tắm gội bằng nước lá thơm tho sạch sẽ, bắt đầu thọc những nhát thuổng đầu tiên xuống rồi từng tốp thay phiên nhau; lớp xén, lớp đào, lớp khiêng đất đổ lên bờ… Mọi người ồ lên khi mạch nước đầu tiên trào ra, phun xối xả.

Ông cố cười rạng rỡ; phước đức, uy danh là chỗ đó; thầy giỏi là chỗ đó! Sau này, ông đọc sách, mới vỡ lẽ, thầy cũng chẳng giỏi giang chi, mà đều có “bài” cả. Đó là sau một ngày cúng kiếng, ăn uống rượu chè, khi gia chủ ngủ say, thầy địa lấy mấy cái chén thủ sẵn trong túi, đi quanh khu vườn, tìm mấy chỗ úp xuống. Sáng sớm, khi cả nhà còn say giấc, thầy lén ra vườn, thăm mấy cái chén; trong chén nào đọng hơi nước nhiều nhất, thì nơi đó có mạch nước lớn chảy qua. Thầy đánh dấu xong trở về giả vờ ngủ lại, chờ cho gia chủ đánh thức, sau tuần trà rồi đi loanh quanh, khấn hương và chỉ chỗ đào. Trúng chắc luôn! Cứ vậy một đồn mười, mười đồn trăm… Thầy “thiêng” quá!

Nhưng đó là chuyện của ngày xưa, xưa lắm. Lúc đó, cây cối còn tươi tốt, mùa màng không bội thu dư dả thì cũng đủ ăn, nhờ sức người chăm cây cộng với nước trời đúng mùa đúng vụ. Cho đến khi cả vùng lâm vào cảnh nắng hạn, cỏ cây cháy khô; mấy cái giếng quanh vùng cạn dần. Cả làng không còn nước uống. Ông nội mở cửa rào để dân trong vùng vô gánh nước về dùng.

Ban đầu chỉ gánh nước về ăn uống, giặt giũ; rồi lũ trai tráng đi làm ruộng về, chiều chiều tụ tập tắm luôn cho mát… Lâu ngày thành giếng làng lúc nào không ai biết. Bà nội ông “xót của” cằn nhằn, ông nội cười ha hả: “Mạch nước giếng ni không khi mô cạn cả; càng dùng mạch nước càng ngọt, càng trong, bà đừng lo chi hết!”. Quả vậy, cả làng dùng chung, nhưng mạch nước giếng vẫn chảy đều, vẫn mát rười rượi. Đi làm đồng về, mồ hôi mồ kê đầm đìa, mặt đỏ hửng mà làm một gàu nước, ngửa cổ tu một hơi, nước chảy tràn tới đâu mát tới đó, mát cả trong ruột lẫn ngoài da…

Ông lớn lên bên ngôi làng đầy ắp huyền thoại ấy, rồi đi học xa, lên phố làm việc, mang cả gia đình theo. Nhưng ông vẫn hay về quê mỗi kỳ giỗ chạp hương khói tổ tiên. Cho đến ngày hưu, để lại vợ con ở phố, ông quyết định về “ở ẩn”, rũ bỏ phồn hoa ồn ào để tìm chút thanh bình, chút dịu ngọt của quê hương trong những ngày cuối đời. Nhưng quê không còn như ông nghĩ, mà bắt đầu đông đúc, xô bồ. Đám thanh niên lớn lên, đi làm ăn xa, lâu lâu tụ tập về là rượu chè, ca hát tưng bừng. Tụ bạ đã đời đâu đó, đêm hôm khuya sớm chi mặc kệ, tụi nó lăn ra giếng tắm, hò hét tưng bừng. Có những đêm ông thức giấc, đầu đau như búa bổ. Ông lụi cụi ra giếng.

Tụi nó cười trên những lời cằn nhằn của ông, rồi nẹt ga xe bỏ chạy… “Giếng nhà tau chứ giếng chi của cha ông tụi bây mà làm tàng rứa hả?!”, ông chửi với theo. Và quyết định kêu thợ về rào giếng lại… Cả làng mất đường đi lấy nước, xúm vô; ban đầu thì năn nỉ ỉ ôi rồi sau những cái đầu nguội nóng dần lên cho đến khi hàng rào ngã xuống… Ông uất ức, đứng bật dậy, chắp tay ra sau vườn. Đống lổn nhổn gạch đá cùng mớ lưới và thép gai bùng nhùng, quằn quại dưới ánh trăng sáng rỡ. Ông thấy sao mà ngột ngạt quá chừng…

Hiên nằm nghiêng dưới ánh trăng rờ rỡ. Phe phẩy chiếc quạt nan. Thằng con 2 tuổi ngủ khì, đôi môi vừa rời vú mẹ mở he hé, lâu lâu chọp chẹp thèm thuồng, mới trông chừng như đang chóp chép ánh trăng ngọt lịm đang trải khắp trên người. Cứ đến mùa trăng, Hiên cùng con ra nằm trên chiếc chõng tre ngoài sân, đắm chìm trong không gian tịch mịch của đêm. Trên những lằn rãnh mơ hồ trong đầu óc của một thiếu phụ có phần hơi dở người, vẫn còn trong Hiên những đêm trăng thời thơ ấu mát lạnh, trong ngọn gió thổi nhẹ qua đồi chè, qua những hàng cau phất phơ, xào xạc.

Trên chiếc giường tre, Hiên gối đầu lên mái tóc mẹ vừa gội khi chiều còn thoang thoảng hương chanh hương sả…; mộng mị trong những lời kể chuyện thủ thỉ thì thầm. Nhưng dần lớn lên, Hiên cảm nhận đêm trăng dường như nóng hơn, có những đêm gió đứng sựng lại, không gian trở nên bức bối, ngột ngạt. Giữa tiếng côn trùng râm ran, những mảnh trăng vàng óng trong những đêm hè dường như bẻ ra giòn rôm rốp… Tiếng vỡ giòn tan đó còn kéo sang cả mùa thu.

Trong những đêm như vậy, trằn trọc mãi không ngủ được, Hiên thích ra ảng sau nhà, múc vài gáo nước, xối lên người rồi không lau, thay quần áo ra nằm ngửa mặt nhìn lên trăng, đến chừng mệt quá thì thiếp đi. Ngày còn sống, mẹ hay nhắc Hiên, đàn bà con gái đừng tắm đêm, kẻo đau đầu. Nhất là đừng tắm giếng. Nhưng rồi những lời khuyên đó dễ vụt bay trong đầu óc nhớ nhớ quên quên thất thường…

Hiên vẫn thích tắm đêm. Nhưng có những tối, Hiên ra sau vườn, thả gáo vét mấy bận không còn giọt nước nào. Mấy năm gần đây, những giếng trong làng cạn dần; chỉ còn mỗi cái giếng ở nhà ông Năm là ắp nước. Nhưng nhiều người tranh nhau gánh từ sáng tới chiều, có khi chờ nước đến cả đêm khuya. Lớp múc, lớp tắm, ồn ào cả đêm lẫn ngày nên Hiên không dám tới. Có khi đi làm cả ngày về, nước trong ảng chỉ còn đủ nấu cơm chiều… Ăn xong, nằm phơi trăng trên chõng, chờ cho vãn người, Hiên mới gánh đôi gàu ra lấy nước.

Gàu vừa lên miệng giếng, tạt vào thành văng nước cả vào người, Hiên bỗng thấy thèm cái mát lạnh đến tê tái của nước giếng làng. Hiên xối ào cả gàu nước lên người. Mát quá, đã quá! Từng giọt nước thấm qua quần áo, len vào tận những mạch máu; dây thần kinh giãn ra giãn ra. Không còn ý tứ, rụt rè gì nữa. Hiên phơi thân mình bên giếng, giữa bóng trăng rờ rỡ đổ xuống từng vạt trên tấm thân thiếu nữ, nổi lên những đường cong uốn lượn của vải vóc loang loáng dính sát vào người. Bóng trăng với hàng cây nghiêng xuống, tiếng côn trùng cũng dè dặt cất lên rồi lịm tắt giữa thinh không. Một đôi mắt chập chờn ngái ngủ bỗng bừng tỉnh, khua động những sợi râu kẽm trên gương mặt đang bừng đỏ rồi tái dần đi…

Đổ ào đôi thùng nước vô ảng rồi kéo vội tấm nia đậy lên, Hiên thay quần áo, ra nằm trên chõng… Nước giếng vừa múc lên, thấm vô người Hiên mát lạnh, ru Hiên chìm dần, chìm dần trong cơn mê ngủ. Trong cơn mê ấy, chị thấy bóng trăng lúc ẩn lúc hiện; lúc lóe vàng lên lúc chìm trong bóng mây đen trũi; như sóng dập dồn dập dồn thúc trên người chị… Hiên oằn mình trong niềm khoái lạc được đắp đầy lên trong đêm trăng; mơ hồ tận hưởng sự khoan khoái của từng gàu nước giếng đổ ập xuống người mình trong đêm mùa hạ hanh hao, khô khốc…

Thế rồi dân làng đồn ầm lên, kháo nhau con gái tới thì đừng có đi tắm giếng làng một mình trong đêm, kẻo mang thai như trong chuyện cổ tích; sau này hay đẻ ra quái nhân như sọ dừa, ếch nhái… Nhưng đứa bé của Hiên ra đời, kháu khỉnh, dễ thương; ngay cả những người độc mồm độc miệng cũng ước ao, hay là một bữa nào đó mình đi tắm giếng đêm của làng. Ước xong rồi, sực nghĩ, ai cũng tỉnh táo, chứ đâu giống cô Hiên dở người…

Hiên mở mắt, xoay người ngắm con trong niềm rung cảm hoan lạc của người mẹ. Trăng chênh chếch về phía núi. Tiếng gà gáy te te trong xóm. Hiên nở nụ cười ngơ ngẩn; kéo chiếc gối chèn hai bên người con rồi trở dậy, bới tóc. Chị ra sau nhà, dỡ lấy đôi thùng gánh nước, móc chiếc gàu vào đầu đòn gánh rồi se sẽ tắt qua lối đi sau vườn nhà ông Năm để ra giếng làng. Quái lạ, sao thế kia? Trước mắt Hiên là đám lưới B40 và dây thép gai bùng nhùng đổ rối tung cùng đám cọc bê-tông, vôi vữa… tràn lên mặt đất. Tìm mấy lối đi vòng đều vướng. Thôi, qua giếng bà Hường. Chắc giờ này nước cũng nhỉ ra in ít, đủ cho một đôi thùng dùng đỡ. Bám đôi chân trần trên nền xi-măng, Hiên cong gập người thả chiếc gàu xuống giếng, huơ huơ… Mãi chẳng thấy chạm đến mặt nước.

Chỉ nghe tiếng gàu chạm vào thành bi đúc bằng xi-măng, dội lên khô khốc. Hiên rướn thêm một chút nữa, một chút nữa… Đôi tai nghiêng xuống lắng nghe tiếng nước va róc rách vào gàu như mỗi đêm… Bỗng Hiên thấy đôi chân mình hẫng lên, rời khỏi nền xi-măng mát lạnh; rồi hun hút, hun hút, tiếng gió bên tai, u u âm âm… Rơi xuống, bay lên, rơi xuống, bay lên… Khoảnh khắc, đầu Hiên chạm vào nước. Nước lạnh ngắt, ộc vào trong mũi trong miệng. Hiên hớp hớp lớp trăng vàng vỡ ra vỡ ra; tay Hiên quáng quàng vung vít gỡ từng mảng từng mảng mây đen cứ quấn lấy trên mặt trên cổ… Rồi Hiên cười, sặc đầy bóng đứa bé…

Đứa bé trở mình, quờ quạng chung quanh. Không tìm được hơi mẹ, nó bừng tỉnh giấc rồi khóc lên ngằn ngặt. Những người đi làm đồng sớm, xót ruột vì tiếng khóc nên ghé xem thử chuyện gì. Rồi táo tác chia nhau đi tìm. Đôi thùng gánh nước không còn bên ảng, chắc Hiên đi gánh nước chưa về. Khéo cái cô này, chắc đi tìm đứa nữa. Bâng quơ vài câu nói đùa ác ý cùng tiếng cười khô khốc. Vài người bỏ đi, nhưng đôi người sốt ruột đi tìm. Biết đâu! Câu nói bỏ lửng của ai đó thúc mấy người đàn ông trung niên ra giếng làng. Không có. Cho đến khi họ thấy đôi thùng nằm chỏng chơ trên nền giếng bà Hường. Kéo lên, kéo lên may ra còn kịp… Chớ có trèo xuống giếng, chờ gọi trưởng thôn với công an đã! Vài lời hối thúc, mấy câu khuyên can vỡ ra ồn ào bên thềm giếng...

Tiếng ồn ào đánh thức ông Năm dậy, chạy qua nhà chị Hiên. Chiếc chiếu đắp lên người chị đang nằm còng queo, sũng nước trên chiếc chõng tre. Đứa bé úp mặt vào ngực con dâu bà Hường, thổn thức từng cơn như còn giận mẹ bỏ lại nó nằm chơi vơi giữa đêm hè. Ông Năm bỗng thấy từng cơn nắng lấp lóa đổ xuống trước mắt; mặt ông bầm lên rồi tái dại… Ông loạng choạng bước trong vô thức, rồi sụp xuống bên thềm giếng nhà mình. Ông như bò trên đất, cuống cuồng cuộn từng lớp từng lớp lưới thép và kẽm gai, điên dại vất qua một bên, vạch lối đi từ đường làng vô thềm giếng. Máu tứa ra trên những vết gai cào xước, rực lên trong tia nắng đầu ngày…
Tháng 7-2020

Nguyễn Thành
 

.